Những kết quả tại Hội nghị COP29 về biến đổi khí hậu

Quản trị viên 06/12/2024 Khối môi trường

Sau 2 tuần làm việc căng thẳng, Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã đạt được một số kết quả nhất định, bao gồm một thỏa thuận tài chính mới mang tên Mục tiêu tài chính Baku và thông qua thỏa thuận về một thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.

Mục tiêu tài chính Baku

Ngày 24/11, Hội nghị COP29 tại Baku (Azerbaijan) đã kết thúc với một thỏa thuận về tài chính có tên Mục tiêu tài chính Baku. Theo đó, Mục tiêu tài chính Baku là bước tiếp theo trong nỗ lực huy động nguồn vốn trị giá 1,3 nghìn tỷ USD cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Theo thỏa thuận, các nước phát triển cam kết huy động ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển vào năm 2035. Con số này thể hiện mức tăng 50 tỷ đô la so với bản dự thảo trước đó và là sản phẩm của 48 giờ ngoại giao chuyên sâu của Chủ tịch COP29. Mục tiêu này đặc biệt cân nhắc đến việc hỗ trợ các nước kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển, với các điều khoản về khả năng tiếp cận và minh bạch.

Mục tiêu Tài chính Baku là trọng tâm của một gói các thỏa thuận mang lại tiến bộ trên tất cả các trụ cột về khí hậu. Những đột phá này là kết quả của nhiều tháng ngoại giao tích cực của Azerbaijan trong vai trò nước chủ nhà COP29. Thỏa thuận đánh dấu một bước quan trọng trong việc đưa ra các phương tiện để đưa ra con đường hướng tới mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C.

Chia sẻ về kết quả tại COP29, Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev nhấn mạnh: “Khi thế giới đến Baku, không nhiều người tin vào những thành tựu có thể đạt được tại Azerbaijan. Nhưng với những đột phá này, Mục tiêu tài chính Baku sẽ nâng nguồn tài chính khí hậu từ hàng tỷ USD lên hàng nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới. Chúng tôi đã đảm bảo việc tăng gấp 3 các cam kết tài chính khí hậu cốt lõi từ các nước đang phát triển”.

“Mục tiêu Tài chính Baku đại diện cho thỏa thuận tốt nhất có thể mà chúng tôi có thể đạt được và chúng tôi đã thúc đẩy các quốc gia tài trợ đi xa nhất có thể. Chúng tôi đã thay đổi cấu trúc tài chính toàn cầu và thực hiện một bước tiến đáng kể hướng tới việc cung cấp các phương tiện lộ trình đảm bảo mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C. Những năm tới sẽ không dễ dàng. Khoa học cho thấy rằng những thách thức sẽ chỉ ngày càng tăng. Khả năng làm việc cùng nhau của chúng ta sẽ được thử thách. Đột phá Baku sẽ giúp chúng ta vượt qua những cơn bão sắp tới”, ông Mukhtar Babayev nói thêm.

COP29 kết thúc với nhiều kết quả đáng lưu ý. (Ảnh: COP29 Azerbaijan)

“Mở khóa” thị trường carbon toàn cầu

Một thành tựu nổi bật khác tại COP29 chính là việc “mở khóa” cho một thị trường carbon toàn cầu theo Điều 6 Thỏa thuận Paris. Đây cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch COP29.

Việc đạt được sự đồng thuận về thị trường carbon toàn cầu sẽ giúp các bên tháo gỡ “nút thắt” trong nhiều năm và hoàn thiện mục tiêu cuối cùng của Thỏa thuận Paris.

Trong đó, Điều 6 thỏa thuận Paris đã đề cập tới việc thiết lập một thị trường carbon đáng tin cậy và minh bạch cho các quốc gia để thúc đẩy hợp tác thực hiện mục tiêu về khí hậu. Nõ lực hợp tác xuyên biên giới này dự kiến ​​sẽ giúp giảm tới 250 tỷ USD mỗi năm cho các quốc gia khi thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Số tiền này có thể tiếp tục được đầu tư cho các nỗ lực khác để giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu.

Kết quả về thị trường carbon toàn cầu được đánh giá “đúng thời điểm”, qua đó thúc đẩy các quốc gia đưa ra những cam kết tham vọng hơn với mục tiêu khí hậu.

“Chúng ta đã kết thúc một thập kỷ bế tắc và mở khoá một công cụ quan trọng giúp hiện thực hoá mục tiêu 1,5 độ C. Biến đổi khí hậu là một thách thức xuyên quốc gia và Điều 6 sẽ tạo điều kiện cho các giải pháp ứng phó xuyên quốc gia”, Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev nhấn mạnh.

COP26 Glasgow và COP27 đã thiết lập các quy tắc, phương thức và thủ tục quan trọng cho thị trường carbon. Tuy nhiên, nỗ lực cuối cùng để hoàn thiện thị trường carbon vẫn để ngỏ. Trước COP29, các cuộc đàm phán tiến tới thoả thuận về thị trường carbon toàn cầu đã bị đình trệ trong thời gian dài.

Để gỡ “nút thắt”, Azerbaijan đã nỗ lực thúc đẩy sự tham gia hiệu quả giữa các bên trong suốt 1 năm trước COP29 và bắc cầu các cuộc thảo luận kỹ thuật và chính trị để tạo ra sự đồng thuận. Các nỗ lực này đặt nền tảng cho việc sớm thông qua các tiêu chuẩn của Điều 6.4 vào ngày đầu tiên của COP29, từ đó tạo động lực cho bước đột phá.

Các hướng dẫn và quy tắc được thông qua sẽ đảm bảo tính thực tế và bao trùm của các dự án carbon. Trong đó, các dự án tín chỉ carbon sẽ phải tuân thủ nhiều điều kiện, bao gồm tôn trọng nhân quyền, hỗ trợ phát triển bền vững và tạo điều kiện để quốc gia và các nhà phát triển dự án hợp tác theo Thoả thuận Paris. Trong quá trình xây dựng và triển khai thị trường carbon, các Bên có thể liên tục điều chỉnh sổ tay hướng dẫn của Điều 6.

Quỹ tổn thất và thiệt hại chính thức được khởi động

Tại COP29, các bên tham gia cũng đã nhất trí về các điều khoản giúp Quỹ Tổn thất và thiệt hại được đưa vào vận hành. Quyết định này phù hợp với ưu tiên do Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan, ông Ilham Aliyev, đặt ra nhằm giải quyết những thách thức do tác động của biến đổi khí hậu đối với các quốc đảo nhỏ.

Việc thành lập Quỹ tổn thất và thiệt hại đã được thông qua tại COP27 được tổ chức ở Ai Cập. Quỹ này nhằm mục đích cung cấp hỗ trợ tài chính cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu.

Trong COP28 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, một quyết định đã được đưa ra để khởi động các hoạt động của Quỹ.

Tiếp đó, tới COP29, nước chủ nhà Azerbaijan đã thực hiện các bước quan trọng để đảm bảo Quỹ được đưa vào hoạt động, hợp tác chặt chẽ với Ban quản lý và Ngân hàng Thế giới.

Trong khuôn khổ COP29, một số thỏa thuận quan trọng liên quan đến Quỹ đã được ký kết, bao gồm "Thỏa thuận Ủy thác", "Thỏa thuận Lưu trữ của Ban thư ký" giữa Ban quản lý Quỹ và Ngân hàng Thế giới, và "Thỏa thuận Quốc gia chủ nhà" giữa Ban quản lý Quỹ và Philippines.

Cho đến nay, các bên đã cam kết tài trợ hơn 730 triệu USD cho Quỹ tổn thất và thiệt hại. Theo đó, Quỹ sẽ có thể bắt đầu hỗ trợ cho các dự án bắt đầu từ năm 2025. Đây là một thành công nữa của Azerbaijan trong vai trò Chủ tịch COP29.

Một số kết quả khác

Đối thoại Sáng kiến Baku về Tài chính, Đầu tư và Thương mại vì Khí hậu (BICFIT): Trong khuôn khổ Hội nghị, Chủ tịch COP29 đã tập hợp các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, ngân hàng phát triển đa phương, quỹ khí hậu đa phương, khu vực tư nhân, xã hội dân sự, các liên minh chủ chốt và các bên liên quan khác, cùng với các Chủ tịch COP và các Bên tham gia, để đảm bảo tài chính, đầu tư và thương mại luôn là trung tâm của chương trình nghị sự về khí hậu. Đồng thời, Sáng kiến đã công bố Liên minh Khí hậu Baku mới dành cho Chuyển đổi Xanh của Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ (SMEs).

Các cam kết và tuyên bố về năng lượng: 150 Bên đã phê chuẩn các cam kết và tuyên bố liên quan đến lưu trữ năng lượng, lưới điện, khu vực, hành lang và hydro, do Chủ tịch COP29 đề xuất.

Tuyên bố COP29 về Hành động Kỹ thuật số Xanh: Hơn 75 chính phủ và hơn 1.100 thành viên trong cộng đồng công nghệ số đã ủng hộ tuyên bố sử dụng các công cụ kỹ thuật số để giảm phát thải và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Sáng kiến Baku về Phát triển Con người nhằm Thích ứng với Biến đổi Khí hậu: Một tuyên bố chung của 8 cơ quan Liên hợp quốc, 3 ngân hàng phát triển đa phương (MDB) và 3 quỹ khí hậu đã thông qua Nguyên tắc Hướng dẫn Baku về Phát triển Con người nhằm Thích ứng với Biến đổi Khí hậu, đồng thời thành lập Liên minh Tiếp nối giữa các Chủ tịch COP Baku về Khí hậu và Sức khỏe.

Liên minh Tiếp nối về Khí hậu và Sức khỏe: 5 Chủ tịch COP (từ COP26 đến COP30), cùng với Tổng Giám đốc WHO, đã đưa vấn đề sức khỏe vào chương trình nghị sự về khí hậu và vận động các bên coi vấn đề sức khỏe là trọng tâm trong các hội nghị COP sắp tới. Theo đó, Liên minh Tiếp nối giữa các Chủ tịch COP Baku về Khí hậu và Sức khỏe đã được công bố tại COP.

Tuyên bố Giảm Phát thải Metan từ Chất thải Hữu cơ: Hơn 50 quốc gia, bao gồm 8 trong số 10 quốc gia phát thải metan từ chất thải hữu cơ lớn nhất thế giới, chiếm 51% lượng phát thải metan toàn cầu từ chất thải hữu cơ, đã ủng hộ tuyên bố cam kết đặt ra các mục tiêu theo ngành để giảm metan từ chất thải hữu cơ trong các Đóng góp do Quốc gia tự Quyết định (NDC), góp phần thực hiện Cam kết Toàn cầu về Metan.

Sáng kiến Khí hậu Harmoniya Baku cho Nông dân: Một nền tảng kết nối các sáng kiến khí hậu hiện có trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, nhằm hỗ trợ nông dân dễ dàng tiếp cận và tìm kiếm nguồn tài chính.

Tuyên bố COP29 về Bản đồ Hành động (MAP) cho Thành phố Bền vững và Khỏe mạnh: Quy tụ các cơ quan LHQ, các tổ chức liên chính phủ, ngân hàng phát triển đa phương, quỹ khí hậu đa phương, các tổ chức từ thiện, nhà tài trợ song phương và các cơ quan thực hiện để hợp tác về tài chính khí hậu đô thị, với hơn 160 bên ủng hộ, bao gồm hơn 40 Bên tham gia. Tuyên bố này hướng tới cách tiếp cận đa ngành để hành động khí hậu trong quy hoạch đô thị và ra mắt Liên minh Tiếp nối Baku cho Hành động Khí hậu Đô thị.

Tuyên bố COP29 về Hành động Tăng cường trong Du lịch: Hơn 60 chính phủ cam kết thúc đẩy các thực hành du lịch bền vững, giảm phát thải và tăng cường khả năng chống chịu của ngành, định vị du lịch như một thành phần quan trọng trong các giải pháp khí hậu.

Tuyên bố COP29 về Nước cho Hành động Khí hậu: Với sự ủng hộ từ hơn 50 quốc gia, tuyên bố này sẽ thực hiện cách tiếp cận tích hợp để giải quyết các nguyên nhân và tác động của biến đổi khí hậu lên lưu vực nước và các hệ sinh thái liên quan đến nước. Tuyên bố kêu gọi tích hợp các biện pháp thích ứng và giảm thiểu liên quan đến nước vào chính sách khí hậu quốc gia, bao gồm NDC và Kế hoạch Thích ứng Quốc gia (NAP)./.

Nguồn: MONRE

Tác giả: Minh Hạnh/MONRE