Chuyển đổi số - các ứng dụng AI trong công tác tài chính kế toán

Quản trị viên 07/11/2024 Khối công nghệ thông tin

Trí tuệ nhân tạo (AI-Artificial intelligence) được đánh giá là công nghệ nền tảng dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành nghề, có khả năng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, cạnh tranh quốc gia. Trong kỷ nguyên số, AI đang dần thay đổi cách con người vận hành công việc và lĩnh vực kế toán cũng không ngoại lệ. Ứng dụng AI trong công tác tài chính kế toán là giải pháp hiệu quả giúp kế toán viên làm việc hiệu quả hơn, chính xác hơn và đưa ra các quyết định nhanh chóng.

Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đó là “Phát triển nhanh và bền vững chủ yếu dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. Vì vậy, việc áp dụng chuyển đổi số để thay thế công việc thủ công không chỉ là việc sử dụng công nghệ trong công việc, đời sống xã hội mà mỗi người cần phải đổi mới tư duy và hành động để việc thực hiện chuyển đổi số thật sự có tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt hoạt động của doanh nghiệp.

Mục tiêu cuối cùng của việc thực hiện áp dụng công nghệ chuyển đổi số, trong đó có chuyển đổi số trong công tác Tài chính kế toán tại Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin (VITE) nhằm mục đích chính là tiết kiệm chi phí, giảm thiểu các thủ tục, tối ưu hoá các quy trình, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, thuận tiện hơn, nhanh chóng hơn, từ đó thực hiện đồng bộ cũng như có hiệu quả việc chuyển đổi số của Công ty. Trong lĩnh vực Tài chính kế toán nói riêng, một số vai trò trong ứng dụng AI đã được phát triển giúp tối ưu hóa năng suất lao động của kế toán viên bằng cách giảm thiểu các công việc lặp lại nhàm chán. Bên cạnh đó, công nghệ AI giúp giảm thiểu sai sót kế toán bằng các ứng dụng giúp đối chiếu so sánh nhanh các thông tin phát sinh. Xử lý dữ liệu và ghi sổ, hạch toán kế toán như: AI có thể tự động quét, nhận dạng và xử lý các tài liệu kế toán như hóa đơn, chứng từ, báo cáo tài chính. Công nghệ OCR (Optical Character Recognition) và công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing) được sử dụng để nhận diện và chuyển đổi thông tin từ các tài liệu giấy tờ sang dữ liệu kỹ thuật số. AI giúp giảm thiểu các tác vụ lặp đi lặp lại của kế toán như: hạch toán kế toán, nhập liệu hóa đơn, nhập liệu phần mềm, tạo báo cáo tự động dưới sự phê duyệt điều chỉnh của người dùng. Phân tích tài chính, phân tích dữ liệu và phát hiện gian lận: AI có khả năng phân tích các dữ liệu tài chính phức tạp và cung cấp thông tin chi tiết về tình hình tài chính của một tổ chức. Các thuật toán máy học và học sâu (deep learning) được áp dụng để tạo ra các mô hình dự đoán, phân tích xu hướng và phát hiện các biểu hiện bất thường trong dữ liệu tài chính. Ngoài ra, công nghệ AI còn hỗ trợ phân loại và xử lý thuế như: AI có thể hỗ trợ trong việc phân loại các khoản thuế và quy định liên quan, giúp tạo ra các báo cáo thuế chính xác và tuân thủ quy định. Công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên và học máy được sử dụng để hiểu và áp dụng các quy tắc và quy định thuế vào dữ liệu kế toán.  AI cũng có thể tạo ra các kịch bản dự báo và lập kế hoạch tài chính cho tương lai. Các thuật toán học máy và mạng nơ-ron (neural networks) được sử dụng để xây dựng các mô hình dự đoán và phân tích rủi ro tài chính. AI có thể tự động hoá các quy trình kế toán thông qua việc tự động thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại, giảm thiểu sự phụ thuộc vào công việc thủ công. Các công cụ tự động hóa quy trình (Robotic Process Automation - RPA) và học máy được sử dụng để tạo ra các robot kế toán (kế toán bot) để thực hiện các nhiệm vụ như ghi sổ, kiểm tra số liệu và tạo báo cáo.

Nhằm mục tiêu đưa công nghệ số và ứng dụng AI vào giải quyết các công việc liên quan lĩnh vực tài chính kế toán, Công ty VITE đã đưa phần mềm Amis Misa giải quyết các vấn đề liên quan công tác tài chính kế toán như phần mềm quản lý hóa đơn: Tự động xử lý hóa đơn và đưa ra các cảnh báo về hóa đơn cho kế toán với các trường hợp hóa đơn có rủi ro; Tự động nhận và lưu trữ hóa đơn;  Xử lý hóa đơn và đưa ra cảnh báo với các hóa đơn có rủi ro về thuế; Tự động đề xuất hạch toán theo các hóa đơn đã phát sinh trước đó; Tự động lấy thông tin hạch toán nhà cung cấp theo MST tra cứu.

Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin (VITE) ứng dụng AI trong công tác Tài chính kế toán

Với đội ngũ kế toán viên mà đa số những kế toán viên có nghiệp vụ chuyên môn, kết hợp giữa kinh nghiệm của tuổi nghề, nhiệt huyết của tuổi trẻ và quyết tâm cùng với Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Công ty thực hiện thành công việc chuyển đổi số và áp dụng AI trong các công việc hằng giờ, hàng ngày của đội ngũ cán bộ, nhân viên Phòng Tài chính kế toán để có thể giảm bớt thời gian thực hiện, tăng độ chính xác và giảm thiểu rủi ro trong công tác tài chính kế toán.

Tuy nhiên, để đáp ứng được tốt việc áp dụng chuyển đổi số và áp dụng AI trong công tác tài chính kế toán cũng là một thách thức không nhỏ. Bản thân các nhân viên kế toán phải tự nhận thức và nâng cao trình độ công nghệ thông tin. Ngoài việc tuân thủ các quy định, chuẩn mực kế toán cần có trình độ sử dụng công nghệ thông tin và sử dụng thành thạo các phần mềm kế toán. Trong môi trường điện tử, số hóa (đặc biệt là hóa đơn điện tử), áp dụng chuyển đổi số và AI cũng là công cụ hữu hiệu, chính xác và hỗ trợ công tác tài chính kế toán. Qua đây, các kế toán viên có cơ hội tiếp xúc với công nghệ thông tin và chuyển đổi tư duy để phù hợp với thời đại mới./.

Tác giả: Nguyễn Trường Chinh. Biên tập và hình ảnh: Ngô Thị Dung