Thực hiện quy định về đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình lưu trữ, vận chuyển và sử dụng nguồn phóng xạ, ngày 15/11/2024, Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin (VITE) đã tiến hành tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân năm 2024, với tình huống giả định: “Sự cố kẹt ống đo có gắn nguồn phóng xạ trong lỗ khoan”.
Địa vật lý lỗ khoan là một công đoạn trong công tác thăm dò địa chất các mỏ than, trong đó có sử dụng nguồn phóng xạ Cs137 gắn vào thiết bị chuyên dụng và thả xuống lỗ khoan. Thiết bị sẽ đo các tán xạ từ nguồn phóng xạ đi vào thành lỗ khoan và tới bộ phận cảm biến. Các lớp đất đá khác nhau sẽ cho cường độ tín hiệu đo khác nhau, kết hợp với một số phương pháp đo khác, qua xử lý phân tích sẽ cho kết quả là chiều sâu, chiều dày các vỉa than và cột địa tầng địa chất của lỗ khoan theo chiều thẳng đứng.
Trong quá trình thả và kéo thiết bị địa vật lý có thể xảy ra tình huống bị mắc kẹt cùng với nguồn phóng xạ trong lỗ khoan, đòi hỏi các nhân viên địa vật lý và các công nhân khoan thăm dò phải luôn luôn sẵn sàng cho các tình huống sự cố, có kế hoạch ứng phó kịp thời và hiệu quả. Do vậy, hàng năm, Công ty thường xuyên tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân, qua đó giúp CBNV nâng cao khả năng ứng phó và giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp có sự cố xảy ra.
Thông qua diễn tập này, các lực lượng tham gia diễn tập sẽ được tiếp xúc với tình huống và tích lũy thêm kinh nghiệm khi sự cố thực sự xảy ra. Kịch bản sự cố: khi đang tiến hành kéo thiết bị có gắn nguồn phóng xạ lên tới chiều sâu 100m, chỉ số sức căng của cáp tăng lên gần 28000 (trong khi mức độ bình thường vào khoảng 18000-20000). Nhận định có sự cố là mắc kẹt thiết bị, người vận hành trạm đo ngay lập tức ngắt tời khẩn cấp, sau đó nới lỏng cáp ra, ngắt và đóng file đo dữ liệu, đóng càng đường kính thiết bị. Sau khi càng đường kính đóng hết, thả dây cáp ra và quan sát thiết bị đo có trôi xuống dưới lỗ khoan qua điểm bị mắc kẹt không. Trường hợp thiết bị trôi xuống dưới qua điểm mắc kẹt, huy động lực lượng công nhân 3-5 người tiến hành đè dây cáp xuống sát mặt đất và kéo cáp lên thật chậm nhằm tránh cho thiết bị mắc kẹt lại. Nếu thiết bị đi qua điểm mắc kẹt thì kéo cáp lên thật chậm (2-3m/1phút) lên trên miệng lỗ khoan và tổ khoan tiến hành thông rửa lại lỗ khoan. Trường hợp thiết bị không trôi xuống dưới điểm kẹt, người vận hành trạm đo Địa vật lý xem xét kĩ tài liệu đã đo được, xác định khoảng chiều sâu mà ở đó đường kính rộng ra trên 110mm để đưa bộ dụng cụ chuyên dụng xuống lỗ khoan nhằm đẩy thiết bị đo qua điểm mắc kẹt. Đồng thời, lực lượng công nhân túc trực đè cáp xuống xem khi nào bộ dụng cụ chạm đầu thiết bị đo. Khi thả cần khoan xuống và kéo lên phải thật chậm tránh hư hỏng cáp và thiết bị, tới điểm gần cách đầu thiết bị khoảng 10m thì vừa thả vừa dò xem chạm vào đầu thiết bị và đẩy xuống khoảng 20cm rồi kéo cần khoan lên đồng thời kéo cáp lên xem thiết bị còn bị mắc kẹt không. Nếu không thì kéo cáp và thiết bị đo lên, nếu còn bị mắc kẹt thì tiếp tục nhẹ nhàng đẩy xuống dưới cho tới khi không còn mắc kẹt thì kéo lên.
Khi thiết bị và nguồn phóng xạ lên trên mặt đất, phải dùng thiết bị đo bức xạ và quan sát, đánh giá mức độ hư hại của thiết bị và vỏ nguồn phóng xạ để báo cáo các lãnh đạo cấp trên.
Kết thúc buổi diễn tập, cán bộ phụ trách an toàn bức xạ của Công ty nêu bật những điểm làm tốt và một số điểm cần chú ý.
Buổi diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân năm 2024 của công ty VITE
Buổi diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân năm 2024 của Công ty VITE đã diễn ra thành công, giúp các cán bộ và nhân viên nâng cao khả năng xử lý tình huống khẩn cấp liên quan đến nguồn phóng xạ. Qua tình huống giả định, các lực lượng tham gia đã thực hành các bước xử lý sự cố một cách bài bản. Những điểm mạnh và các mặt cần cải thiện được chỉ rõ sẽ là cơ sở quan trọng để Công ty tiếp tục hoàn thiện quy trình an toàn, đảm bảo ứng phó hiệu quả trong các tình huống thực tế, góp phần bảo vệ an toàn con người và môi trường./.
Tác giả: Phạm Văn Cường, Phạm Văn Khương