Phó Chủ tịch và Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta (Hoa Kỳ), đồng thời là Giáo sư Silver tại Đại học New York (NYU) (Hoa Kỳ) - người được mệnh danh là “cha đẻ” của AI là 1 trong 5 nhà khoa học vừa được vinh danh với Giải thưởng Chính tại giải VinFuture 2024.
Giáo sư Yann LeCun nhận Giải thưởng Chính VinFuture 2024.
Là một trong những người tiên phong đặt nền móng cho sự phát triển của AI, Giáo sư LeCun khẳng định, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng thông minh, thậm chí vượt xa con người, nhưng sẽ không có chuyện AI kiểm soát con người. Nếu tiếp tục đào tạo AI về ngôn ngữ, văn hóa, giá trị con người thì AI chắc chắn trở thành kho tàng dữ liệu cho nhân loại.
Ngay sau đêm trao giải, Giáo sư Yann LeCun chia sẻ với phóng viên về những nghiên cứu của mình.
Phóng viên: Xin chúc mừng ông và 4 nhà khoa học đã được Giải thưởng Chính của VinFuture 2024. Cảm nhận của ông như thế nào sau khi đạt các giải thưởng này tại Việt Nam?
Giáo sư Yann LeCun: Tôi cảm thấy đây là danh dự rất lớn, và tôi thấy rất ấn tượng về sự đón tiếp nhiệt tình, nồng hậu của Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm với lĩnh vực khoa học và công nghệ của giới trẻ. Việt Nam là một quốc gia rất trẻ với nhiều triển vọng phát triển nhanh chóng. Điều đó khiến cho tôi cảm thấy rất hào hứng, hứng khởi về tương lai của Việt Nam.
Phóng viên: Thưa Giáo sư, việc ứng dụng công nghệ AI vào những nghiên cứu khoa học công nghệ hiện đang phát triển như thế nào?
Giáo sư Yann LeCun: Trong nghiên cứu khoa học nói chung, công nghệ AI đã được ứng dụng rất nhiều trong khoa học và y học. Trong y học, AI được ứng dụng trong việc khám phá các loại thuốc mới hoặc tìm hiểu các cơ chế của sự sống. Còn trong khoa học thì có thể ứng dụng AI để tìm ra những vật liệu mới. Đây là một điều rất quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như trong việc thúc đẩy tiến bộ khoa học của các ngành vật lý, hóa học, sinh học….
Phóng viên: Bên cạnh những lợi ích mà AI có thể mang lại thì hiện nay chúng ta cũng đang đối diện với rất nhiều thách thức. Ví dụ như gần đây có rất nhiều vụ lừa đảo tài chính liên quan đến AI, khi những đối tượng xấu sử dụng công nghệ AI để lừa đảo. Vậy thì làm thế nào để chúng ta có thể hạn chế được những sự việc tương tự xảy ra trong tương lai?
Giáo sư Yann LeCun: Đây là một lĩnh vực mà tất cả các đồng nghiệp của chúng tôi tại Meta đã làm việc trong rất nhiều năm. Chúng tôi thấy rằng, trong khi chúng ta có rất nhiều những kẻ xấu sử dụng AI để thực hiện các vụ lừa đảo, thì cách tốt nhất là dùng công nghệ AI để chống lại sự lừa đảo dùng AI.
Các nhà khoa học được vinh danh với Giải thưởng Chính VinFuture 2024.
Phóng viên: Vậy Giáo sư có thể chia sẻ cụ thể hơn ở Meta của ông hay các nhà nghiên cứu đang dùng những ứng dụng nào để phòng tránh các sự việc tiêu cực?
Giáo sư Yann LeCun: Thực ra thì tại Meta, AI được sử dụng theo rất nhiều cách khác nhau. Thí dụ, chúng tôi có những ứng dụng AI rất đặc thù, cung cấp cho cho công chúng dưới dạng là chatbot. Meta AI là một trợ lý ảo đã dần được ra mắt tại Việt Nam trong tháng này. Đấy là một trong những ứng dụng phổ thông của AI.
Tiếp theo là AI có thể dùng để chuyển đổi ngôn ngữ khiến cho việc giao tiếp dễ dàng hơn. Thứ ba, AI được sử dụng để bảo đảm tính toàn vẹn của dữ liệu, toàn vẹn của nội dung.
Chúng tôi sử dụng AI để giám sát những dữ liệu ở trên mạng, sau đó có thể gỡ bỏ những dữ liệu có liên quan đến scam, thí dụ như dữ liệu lừa đảo, dữ liệu thư spam, các vấn đề, các thông tin về khủng bố hoặc bóc lột trẻ em... Viêc tìm hiểu và gỡ bỏ những thông tin sai, xấu và độc hại này được AI thực hiện một cách tự động.
Phóng viên: Hiện nay, mọi người cũng đang phàn nàn về việc AI đang cướp mất công việc của con người và mang đến những thách thức đối với các sinh viên khi mới ra trường. Quan điểm của ông thế nào về việc này?
Giáo sư Yann LeCun: Bản thân tôi thì không phải là một nhà kinh tế, tôi là một nhà khoa học máy tính. Nhưng mà khi tôi nói chuyện với các nhà kinh tế thì họ nói với tôi rằng AI thì nó sẽ không tạo ra thất nghiệp trên diện rộng.
Nó sẽ tạo ra những công việc mới, nó có thể làm cho một số công việc bị mất đi. Nhưng về cơ bản thì nó sẽ làm cho năng suất lao động của mọi người tăng lên, cũng như là khả năng sáng tạo của chúng ta tăng lên, và đây là một điều đáng mừng nếu xã hội biết cách khai thác AI đúng cách.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Giải thưởng Chính VinFuture cho Giáo sư Yann LeCun.
Phóng viên: Đầu năm nay, châu Âu bắt đầu áp dụng một bộ luật riêng về AI . Vậy theo ông, các nước khác có nên học hỏi theo và cũng tạo ra một bộ luật riêng cho từng ngành không, đặc biệt là những nước đang phát triển, khi công nghệ đã phát triển rất nhanh mà nhiều khi con người không kịp thích ứng?
Giáo sư Yann LeCun: Tôi nghĩ, đây là vấn đề khá phức tạp. Ở châu Âu thì người ta đặt ra một số vấn đề liên quan đến sự nguy hiểm của AI, chẳng hạn người ta dùng nó để điều khiển hay là quản lý một số các vấn đề liên quan đến AI.
Thí dụ, như khía cạnh về tính riêng tư của AI, chẳng hạn như châu Âu là người ta đã cấm tất cả các camera với chức năng nhận diện khuôn mặt.
Giáo sư Yann LeCun được vinh danh với Giải thưởng Chính VinFuture 2024.
Tuy nhiên, tôi nghĩ vấn đề quan trọng nhất ở đây là chúng ta phải suy nghĩ về bản chất của AI, liệu AI có nguy hiểm cho loài người hay không. Tôi thì nghĩ rằng, việc chúng ta cho rằng sự tồn tại của AI tạo ra những mối nguy hiểm mang tính hiện sinh cho loài người là không đúng.
Tất cả những bộ luật hiện nay được xây dựng đều dựa trên một cơ sở suy nghĩ rằng AI tạo ra một mối nguy hiểm mang tính sống còn cho loài người. Tôi nghĩ rằng điều đấy không đúng.
Tại Meta, chúng tôi tin rằng AI thực ra là một kho chứa đựng kiến thức của toàn bộ nhân loại và như vậy nó sẽ cần phải được tồn tại và cần được cung cấp dưới dạng các nền tảng AI mã nguồn mở. Chúng tôi luôn luôn ủng hộ việc được cung cấp nền tảng AI mã nguồn mở. Và khi làm được điều này, nó có thể giúp cho các quốc gia, chẳng hạn như Việt Nam có thể bảo đảm quyền tự chủ về AI.
Phóng viên: Theo ông, chúng ta phải làm sao để an toàn khi Ai thông minh hơn ta?
Giáo sư Yann LeCun: Tôi nghĩ, AI chỉ nguy hiểm khi ta đưa động lực gì cho AI. Hiện AI mới có tri thức, chưa có động lực. Thế nên, con người phải tạo ra động lực tính cực, đóng góp cho cộng đồng.
Để AI làm cái đúng phục vụ con người, đó là vấn đề về kỹ thuật. Như 50 năm qua, ta chế tạo máy bay ngày càng an toàn hơn. Tôi tin với AI, ta cũng làm được điều đó.
Nhiều người cho rằng AI sẽ thống trị con người. Quan điểm này sai lầm, vì ngay cả trong xã hội ta có nhiều người thông minh nhưng không đồng nghĩa họ muốn thống trị thế giới. Việc ta cần làm là tránh có người xấu lợi dụng AI. Nhưng đó là vấn đề của con người.
Phóng viên: AI được coi là một trong những yếu tố giúp cho nền kinh tế số của Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối diện với rất nhiều thách thức, đặc biệt là thiếu nhân lực. Làm thế nào để có thể nhìn thấy được những thách thức đấy và đương đầu với nó?
Giáo sư Yann LeCun: Đây là một câu hỏi mà tất cả các quốc gia đều tự đặt ra cho mình. Cũng như các quốc gia châu Á khác, tôi thấy Việt Nam là một đất nước có dân số trẻ và có thái độ rất tích cực và nhiệt tình với công nghệ.
Đấy là một điều khác hoàn toàn với các quốc gia ở châu Bắc Mỹ hoặc là châu Âu, nơi mọi người luôn luôn có nghi ngờ, thận trọng và thậm chí là còn lo sợ đối với AI. Đấy là một trong những ưu điểm của Việt Nam có thể có thể khai thác.
Điểm thứ hai nữa, để có thể hỗ trợ, Chính phủ cũng như là ngành giáo dục cần phải tạo cho người trẻ các cơ hội học tập hay là giáo dục đào tạo về công nghệ để họ có thể tham gia học tập và nghiên cứu.
Tiếp nữa là trên thị trường, mình sẽ làm thế nào để tạo cảm hứng cho những người này có thể học về công nghệ. Thí dụ như, các nhà quản lý tạo ra cơ hội việc làm trong lĩnh vực kỹ thuật thiết kế hay nghiên cứu, hoặc là tạo thêm cơ hội cho những sinh viên ra nước ngoài học tập, bảo vệ tiến sĩ ở nước ngoài và quay trở về Việt Nam để làm việc. Đó chính là chúng ta tạo ra cơ hội về công nghệ trên thị trường.
Thứ ba, chúng ta có thể tạo điều kiện cho các bạn trẻ thành lập các công ty nhỏ và giúp cho những công ty khởi nghiệp này có cơ hội tiếp cận vốn đầu tư.
Phóng viên: Thông qua tọa đàm của VinFuture, Giáo sư cảm thấy như thế nào về sự kiện này và cơ hội hợp tác với VinFuture?
Giáo sư Yann LeCun: Tôi nhìn thấy mong muốn của Việt Nam, của thị trường, của các công ty, của chính quyền cũng như là của giới trẻ trong việc tạo ra những tiến bộ trong khoa học và kỹ thuật lớn, và đấy là điều rất quan trọng.
Và một điều nữa là tôi nhìn thấy sự nhiệt tình trong giới trẻ. Tôi là một nhà khoa học và khi đi ra ngoài phố được mọi người nhận ra mình cũng là một việc rất vui.
Phóng viên: Theo Giáo sư, một quốc gia đang phát triển như Việt Nam với nguồn lực có thể là không phải quá dồi dào, chúng tôi có thể tham gia vào ngành công nghiệp AI như thế nào?
Giáo sư Yann LeCun: Chúng ta thấy rằng tiến bộ về khoa học kỹ thuật dựa trên rất nhiều việc phát triển về khoa học công nghệ và những phát triển này được thực hiện bởi rất nhiều các công ty lớn, nhỏ.
Tiến bộ khoa học này thường được thực hiện ở ba đơn vị chính gồm: Các trường đại học, các phòng thí nghiệm của quốc gia hay là phòng thí nghiệm chính phủ hoặc là các phòng thí nghiệm của các công ty trên thị trường.
Bản thân tôi có một nửa thời gian làm việc cho trường đại học và một nửa thời gian làm việc cho phòng thí nghiệm của công ty là Meta. Chúng ta có thể thấy rằng, đôi khi hai việc này bổ trợ cho nhau. Ý tưởng của phòng thí nghiệm từ trường đại học thì được phòng thí nghiệm của công ty biến thành hiện thực và đôi khi ngược lại.
Đấy là một bối cảnh chung, còn ở Việt Nam thì chúng ta có VinAI cũng là một phòng nghiên cứu phát triển của công ty và phòng thí nghiệm và công ty này cũng sẽ có vai trò nhất định để đóng góp tại Việt Nam. Đồng thời, trong tương lai chúng ta cũng có thể có các công ty nước ngoài đến để thiết lập các phòng thí nghiệm ở Việt Nam ví dụ như là Meta hay Google.
Tuy nhiên, yếu tố chính để họ có thể quyết định đặt phòng thí nghiệm ở đâu là mật độ hay tỷ lệ nhân tài của quốc gia đó. Cho nên việc chúng ta cần phải làm là phát triển nhân tài tại Việt Nam.
Phóng viên: Xin cảm ơn Giáo sư!
Nguồn: Nhân Dân
Tác giả: Thảo Lê – Thiên Lam /Nhân Dân