Tích hợp đóng cửa hồ chứa quặng đuôi vào quy hoạch vòng đời mỏ

Quản trị viên 31/03/2025 Khối dự án

Ngành khai thác mỏ, giống như nhiều ngành công nghiệp nào khác, về cơ bản được thúc đẩy bởi mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, điểm khác biệt là giai đoạn tạo ra lợi nhuận trong vòng đời của một mỏ thường chỉ chiếm một phần nhỏ. Trước đây, các công ty khai thác chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực đổi mới, tài nguyên và đầu tư mạnh vào các giai đoạn khai thác tích cực, nhưng lại ít chú trọng đến việc phục hồi và đóng cửa mỏ. Khi việc đóng cửa mỏ không được thực hiện đúng cách có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực lâu dài đối với môi trường và ảnh hưởng xấu đến cộng đồng phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. 

Giai đoạn khai thác ngắn hạn tuy mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, đặc biệt khi phải đối mặt với các thách thức và chi phí liên quan đến việc cải tạo và đóng cửa mỏ, chẳng hạn như yêu cầu xử lý nước lâu dài. Dù vậy, đây cũng là cơ hội để tạo ra các giá trị bền vững về xã hội, kinh tế và môi trường. Việc phục hồi hệ sinh thái và tái sử dụng đất đai có thể trở thành nền tảng cho sự phát triển địa phương, triển khai các dự án năng lượng tái tạo hoặc hỗ trợ các mô hình sinh kế bền vững, mang lại lợi ích dài hạn vượt ra ngoài mục tiêu sản xuất đơn thuần.

Vì khai thác mỏ là một hình thức sử dụng đất tạm thời, các cộng đồng và chính phủ ngày càng kỳ vọng vào cam kết chuyển đổi mục đích sử dụng đất một cách tích cực sau khai thác để đổi lấy quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản. Để thực hiện điều này, cần tích hợp các hoạt động liên quan đến đóng cửa mỏ vào quy hoạch và hoạt động của mỏ ngay từ giai đoạn đầu tiên. Trong đó, quản lý hồ chứa quặng đuôi, từ giai đoạn vận hành đến sau khi đóng cửa mỏ, là một trong những khía cạnh phức tạp nhất của các giải pháp đóng cửa mỏ tích hợp.

Một hồ chứa quặng đuôi. Ảnh: Ramjack Tech

Tính chất phức tạp của hồ chứa quặng đuôi

Hồ chứa quặng đuôi là những công trình quy mô lớn, kéo dài hàng kilomet, để lại dấu ấn môi trường rõ nét và đặt ra thách thức lớn về kỹ thuật cũng như rủi ro môi trường nghiêm trọng khi đóng cửa.

Trong giai đoạn vận hành, độ ẩm cao trong quặng đuôi giúp hạn chế phản ứng hóa học, làm chậm quá trình oxy hóa, dòng thải đá axit và rửa trôi kim loại. Tuy nhiên, khi đóng cửa, việc khử nước để đảm bảo ổn định địa kỹ thuật có thể khiến chất thải tiếp xúc với oxy, làm tăng nguy cơ giải phóng kim loại độc hại. Do đó, cần áp dụng các chiến lược quản lý rủi ro như lớp phủ khô hoặc xử lý hóa học.

Bên cạnh đó, hồ chứa quặng đuôi thường được thiết kế để chịu đựng điều kiện thời tiết trong suốt giai đoạn vận hành. Tuy nhiên, nếu không dự tính yêu cầu ổn định dài hạn và tác động của biến đổi khí hậu, việc đóng cửa có thể đòi hỏi các công trình kỹ thuật phức tạp, kéo dài thời gian đóng cửa và gia tăng chi phí.

Giải pháp cơ bản để khắc phục những thách thức này là là tích hợp quản lý quặng đuôi vào kế hoạch đóng cửa mỏ ngay từ đầu – và ngược lại. Mặc dù quản lý quặng đuôi và đóng cửa mỏ thường được xem là hai lĩnh vực riêng biệt, nhưng thành công của cả hai phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ trong suốt vòng đời của mỏ.

Ba nguyên tắc cốt lõi để đóng cửa hồ chứa quặng đuôi hiệu quả 

Kết quả đóng cửa các mỏ, cũng như hồ chứa quặng đuôi, có sự khác biệt đáng kể giữa các địa điểm do nhiều yếu tố kỹ thuật, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, ba nguyên tắc quan trọng giúp đảm bảo quá trình đóng cửa hồ chứa quặng đuôi thành công bao gồm: lập kế hoạch sớm, tích hợp các yếu tố đóng cửa mỏ vào thiết kế hồ chứa quặng đuôi ban đầu và thực hiện quản trị chặt chẽ.

Lập kế hoạch sớm

Việc đóng cửa hồ chứa quặng đuôi phải được cân nhắc ngay từ giai đoạn thiết kế, dựa trên các yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội để định hình vị trí, kết cấu và phương pháp xử lý quặng đuôi, từ đó giảm thiểu rủi ro và chi phí đóng cửa mỏ trong tương lai. Lập kế hoạch sớm còn giúp đánh giá tính khả thi của phương án hồ chứa quặng đuôi so với các công nghệ thay thế tiên tiến hơn.

Đóng cửa mỏ không phải là giai đoạn cuối cùng mà là một quá trình xuyên suốt vòng đời mỏ, đòi hỏi sự chuẩn bị ngay từ khi bắt đầu khai thác. Điều này đặc biệt quan trọng với hồ chứa quặng đuôi, vì thiết kế ban đầu có thể thay đổi đáng kể do sự biến động của tài nguyên và công nghệ chế biến quặng.

Tích hợp các yếu tố đóng cửa mỏ và sau đóng cửa mỏ vào thiết kế hồ chứa quặng đuôi

Việc lồng ghép các yếu tố đóng cửa mỏ vào mọi giai đoạn thiết kế và điều chỉnh hồ chứa quặng đuôi là yếu tố then chốt, đồng thời cần đảm bảo rằng bất kỳ thay đổi nào trong hồ chứa quặng đuôi đều được cập nhật vào kế hoạch đóng cửa tổng thể của mỏ. Quá trình giám sát và rà soát liên tục trong suốt vòng đời mỏ không chỉ giúp kiểm soát rủi ro mà còn tạo cơ hội để triển khai các hoạt động đóng cửa từng bước.

Đóng cửa mỏ từng bước là chiến lược chủ động, trong đó, các biện pháp đóng cửa được thực hiện ngay trong giai đoạn vận hành mỏ. Điều này cho phép thử nghiệm và đánh giá tính hiệu quả của các giải pháp, xác định tiêu chí thành công, đồng thời tích lũy kinh nghiệm thực tiễn để tối ưu hóa kế hoạch trước khi mỏ chính thức ngừng hoạt động. Cách tiếp cận này không chỉ giảm thiểu rủi ro và chi phí mà còn góp phần nâng cao tính bền vững trong quản lý hồ chứa quặng đuôi.

Quản trị mạnh mẽ

Quản trị hiệu quả là nền tảng vững chắc cho việc quản lý hồ chứa quặng đuôi thành công, đảm bảo mọi giai đoạn – từ thiết kế, vận hành đến đóng cửa và sau đóng cửa – đều tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn, ổn định và bảo vệ môi trường. Một khuôn khổ quản trị mạnh mẽ không chỉ thiết lập trách nhiệm giải trình rõ ràng mà còn thúc đẩy sự phối hợp giữa các chuyên gia quản lý hồ chứa quặng đuôi và đóng cửa mỏ, giúp các công ty khai thác đưa ra quyết định chính xác và kịp thời.

Dù mục tiêu đóng cửa mỏ có thể khác nhau tùy theo từng địa điểm, nguyên tắc cốt lõi vẫn là tạo ra một khu vực an toàn, ổn định và không gây ô nhiễm, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất sau khai thác. Một hệ thống quản trị chặt chẽ giúp nhà khai thác chủ động xác định và kiểm soát rủi ro, tối ưu hóa nguồn lực, đồng thời đảm bảo rằng kế hoạch đóng cửa vừa đáp ứng yêu cầu nội bộ của mỏ vừa phù hợp với lợi ích của cộng đồng và các bên liên quan.

Thành công trong việc chuyển đổi hồ chứa quặng đuôi từ trạng thái hoạt động sang trạng thái đóng cửa phụ thuộc vào năng lực quản trị. Một hệ thống quản trị hiệu quả không chỉ đảm bảo quá trình đóng cửa diễn ra an toàn và bền vững mà còn góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cộng đồng và thúc đẩy tái sử dụng đất một cách hợp lý.

Kết luận

Trong những năm gần đây, ngành khai thác mỏ không ngừng đổi mới với các nỗ lực R&D mạnh mẽ nhằm hướng tới một tương lai không chất thải, không cần hồ chứa quặng đuôi - một bước chuyển mình đáng kể so với quá khứ. Tuy nhiên, cho đến khi mục tiêu này trở thành hiện thực, việc đóng cửa hồ chứa quặng đuôi vẫn phải dựa trên ba nguyên tắc cốt lõi: lập kế hoạch từ sớm, tích hợp các yếu tố đóng cửa và sau đóng cửa vào thiết kế và thực hiện quản trị chặt chẽ.

Khi ngày càng có nhiều mỏ bước vào giai đoạn đóng cửa, thách thức cũng ngày càng lớn hơn, không chỉ nằm ở chi phí mà còn ở sự cân bằng giữa lợi nhuận ngắn hạn và trách nhiệm dài hạn. Tuy nhiên, những lợi ích mang lại cho cộng đồng, hệ sinh thái và sự an toàn của con người - không chỉ từ việc đóng cửa mỏ hiệu quả mà còn từ các giá trị bền vững sau khai thác – là điều dễ dàng nhận thấy. Hành động ngay hôm nay trong quản lý và kế hoạch đóng cửa mỏ chính là chìa khóa để xây dựng sự phát triển bền vững và có trách nhiệm trong tương lai./.

Tác giả: Đỗ Thanh Hương (Theo Global Mining Review)