Nỗ lực của ngành Địa chất và Khoáng sản góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia

Quản trị viên 03/01/2025 Khối địa chất

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của ngành Địa chất và Khoáng sản Việt Nam diễn ra chiều 2/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Trần Quý Kiên biểu dương, ghi nhận trong năm qua, Ngành Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức thực hiện và hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, với nhiều nhiệm vụ cấp bách, đột xuất phát sinh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ và từ yêu cầu thực tiễn góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Trong đó, nổi bật là nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Luật Địa chất và Khoáng sản trình Quốc hội thông qua góp phần quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực khoáng sản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo vệ môi trường; hoàn thiện 26 đề án thành phần thuộc Đề án "Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội" và 5 đề án địa chất cấp bộ đã kéo dài nhiều năm.

Bước sang năm 2025, trong bối cảnh hợp nhất hai Cục thành Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trước tháng 3/2025, với khối lượng công việc lớn như: Xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Địa chất và khoáng sản 2024, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản theo Luật mới đã có nhiều đổi mới về phân câp cho địa phương. Đồng thời triển khai nhiều các đề án địa chất Chính phủ giao: đất hiếm, trung trung bộ, cát biển, cát sông là không công việc lớn áp lực cao về thời gian, tiến độ giải ngân và triển khai nhiệm vụ trên phạm vi cả nước. Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị hai đơn vị cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết giữa các đơn vị, thống nhất trong công tác quản lý để đảm bảo hiệu quả công việc được giao.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Cùng với đó, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị 2 đơn vị cần tập trung rà soát trình Bộ thẩm định và phê duyệt kết quả xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản do nhà nước đã đầu tư đối với các hồ sơ thuộc đối tượng phải hoàn trả chi phí do nhà nước đã đầu tư; thực hiện tốt công tác giải quyết các thủ tục hành chính về hoạt động khoáng sản; thẩm định kỹ để cấp phép đúng quy trình, quy định của pháp luật; rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ trình Bộ TN&MT thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản đối với các đơn vị có vi phạm nghiêm trọng pháp luật về khoáng sản; tập trung tăng cường năng lực cho lĩnh vực địa chất khoáng sản, nghiên cứu, bổ sung trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới;...

Thứ trưởng Trần Quý Kiên hy vọng rằng, với bề dày truyền thống, lịch sử của ngành địa chất, khoáng sản cùng nhiều thế hệ lão thành có nhiều đóng góp cho sự phát triển, mỗi cán bộ của hai đơn vị Địa chất, Khoáng sản phải luôn tự hào, vinh dự nhưng cũng thấy được trách nhiệm để tiếp nối truyền thống hào hùng của ngành, luôn định hướng việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia.

Quang cảnh Hội nghị

Trước đó, báo cáo tổng kết tại Hội nghị, ông Trần Mỹ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam cho biết, năm 2024, với mục tiêu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về địa chất, khoáng sản, Ngành Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện việc xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV góp phần khơi thông nguồn lực địa chất và khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

Cùng với việc hoàn thiện Luật Địa chất và Khoáng sản, 2 đơn vị cũng tập trung xây dựng 8 Thông tư, 23 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, 6 định mức kinh tế kỹ thuật.

Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Trường Giang phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh đó, ngành Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã triển khai thực hiện 7 đề án, dự án Chính phủ đúng kế hoạch tiến độ, trong đó đạt nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội”; Đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm) trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền) và thăm dò một số diện tích có triển vọng”…

Tính đến ngày 19/12, Cục Khoáng sản Việt Nam đã trình Bộ ký ban hành 3 Giấy phép thăm dò khoáng sản; 1 Quyết định điều chỉnh Giấp phép thăm dò khoáng sản; 19 Giấy phép khai thác khoáng sản; 3 Quyết định điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản; 2 Quyết định cho phép tiếp tục khai thác khoáng sản; 10 Quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ; 4 Quyết định điều chỉnh, gia hạn đóng cửa mỏ; 12 Quyết định đóng cửa mỏ.

Công tác kinh tế khoáng sản, kiểm soát hoạt động khoáng sản, giám định tư pháp, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hoạt động khoáng sản được triển khai đồng bộ, đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.

Về khoa học công nghệ, Cục Địa chất Việt Nam đã triển khai có hiệu quả công tác nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, hợp tác chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, môi trường địa chất. Đặc biệt, Cục đã công bố công trình “Bản đồ địa chất, tài nguyên địa chất Việt Nam và các vùng biển kế cận tỷ lệ 1:1.000.000” và sách thuyết minh (Địa chất và tài nguyên địa chất Việt Nam kèm theo bằng tiếng Việt và tiếng Anh). Công trình không chỉ có giá trị to lớn đối với ngành địa chất, khoáng sản Việt Nam, mà còn đánh dấu sự hội nhập mạnh mẽ với các chương trình khoa học địa chất quốc tế, góp phần khẳng định vị thế và năng lực khoa học của nước nhà trên trường quốc tế.

Hiện nay, 2 Cục đang triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật và Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp hướng dẫn thi hành Luật để trình Chính phủ và Bộ ban hành trong năm 2025.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đã trao đổi, đề xuất các giải pháp để Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ trong năm 2025 góp phần đẩy mạnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực địa chất và khoáng sản.

Ông Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam phát biểu

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Quý Kiên, ông Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam nhấn mạnh: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành địa chất và khoáng sản luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, những ý kiến chỉ đạo sâu sát, cụ thể hôm nay của Thứ trưởng Trần Quý Kiên là những định hướng trọng tâm giúp ngành địa chất và khoáng sản tiếp tục phấn đấu hoàn thành những nhiệm vụ được giao”.

Theo ông Trần Bình Trọng, trong thời gian tới, ngành Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung cao độ, phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết để vượt qua mọi thách thức, đảm bảo hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị mà Bộ giao phó, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngành tài nguyên và môi trường nói riêng và sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

Một số hình ảnh khen thưởng tại Hội nghị:

Lãnh đạo Cục Khoáng sản Việt Nam trao bằng khen của cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản

Lãnh đạo Cục Địa chất Việt Nam trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nhiệm vụ năm 2024

Nguồn: Báo Tài nguyên & Môi trường

Tác giả: Thủy Nguyễn/TN&MT