Kinh tế tuần hoàn trong khai thác khoáng sản không chỉ là một yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên, mà còn là nhu cầu cần thiết cho phát triển bền vững của Việt Nam. Việc chuyển đổi sang mô hình này sẽ góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp khoáng sản phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả.
Kinh tế tuần hoàn nhằm tiết kiệm, sử dụng hợp lý khoáng sản
Kinh tế tuần hoàn, nói chung, hướng tới việc giữ tài nguyên trong chu trình kinh tế lâu dài nhất có thể, tái sử dụng và tái chế để hạn chế khai thác mới và giảm thiểu rác thải. Trong khai thác khoáng sản, mô hình này đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng quy trình khai thác và chế biến nhằm giảm lãng phí, sử dụng hiệu quả tài nguyên và xử lý triệt để chất thải.
Tại Việt Nam, với những cam kết về môi trường như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các tiêu chuẩn của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đã trở thành yêu cầu bắt buộc, đặc biệt là trong những ngành công nghiệp có mức độ tác động cao như khai khoáng. Điều này đòi hỏi sự thay đổi căn bản trong cách quản lý tài nguyên, áp dụng công nghệ hiện đại, cũng như cải tiến quy trình sản xuất.
Trong bối cảnh của sự dịch chuyển nền kinh tế hướng tới kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh và bền vững, việc định hình một tương lai phát triển của ngành công nghiệp khai thác tài nguyên địa chất là hết sức quan trọng để bảo đảm cho việc duy trì chuỗi cung ứng nguyên liệu truyền thống, tìm kiếm và phát triển các nguồn tài nguyên mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, đồng thời bảo vệ được môi trường.
Theo ông Trương Anh Tú, Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp giảm thiểu tác động môi trường mà còn mang lại các lợi ích kinh tế rõ rệt. Cụ thể, mô hình này giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm phụ thuộc vào khai thác nguyên sinh và chi phí sản xuất. Ngoài ra, kinh tế tuần hoàn còn tạo ra các cơ hội việc làm mới trong lĩnh vực tái chế và xử lý chất thải, nâng cao uy tín của doanh nghiệp trong mắt các đối tác và cộng đồng quốc tế.
Đối với Việt Nam, một quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng nhưng dễ bị tổn thương do khai thác quá mức, nhu cầu phát triển bền vững ngành khai khoáng là cần thiết hơn bao giờ hết. Việc xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, đồng thời đảm bảo nguồn cung khoáng sản cho thế hệ tương lai.
Dù đã có những bước đầu đáng khích lệ, việc triển khai kinh tế tuần hoàn trong ngành khai khoáng Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức. Theo ông Trương Anh Tú, một trong những khó khăn lớn nhất là sự thiếu hụt về khung pháp lý và chính sách hỗ trợ cụ thể. Các quy định hiện hành vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về hướng dẫn và khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình này.
Thêm vào đó, hầu hết các doanh nghiệp khai khoáng tại Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ cũ, gây lãng phí tài nguyên và khó xử lý chất thải hiệu quả. Chi phí đầu tư vào công nghệ mới cũng là một trở ngại lớn, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sự thay đổi này cũng đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và sự đồng hành của các tổ chức nghiên cứu khoa học, góp phần thúc đẩy các giải pháp bền vững.
Kinh tế tuần hoàn trong khai thác khoáng sản là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên
Thúc đẩy phát triển xanh ngành công nghiệp khai khoáng
Ngày 29/11 vừa qua, Luật Địa chất và Khoáng sản vừa được Quốc hội thông qua với những điểm mới nhằm quản lý bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên địa chất và khoáng sản góp phần quan trọng đảm bảo hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước. Theo đó, Luật đã bổ sung các quy định nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản lý, bảo vệ, thăm dò, khai thác, thu hồi khoáng sản, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tối ưu hóa mục đích sử dụng đất trong và sau khai thác… nhằm đẩy mạnh việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động khoáng sản, chế biến khoáng sản. Những điểm mới đột phá quan trọng này là cơ sở quan trọng để kinh tế tuần hoàn trong khai thác khoáng sản trở thành hiện thực tại Việt Nam.
Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, chính sách hỗ trợ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, theo ông Trương Anh Tú cần có sự hỗ trợ đồng bộ từ Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu trong việc chú trọng đầu tư vào công nghệ tái chế.
Về đầu tư vào công nghệ tái chế, ông Trương Anh Tú đề xuất Chính phủ cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tiên tiến, nhằm tăng cường hiệu quả tái chế và xử lý chất thải, giảm thiểu lãng phí tài nguyên. Đồng thời tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế về kinh tế tuần hoàn để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng các giải pháp tiên tiến, xây dựng tiêu chuẩn và quy trình cho ngành khai khoáng bền vững.
“Việt Nam có nhiều tiềm năng để triển khai thành công kinh tế tuần hoàn trong khai thác khoáng sản, nhưng cần có lộ trình và cam kết cụ thể từ cả nhà nước và doanh nghiệp. Chỉ khi có sự đồng lòng và hỗ trợ toàn diện, mô hình kinh tế tuần hoàn mới thực sự trở thành hiện thực, góp phần tạo nên một nền kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và phục vụ lợi ích lâu dài cho xã hội.” – Ông Trương Anh Tú nhấn mạnh./.
Nguồn: MONRE
Tác giả: Nguyễn Thủy/MONRE