Sự bền bỉ của năng lượng than trong một thế giới đang xanh hóa

Quản trị viên 18/12/2024 Khối địa chất

Dù thế giới đang đẩy mạnh quá trình chuyển dịch sang các nguồn năng lượng sạch và bền vững hơn, than đá vẫn giữ một vị trí quan trọng trong bức tranh công nghiệp toàn cầu. Bất chấp những áp lực từ xu hướng giảm phát thải và các chính sách xanh hóa, nguồn năng lượng này vẫn kiên trì tồn tại và giữ vững vai trò của mình. 

Trung Quốc đang phát triển các mỏ than mới với công suất sản xuất 1,28 tỷ tấn than mỗi năm. Ảnh: Mining Digital

Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, ký kết vào năm 2015, là cột mốc quan trọng thể hiện cam kết chung của toàn cầu trong việc chuyển dịch khỏi năng lượng than. Tính đến nay, 75 quốc gia đã đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 hoặc sớm hơn, và khoảng 100 quốc gia đã hoàn toàn loại bỏ than hoặc xây dựng lộ trình dừng sử dụng nguồn năng lượng này trước năm 2040.

Trong vòng một thập kỷ qua, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than đã chứng kiến sự suy giảm đáng kể. Theo báo cáo từ tổ chức phi lợi nhuận Giám sát Năng lượng Toàn cầu (GEM), số lượng quốc gia tham gia vào các dự án than mới đã giảm mạnh, từ 75 quốc gia vào năm 2014 xuống chỉ còn 40 quốc gia vào năm 2024.

Theo Công cụ theo dõi các nhà máy nhiệt điện than toàn cầu mới nhất của GEM, có tới 98% công suất nhiệt điện than hiện đang trong giai đoạn tiền xây dựng và xây dựng tập trung ở 15 quốc gia, trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước đóng góp chính, chiếm 86% tổng số dự án mới.

Mặc dù các dự án nhiệt điện than tập trung chủ yếu ở một số ít quốc gia và có dấu hiệu cho thấy nhu cầu than toàn cầu có thể đang đạt đỉnh, số lượng đề xuất xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới vẫn nhiều hơn số lượng các dự án bị hủy bỏ. Chỉ trong nửa đầu năm 2024, đã có hơn 60GW công suất nhiệt điện than được đề xuất hoặc khuyến nghị, một con số cao đáng kể so với 33,7GW bị hoãn hoặc hủy bỏ. 

Một số quốc gia vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá để sản xuất điện, trong khi nhu cầu toàn cầu đối với một số loại than nhất định vẫn duy trì do vai trò thiết yếu của than trong ngành sản xuất thép. 

Trung Quốc tham gia vào các dự án than ở Indonesia, Zimbabwe, Lào, Kyrgyzstan và Mông Cổ. Ảnh: Mining Digital

Các nước sản xuất than lớn chưa có kế hoạch loại bỏ than

Bất chấp xu hướng toàn cầu hướng tới việc loại bỏ năng lượng than, 15 quốc gia dẫn đầu về phát triển điện than vẫn chưa đặt ra thời hạn cụ thể để chấm dứt nguồn năng lượng này. Các quốc gia như Indonesia, Việt Nam và Nam Phi đã ký kết các thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), nhưng lộ trình thực hiện vẫn bao gồm kế hoạch mở rộng các dự án điện than. 

Đáng chú ý, vai trò của Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển than không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia mà còn mở rộng ra quốc tế, thông qua việc đầu tư và tham gia vào các dự án tại Indonesia, Zimbabwe, Lào, Kyrgyzstan và Mông Cổ. Trong đó bao gồm cả những dự án được đề xuất sau cam kết năm 2021 của Trung Quốc về việc ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới ở nước ngoài. 

Ngoài ra, các quốc gia như Bangladesh, Pakistan, Philippines và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục theo đuổi phát triển các nhà máy điện than bất chấp nhiều thách thức trong nước và quốc tế.

Theo báo cáo của GEM, Trung Quốc vẫn là “gã khổng lồ” trong lĩnh vực điện than toàn cầu, sở hữu mạng lưới gần 3.200 tổ máy có tổng công suất lên tới 1.147GW. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2024, nước này ghi nhận sự sụt giảm đáng kể trong việc phê duyệt các dự án điện than mới. Đứng thứ hai là Ấn Độ với sự gia tăng đáng kể các đề xuất phát triển nhà máy điện than trong nửa đầu năm 2024, vượt cả năm 2023. Indonesia, nhà xuất khẩu than lớn nhất thế giới, đang thúc đẩy cả sản xuất và tiêu thụ than, với hơn 1GW công suất điện than bước vào giai đoạn xây dựng trong đầu năm 2024.

Khai thác than luyện kim vẫn phát triển mạnh mẽ

Các nhà sản xuất thép vẫn phụ thuộc vào than luyện kim (hay còn gọi là than cốc), vì đây là nhiên liệu thiết yếu cho lò cao, cung cấp nhiệt độ và carbon cần thiết để chuyển hóa quặng sắt thành thép. Hiện nay, than cốc đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất khoảng 70% tổng sản lượng 1,8 tỷ tấn thép toàn cầu mỗi năm. 

Nhu cầu về than luyện kim gắn liền với nhu cầu về thép, vì vậy, hầu hết các nhà sản xuất thép sơ cấp đều duy trì bộ phận sản xuất than cốc riêng để đảm bảo nguồn cung ổn định và tối ưu hóa chi phí. 

Để quá trình sản xuất thép trở nên thân thiện với môi trường hơn, các nhà sản xuất cần chuyển từ việc sử dụng các lò cao chạy bằng than cốc sang lò hồ quang điện (EAF), được cung cấp nguyên liệu là phế liệu thép và sắt hoàn nguyên, đồng thời vận hành bằng năng lượng tái tạo như hydro hoặc điện. 

Tuy nhiên, thực tế là ngành sản xuất thép khó có thể cắt giảm đáng kể sự phụ thuộc vào than cốc nếu không có sự thay đổi trong quy định và các ưu đãi về giá, nhằm thúc đẩy sự dịch chuyển trong đầu tư và tiêu thụ thép.

Nhu cầu về than luyện kim – vốn cần thiết để sản xuất thép – vẫn duy trì mạnh mẽ. Thép xanh đắt đỏ và ít sức hút trên thị trường. Ảnh: Mining Digital

Mặc dù thép xanh thân thiện với môi trường, nhưng giá thép xanh cao hơn thép thông thường khoảng 150 USD mỗi tấn khiến nó không hấp dẫn đối với phần lớn thị trường. Chỉ có ngành sản xuất ô tô là lĩnh vực duy nhất sẵn sàng trả thêm chi phí cho thép xanh vì ngành này có thể tăng giá bán lẻ của xe để bù lại chi phí nguyên liệu cao hơn. Việc sử dụng thép xanh cũng giúp các nhà sản xuất ô tô đạt được thiện cảm của người tiêu dùng nhờ việc cung cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đối với các lĩnh vực tiêu thụ thép lớn nhất là bất động sản và hạ tầng, với tổng lượng tiêu thụ đạt 518 triệu tấn trong năm 2024, chiếm 57% tổng lượng thép toàn cầu, riêng đường sắt cao tốc tiêu thụ từ 30.000 đến 60.000 tấn thép mỗi km, thép xanh với mức giá cao hơn vẫn không hấp dẫn đối với các lĩnh vực này. 

Điều này cho thấy thách thức to lớn trong việc mở rộng thị trường cho thép xanh, đồng thời khẳng định vai trò khó thay thế của than cốc trong ngành công nghiệp sản xuất thép hiện nay.

Bất chấp những nỗ lực toàn cầu nhằm giảm sự phụ thuộc vào than đá và thúc đẩy các giải pháp năng lượng xanh, than vẫn giữ vai trò cốt lõi trong các ngành công nghiệp trọng điểm như sản xuất điện và luyện thép. Sự mở rộng công suất nhiệt điện than tại các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ càng củng cố thêm vị thế của than trong bức tranh công nghiệp toàn cầu. Điều này cho thấy việc loại bỏ hoàn toàn than sẽ không thể diễn ra trong tương lai gần, và thế giới cần một lộ trình cân bằng giữa phát triển kinh tế, công nghiệp và mục tiêu xanh hóa bền vững./.

Tác giả: Đỗ Thanh Hương (Theo Energy Digital và Mining Digital)