Khai thác mỏ ở các nước đang phát triển: Cơ hội và thách thức

Quản trị viên 23/10/2024 Khối dự án

Nhiều nước đang phát triển sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá dồi dào. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Chile có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới với 9,3 triệu tấn.

Triển vọng khai thác tài nguyên ở các nước đang phát triển thậm chí còn hứa hẹn hơn nhờ chi phí quản lý thấp so với chi phí sản xuất ở các nước phát triển. Lấy ví dụ, thu nhập của thợ mỏ ở Cộng hòa Dân chủ Congo là vài đô la Mỹ mỗi ngày, trong khi phần lớn người dân nước này kiếm được ít hơn 2 đô la mỗi ngày.

Ảnh minh họa: John Carnemolla/Shutterstock.com

Nhằm tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, chính phủ các nước đang phát triển đang tích cực hỗ trợ và thúc đẩy các lĩnh vực khai thác mỏ của nước mình. Theo một báo cáo gần đây của Viện Quản trị Tài nguyên Thiên nhiên, có trụ sở ở London, Vương quốc Anh, các nước như Botswana, Colombia, Ghana, Indonesia và Peru có chính sách quản trị phù hợp và thỏa đáng cho lĩnh vực khai thác khoáng sản. Ngoài ra, nhiều quốc gia cũng đang tăng cường áp dụng các chính sách khai thác bền vững trong khi vẫn duy trì năng lực cạnh tranh. Chẳng hạn như, Chile đứng thứ hai thế giới cả về khai thác bền vững lithium và đồng.

Ngành khai thác mỏ có thể thúc đẩy phát triển kinh tế và đóng góp vào tăng trưởng GDP cho các nước đang phát triển sở hữu trữ lượng lớn tài nguyên thiên nhiên. Theo báo cáo năm 2021 của chính phủ Namibia, các khoáng sản như kim cương, uranium và fluorspar (đá Fluorit) không chỉ đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế của nước này mà còn góp phần đáng kể vào việc phát triển cơ sở hạ tầng và tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân. Báo cáo cho thấy các hoạt động khai thác mỏ chiếm khoảng 11% GDP, tăng gần 14% từ năm 1981 đến năm 2018, dẫn đến việc thành lập các thị trấn và hỗ trợ giảm nghèo, tạo việc làm và phát triển kỹ năng ở Namibia.

Những thách thức đối với ngành khai thác mỏ ở các nước đang phát triển

Mặc dù ngành khai thác mỏ đang chuyển dịch hướng tới ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị), nhưng không thể phủ nhận rằng các quy định môi trường và xã hội khắt khe hơn đang đặt ra những thách thức lớn cho ngành công nghiệp này. Theo Công ty luật quốc tế White & Case LLP, có trụ sở chính tại New York, Hoa Kỳ, ngành khai thác mỏ muốn chủ động tìm kiếm các giải pháp liên quan đến ESG thay vì chỉ phản ứng lại các vấn đề khi chúng xảy ra.  

Hoạt động khai thác mỏ gây ra nhiều vấn đề như ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, mất môi trường sống tự nhiên, xử lý chất thải và phát thải khí nhà kính. Ngành công nghiệp này đang nỗ lực khắc phục những sai lầm trong quá khứ bằng các sáng kiến như cải tạo đất và hướng tới sự bền vững trong tương lai.

Những thách thức về môi trường mà ngành khai thác mỏ phải đối mặt đã trở nên quá quen thuộc, đến mức chúng có thể làm lu mờ những vấn đề xã hội mà ngành này vấp phải. Mặc dù khai thác mỏ tạo ra việc làm và mang lại nguồn thu lớn, nhưng các hoạt động này cũng có thể dẫn đến việc di dời cộng đồng, gây ra các vấn đề về sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế do làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên, chẳng hạn như đất canh tác.

Các ví dụ điển hình

Mỏ đồng Cerro Verde, một trong những mỏ đồng lớn nhất ở Peru và trên thế giới, là một ví dụ điển hình cho các hoạt động khai thác mỏ phát triển mạnh trong khi vẫn tuân thủ các tiêu chuẩn ESG. Mỏ Cerro Verde đã đạt những con số ấn tượng khi sản xuất hơn 440.000 tấn quặng đồng mỗi ngày và khai thác khoảng 100.000 tấn đồng mỗi năm. Đồng thời, mỏ Cerro Verde đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế về thực hành khai thác có trách nhiệm. Các giải thưởng này được trao dựa trên các chương trình kiểm toán và đánh giá độc lập, xác nhận cam kết của mỏ đối với các tiêu chuẩn ESG. Cụ thể, mỏ Cerro Verde đã triển khai các chương trình phục hồi đất để tái tạo lại các khu vực đã khai thác, giúp khôi phục hệ sinh thái tự nhiên và tạo ra các khu vực xanh mới; đầu tư vào các hệ thống quản lý nước tiên tiến để giảm thiểu ô nhiễm nước và tối ưu hóa việc sử dụng nước trong quá trình khai thác, xây dựng các nhà máy xử lý nước thải để đảm bảo nước thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn an toàn; áp dụng các công nghệ và quy trình mới để giảm lượng khí nhà kính phát thải từ các hoạt động khai thác, góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu; thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ cộng đồng, bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục, và tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Những nỗ lực này không chỉ giúp Cerro Verde duy trì hoạt động khai thác hiệu quả mà còn đảm bảo rằng họ đang đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của khu vực và cộng đồng xung quanh.

Một ví dụ điển hình khác là mỏ kẽm Skorpion ở Namibia, có công suất hàng năm là 1,6 triệu tấn. Do tình trạng khan hiếm nước của nước này, các nhà điều hành mỏ đã tập trung vào các hoạt động quản lý nước thông qua một số phương pháp quản lý nước hiệu quả, bao gồm khử nước, xử lý nước, lưu trữ chất thải và khử muối. Mỏ Skorpion đã thực hiện nhiều biện pháp để tuân thủ các tiêu chuẩn ESG, trong đó đầu tư khoảng 60 triệu NAD vào các dự án cộng đồng địa phương, tập trung vào các lĩnh vực như thể thao, y tế, giáo dục, sinh kế và hỗ trợ Covid-19. Hiện tại, mỏ đang trong quá trình chuyển đổi nhà máy lọc để có thể xử lý cả quặng kẽm sulfide và oxide, với mục tiêu tạo ra một tương lai bền vững hơn cho Skorpion Zinc. Dự án này dự kiến sẽ tạo ra khoảng 1.300 việc làm trực tiếp và 12.730 việc làm gián tiếp.

Triển vọng tương lai

Đầu tư vào các hoạt động khai thác mỏ và chế biến hạ nguồn (các quy trình tinh chế và nâng cao giá trị của nguyên liệu thô) tiếp tục tăng khi các công ty tận dụng các yếu tố then chốt như tín dụng thuế, sự tiếp cận ưu đãi với các tuyến thương mại, các biện pháp khuyến khích bền vững và hỗ trợ vật chất khác.

Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các cơ hội khai thác mỏ. Theo White & Case, những nỗ lực chấp nhận ESG đang ngày càng tăng, với 36% số nhà điều hành mỏ được hỏi cho rằng họ gặp khó khăn khi tiếp cận vốn mà không có các biện pháp tuân thủ ESG.

Không thể phủ nhận rằng khai thác mỏ ở các nước đang phát triển là một vấn đề phức tạp với nhiều cơ hội và thách thức. Mặc dù có lợi thế về nguồn tài nguyên phong phú, chi phí sản xuất thấp và các biện pháp khuyến khích của chính phủ, các công ty khai thác mỏ vẫn cần tiếp tục áp dụng thực hành ESG để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.

Nhiều hoạt động khai thác mỏ đã chứng minh khả năng vượt qua các thách thức hiện tại và tối ưu hóa các cơ hội sẵn có. Để phát triển bền vững trong tương lai, ngành khai thác mỏ cần tiếp tục tận dụng các điều kiện kinh tế thuận lợi, đồng thời cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn ESG nhằm đảm bảo không chỉ tăng trưởng kinh tế mà còn bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng./.

Tác giả: Đỗ Thanh Hương (AZO Mining)