Trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ nghiên cứu, thí điểm áp dụng công nghệ đốt kèm nhiên liệu sinh khối, amoniac tại các nhà máy nhiệt điện than để giảm phát thải C02. Đồng thời, xem xét dừng hoạt động các nhà máy điện than đã hết đời sống kinh tế, công nghệ cũ, hiệu suất thấp không giải quyết cải thiện được vấn đề hiệu suất và phát thải.
Lộ trình dừng hoạt động nhà máy điện than
Mới đây, Thủ tướng chính phủ đã ban hành “Kế hoạch thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch”. Kế hoạch nêu rõ, giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ nghiên cứu, thí điểm áp dụng công nghệ đốt kèm nhiên liệu sinh khối, amoniac tại các nhà máy nhiệt điện than; nghiên cứu thí điểm lắp đặt hệ thống thu giữ các-bon cho nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ cũ, hiệu suất thấp. Việt Nam cũng phấn đấu hoàn thành đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển và bảo vệ môi trường.
Các nhà máy điện than được khuyến khích đốt kèm và chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu sinh khối, amoniac. Mặt khác, 2 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất khoảng 540MW sẽ dừng hoạt động trong giai đoạn này gồm nhà máy nhiệt điện Phả Lại (công suất 440MW) và nhà máy nhiệt điện Ninh Bình (công suất 100MW).
Việt Nam đã có đủ các nhà máy điện than theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia
Sau năm 2030, Việt Nam kiên quyết dừng hoạt động các nhà máy điện than có hiệu suất thấp, đã hết đời sống kinh tế, công nghệ cũ và không có khả năng cải tạo. Thực hiện chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện than sang đốt kèm nhiên liệu sinh khối hoặc amoniac sau 20 năm vận hành với tỷ lệ đốt kèm bắt đầu từ 20%, tăng dần lên 100%. Nếu thí điểm có hiệu quả hệ thống thu giữ các-bon cho các nhà máy điện than, các cơ chế, chính sách sẽ được ban hành để hỗ trợ áp dụng rộng rãi.
Việc xanh hóa nguồn điện được thực hiện xuyên suốt, với mục tiêu đến năm 2045, các nguồn điện sạch tối thiểu có 1.160MW thay thế để bù vào hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh xem xét dừng hoạt động công suất nhiệt điện than tương ứng, đối với các nhà máy điện than đã hết đời sống kinh tế (nếu không chuyển đổi nhiên liệu). Dự kiến đó là các nhà máy nhiệt điện: Phả Lại 2 (600MW); Na Dương (110MW); Forrmosa Đồng Nai (450MW).
Đến năm 2050, công suất các nguồn điện sạch tối thiểu phải đạt 3.335MW. Tương ứng, các nhà máy nhiệt điện dự kiến dừng hoạt động bao gồm: Uông Bí MR (600MW); Hải Phòng 1 (600MW), Quảng Ninh (1.200MW), Cao Ngạn (115MW), Cầm Phả 1&2 (600MW), Sơn Động (220MW).
Giai đoạn từ năm 2050, Việt Nam định hướng không sử dụng nhiên liệu than cho sản xuất điện; chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng hoàn toàn nhiên liệu sinh khối, amoniac với tổng công suất 25.632 - 28.832MW; lắp đặt hệ thống thu giữ các-bon cho các nhà máy điện than.
Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp về chính sách pháp luật, kỹ thuật công nghệ, nhân lực, tài chính và nguồn vốn, hợp tác quốc tế, chuyển dịch công bằng và bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch phải bảo đảm công bằng, bình đẳng, theo hướng có lợi cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Đặc biệt, triển khai các biện pháp để loại bỏ bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện.
Điện hạt nhân trở thành nguồn điện nền quan trọng
Cùng với Kế hoạch thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII) đang được điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là bổ sung cụ thể công suất từ điện hạt nhân nhằm thúc đẩy trở thành một trong những nguồn điện nền quan trọng, góp phần đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (Net Zero).
Theo Quy hoạch điện VIII, nguồn nhiệt điện than đốt kèm hoặc đốt hoàn toàn sinh khối/amoniac sẽ giảm dần tỷ trọng, trong khi tỷ trọng điện gió, điện mặt trời tăng cao. Tuy nhiên, nguồn điện từ nắng - gió rất bất định, nhu cầu về công suất nguồn điện nền cũng cần được nâng cao để đảm bảo hệ thống vận hành ổn định và liên tục.
Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016. Ảnh tư liệu
Tại dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh mới nhất, dự kiến, 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận sẽ vận hành trong giai đoạn 2030 - 2035 với quy mô đạt 6.000 - 6.400MW, cao hơn nhiều lần so với mức 800MW trong kế hoạch của Chính phủ hồi cuối 2009. Sau 2030, nhà điều hành cũng dự kiến phát triển lưới điện truyền tải để đấu nối, giải tỏa công suất từ các nhà máy điện hạt nhân.
Theo TS. Dư Văn Toán - Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo, điện hạt nhân không chỉ giúp sản xuất lượng điện lớn mà còn không phát thải các-bon trong quá trình vận hành. Theo Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Thế giới (IAEA), điện hạt nhân hiện chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện toàn cầu và đóng góp đáng kể vào việc giảm phát thải khí nhà kính. Các lò phản ứng thế hệ mới không chỉ giảm thiểu rủi ro tai nạn mà còn tối ưu hóa quy trình sản xuất điện, tăng khả năng tái chế nhiên liệu, giảm thiểu chất thải.
Dù vẫn còn một số lo ngại về an toàn và quản lý chất thải, điện hạt nhân cần được đầu tư và nghiên cứu sâu hơn để phát triển công nghệ bền vững. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng và cải thiện quản lý chất thải hạt nhân sẽ là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng sự đồng thuận xã hội và chính trị. “Với những yếu tố trên, điện hạt nhân là một trong những giải pháp trọng yếu để Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero. Sự kết hợp giữa an toàn, công nghệ tiên tiến và chính sách phát triển năng lượng bền vững sẽ giúp điện hạt nhân đóng góp mạnh mẽ vào việc giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường cho Việt Nam trong tương lai”, TS. Dư Văn Toán nhận định./.
Nguồn: TN&MT
Tác giả: Khánh Ly / TN&MT