Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong các tác nhân làm giảm tăng trưởng của Việt Nam. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tổng thiệt hại, chi phí do BĐKH gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD vào năm 2050. Chính vì vậy, việc cập nhật, xác định những nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên mới toàn diện hơn, hữu hiệu hơn trong giai đoạn tới là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp thiết.
Sau 3 năm triển khai, Thủ tướng Chính phủ vừa cập nhật Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 19/11/2024). Trong đó, mục tiêu lớn nhất là giảm thiểu mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động tiêu cực của BĐKH tại Việt Nam.
Thúc đẩy các hành động thích ứng hiệu quả
Trong Kế hoạch cập nhật, Việt Nam điều chỉnh mục tiêu cụ thể và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phù hợp với nội dung về thích ứng với BĐKH trong Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật và các chiến lược, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực có liên quan.
Một góc đê biển Bạc Liêu với những cánh rừng ngập mặn chắn sóng, bảo vệ sản xuất và phía ngoài là cánh đồng điện gió
Kế hoạch mới đã cập nhật và xác định rõ hơn 162 nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên theo 3 mục tiêu chính. Thứ nhất, nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, bảo đảm sinh kế bền vững (76 nhiệm vụ). Thứ hai, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng, góp phần giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do BĐKH (33 nhiệm vụ). Thứ ba, hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực nhằm thích ứng hiệu quả với BĐKH (53 nhiệm vụ).
Các nhiệm vụ cụ thể được xác định nhằm giảm mức độ dễ bị tổn thương, nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng, ưu tiên theo các lĩnh vực chịu nhiều tác động của BĐKH như: tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, phòng chống thiên tai, xây dựng, giao thông vận tải, công thương, văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin và truyền thông, lao động và xã hội.
Trong giai đoạn đến năm 2030, Kế hoạch tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật về thích ứng với BĐKH; thực hiện lồng ghép nội dung thích ứng BĐKH vào chiến lược và quy hoạch. Theo yêu cầu của Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, Việt Nam sẽ xây dựng và định kỳ cập nhật báo cáo về thích ứng với BĐKH.
Để nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, trọng tâm của giai đoạn này là triển khai, nhân rộng các mô hình canh tác nông nghiệp xen canh thích ứng với BĐKH. Trong đó, triển khai bố trí cơ cấu mùa vụ, cây trồng phù hợp; phát triển và nhân rộng các giống cây trồng, vật nuôi, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản có khả năng thích ứng với BĐKH, xâp nhập mặn. Việc sử dụng hiệu quả và ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái tài nguyên nước, tài nguyên đất, đa dạng sinh học cũng được đưa ra, cùng với bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên hiện có theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Kế hoạch chú trọng nâng cao năng lực giám sát BĐKH, quan trắc khí tượng thủy văn, chất lượng dự báo, cảnh báo và truyền tải thông tin về ứng phó với BĐKH và phòng, chống thiên tai; tăng cường mức độ an toàn của hệ thống công trình phòng chống thiên tai; triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp phòng chống thiên tai liên quan đến bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất...
Phát huy đồng lợi ích từ thích ứng
Theo Báo cáo NDC, Việt Nam tiếp tục thực hiện phương án chi 1,5% GDP cho thích ứng với BĐKH thì bình quân mỗi năm cần huy động vốn ngoài ngân sách khoảng 2,75 - 6,42 tỷ USD, tương đương khoảng 27,5 - 64,16 tỷ USD cho giai đoạn 2021 - 2030. Do đó, cùng với việc huy động nguồn lực, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước, nguồn lực hỗ trợ về tài chính, công nghệ từ quốc tế là rất quan trọng để thực hiện các hoạt động thích ứng.
Cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, công nghệ, năng lực, kinh nghiệm và kinh phí cho thích ứng với BĐKH chủ yếu huy động từ ngân sách Nhà nước, do đó còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của cộng đồng. Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, các nhiệm vụ ưu tiên xác định trong Kế hoạch Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cập nhật đều mang tính liên ngành, liên vùng. Bên cạnh đó, yêu cầu nguồn lực kỹ thuật và tài chính rất lớn để triển khai hiệu quả.
Việt Nam kêu gọi sự hợp tác, hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nhằm chuyển giao công nghệ tiên tiến, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Trong đó, ưu tiên triển khai các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường tính chống chịu với tác động của BĐKH cho các cộng đồng, lĩnh vực dễ bị tổn thương ở Việt Nam.
Trong các nhiệm vụ đến năm 2030, Kế hoạch cập nhật nhấn mạnh việc tăng cường nguồn lực cho thích ứng BĐKH; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ thích ứng với BĐKH; thu hút đầu tư cho các hoạt động thích ứng với BĐKH và tăng cường hợp tác quốc tế. Qua đó, thúc đẩy các hành động thích ứng mang lại đồng lợi ích trong giảm nhẹ rủi ro do BĐKH và hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường.
Đặc biệt trong lần cập nhật này, Kế hoạch đã bổ sung nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về áp dụng các mô hình phát triển sinh kế bền vững, mô hình thích ứng dựa vào tự nhiên (NbA), dựa vào hệ sinh thái (EbA), dựa vào cộng đồng (CbA); các nhiệm vụ, giải pháp góp phần giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại do BĐKH; các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thu hút sự tham gia và đầu tư của khối tư nhân cho thích ứng với BĐKH, phát huy vai trò của thanh thiếu niên, phụ nữ và cộng đồng trong thích ứng với BĐKH.
Giai đoạn sau năm 2030 cho đến năm 2050 sẽ phát huy kết quả đạt được của giai đoạn trước. Việt Nam tiếp tục tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH của con người, hạ tầng kỹ thuật và các hệ thống tự nhiên nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nước, bình đẳng giới, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững quốc gia trong bối cảnh BĐKH và an toàn trước thiên tai.
Thông tin nhanh chóng, kích hoạt ứng phó kịp thời
Những năm gần đây, thiên tai ở Thừa Thiên - Huế gia tăng cả về cường độ và tần suất. Lũ lịch sử năm 1999 và lũ đặc biệt lớn liên tiếp xảy ra vào các năm 2017, 2020, 2022, 2023 đã làm ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng. Đơn cử như năm 2020, thiên tai dị thường, khốc liệt trên địa bàn đã làm 41 người thiệt mạng, 11 người mất tích; hàng ngàn nhà cửa bị sập, tốc mái... Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ở Thừa Thiên - Huế hết sức phức tạp. Trong 15 năm qua, hàng chục km sạt lở ở sông Hương, sông Bồ và các xã ven biển đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn hộ dân, làm mất diện tích đất, nguy cơ mở cửa biển mới; ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, các công trình, tuyến đường giao thông.
Thừa Thiên - Huế xây kè chống sạt lở biển
Năm 2020 khi Chính phủ lần đầu ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các sở, ngành vào cuộc quyết liệt và nhanh chóng triển khai nhiều chương trình, hành động thiết thực. Theo đó, tỉnh thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng phó với BĐKH, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TCKN) các cấp theo hướng phù hợp với bối cảnh BĐKH. Thừa Thiên - Huế cũng ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong đó xây dựng kịch bản BĐKH và nước biển dâng của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, phê duyệt Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Xác định khoa học công nghệ là giải pháp then chốt, tỉnh đã triển khai nhiều đề tài về thích ứng BĐKH, phối hợp với các đối tác quốc tế thực hiện một số dự án như: Dự án thí điểm NAMA - Hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng hiệu quả ở TP. Huế; Dự án Thích ứng và chống chịu với BĐKH tại tỉnh Thừa Thiên - Huế...
Bên cạnh đó, việc thông tin lượng mưa qua phần mềm Vrain và mực nước, ngập lụt trên ứng dụng Hue-S đã phục vụ rất tốt cho công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và cung cấp thông tin kịp thời cho người dân. Tỉnh cũng đầu tư xây dựng được 70 tháp báo lũ trên địa bàn các huyện, thị xã và TP. Huế. Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC Huế) đã phối hợp, chia sẻ truyền hình ảnh từ hơn 100 camera giám sát từ hệ thống tại Trung tâm, giúp quan sát được các vị trí xung yếu, thấp trũng trên địa bàn tỉnh phục vụ cho công tác chỉ đạo, ứng phó thiên tai.
Thời gian qua, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam xây dựng bản đồ ngập lụt do nước biển dâng vùng đồng bằng ven biển trong tình huống bão mạnh, siêu bão trên địa bàn. Hàng năm, tỉnh tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn; các lớp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường cho các đối tượng, cộng đồng dân cư.
Thực tiễn triển khai đồng bộ công tác ứng phó tại các cấp cơ sở đã giúp giảm thiểu thiệt hại qua từng năm. Hiệu quả thấy rõ khi chính quyền và người dân sẵn sàng, chủ động thực hiện các kịch bản ứng phó mỗi khi thiên tai xảy ra.
Tăng sức chống chịu cho hệ sinh thái và hạ tầng
Thừa Thiên - Huế luôn quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chất lượng rừng trồng ngày càng được nâng cao. Đến nay, độ che phủ rừng ở tỉnh đạt hơn 57%. UBND tỉnh cũng đã thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai vào năm 2020, qua đó bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học, tăng cường khả năng chống chịu của các hệ sinh thái trong Khu bảo tồn, thích ứng với những biến động tự nhiên của đầm phá và BĐKH.
Tỉnh tập trung xây kè chống sạt lở bờ biển cũng như đã và đang thực hiện nhiều công trình, dự án xây dựng thích ứng với BĐKH, đặc biệt là Dự án đầu tư xây dựng Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên - Huế (sử dụng nguồn vốn ODA). Trong định hướng phát triển du lịch, tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh các loại hình và sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường.
Ông Đặng Phước Bình - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thời gian qua, Sở đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm về ứng phó BĐKH. Trong đó, nhiều nhiệm vụ chính được đặt ra về ứng phó với BĐKH, như đánh giá khí hậu ở địa phương; xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH; tiếp tục cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh để có bức tranh toàn diện về ứng phó với BĐKH.
"Sở sẽ xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện và làm cơ sở để tỉnh lồng ghép vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương có tính đến các tác động của BĐKH trong thời gian tới", ông Bình chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Từng bước thích ứng
Bến Tre là địa phương nằm ở hạ lưu sông Mê Công, tiếp giáp với biển Đông với đường bờ biển dài trên 65km. Tỉnh có cao độ địa hình các vùng đất ven sông, ven biển thấp, cùng với hệ thống sông, rạch, kênh nội đồng dày đặc. Hơn nữa, kinh tế phát triển trên nền tảng sản xuất nông nghiệp là chính nên địa phương được đánh giá rủi ro cao do tác động bởi tình trạng BĐKH và nước biển dâng.
Là tỉnh ven biển, Bến Tre chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng nước biển dâng
Trong những năm qua, các đợt triều cường có xu hướng tăng ở mức cao, làm ảnh hưởng đến hàng chục km đê bao, bờ bao, đường giao thông nông thôn; gây ngập hàng trăm ha đất sản xuất, cây giống, ao nuôi thủy sản. Triều cường cao kết hợp nước biển dâng dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển gia tăng, gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của người dân.
Trước thực trạng trên, các huyện ven biển tỉnh Bến Tre đã tập trung phát động hình thành một số mô hình chuyên canh, xen canh phù hợp với tiềm năng, lợi thế từng tiểu vùng, sản xuất theo công nghệ cao. Một số nơi đã thúc đẩy liên kết hình thành cánh đồng mẫu trồng lúa, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm, xây dựng chuỗi giá trị thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm giúp người nông dân tăng năng suất, ổn định giá cả đầu ra, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình như gia đình của ông Lưu Văn Việt ở xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú có khoảng hơn 2ha đất nông nghiệp nằm gần giáp cửa sông ra biển. Những năm gần đây, tình hình nước biển dâng và mặn xâm nhập diễn ra ngày càng phức tạp nên ông Việt và nhiều bà con nơi đây đã chuyển đổi sang mô hình "con tôm ôm cây lúa". Bước đầu đã cho thấy hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất canh tác được nâng cao, giúp tăng thu nhập cao hơn so với trước đây.
Hiện mô hình lúa - tôm này được xem là mô hình luân canh khép kín, áp dụng với mục đích sử dụng đất và nước thuận theo môi trường tự nhiên và canh tác phù hợp trong điều kiện nước biển dâng. Mô hình này cũng đã hạn chế những tác động tiêu cực đối với môi trường xung quanh. Qua đó, giữ vững và mở rộng thương hiệu lúa gạo sạch của địa phương, từng bước hướng đến xây dựng một nền sản xuất hàng hóa sạch, thích ứng với BĐKH, giúp nông dân phát triển kinh tế bền vững.
Tăng cường các giải pháp
Theo ngành Nông nghiệp Bến Tre, tại địa phương có nhiều dự án thích ứng BĐKH đã đem lại hiệu quả thiết thực, như: Nghiên cứu ứng dụng chất giữ ẩm và đề xuất kỹ thuật sử dụng cho đất trồng cây ăn trái; đánh giá thực trạng xâm nhập mặn vào đất và nước vùng cửa sông ven biển; đánh giá hiện trạng, dự báo biến động đường bờ biển tỉnh trong điều kiện nước biển dâng và các giải pháp phát triển bãi bồi thân thiện với môi trường; Triển khai nghiên cứu chế phẩm sinh học cải tạo, xử lý đất nhiễm mặn...
Ngoài ra, Bến Tre có nền sản xuất nông nghiệp rất đa dạng. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung phát triển mô hình "du lịch nông nghiệp", giúp người nông dân chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp kết hợp giải trí mang lại hiệu quả cao. Đây còn là giải pháp hữu hiệu để thích ứng với nước biển dâng, đồng thời nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng, tiến tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.
Trao đổi về vấn đề nguồn nước trên địa bàn, nhất là thời điểm sắp vào mùa khô, ông Đoàn Văn Đảnh - Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, là địa phương ven biển cùng với hệ thống sông rạch chằng chịt, tỉnh đã tăng cường các giải pháp ứng phó với BĐKH. Tỉnh tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến triều cường, mực nước trên các sông, kênh rạch, gió mạnh trên biển, để có phương án phòng tránh. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua "Đồng khởi mới" trong trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất. Đồng thời, tập trung hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với từng vùng sinh thái theo hướng thích ứng với tình trạng nước biển dâng và xâm nhập mặn.
Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, tỉnh đã xác định cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp; xây dựng chuỗi giá trị các ngành hàng, gắn sản xuất với tiêu thụ; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, sản xuất an toàn, bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
"Riêng về tiềm năng, thế mạnh và vai trò, vị thế của kinh tế biển trong hiện tại và tương lai, nhất là địa phương với thế mạnh hơn 65km đường bờ biển để xoay trục phát triển về hướng Đông, chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng và tình hình xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền để phát triển bền vững địa phương trong trung và dài hạn, Bến Tre đã ban hành Nghị quyết phát triển tỉnh về hướng Đông với những nội dung trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện”, ông Trần Ngọc Tam chia sẻ./.
Nguồn: Báo Tài nguyên & Môi trường
Tác giả: Khánh Ly - Văn Dinh - Bạch Thanh /TN&MT