Chiều 26/9, Cục Địa chất Việt Nam công bố công trình “Bản đồ địa chất, tài nguyên địa chất Việt Nam và các vùng biển kế cận tỷ lệ 1:1.000.000”.
Công trình “Bản đồ địa chất, tài nguyên địa chất Việt Nam và các vùng biển kế cận tỷ lệ 1:1.000.000” và sách thuyết minh Địa chất và tài nguyên địa chất Việt Nam là công trình tổng hợp một cách toàn diện các tài liệu liên quan hiện có trên toàn bộ phần đất liền, biển Việt Nam và các vùng biển kế cận, có tính hội nhập với Chương trình Khoa học Địa chất Quốc tế: Đề án IGCP 624 Một Địa chất Quốc tế (International One Geology).
Công trình này do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (năm 2023 là Cục Địa chất Việt Nam) là cơ quan chủ quản, giao cho Trung tâm Thông tin, Lưu trữ và Bảo tàng Địa chất tổ chức thực hiện theo quyết định số 1398/QĐ-BTNMT ngày 6/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (đề tài nghiên cứu khoa học mã số TNMT.03/10-15 do ông Đào Thái Bắc làm chủ nhiệm; ông Trần Văn Trị là chủ biên khoa học, ông Đào Thái Bắc và ông Nguyễn Xuân Bao là phó chủ biên) và được xuất bản theo quyết định số 163/QĐ-ĐCVN ngày 3/2/2023 của Cục Địa chất Việt Nam dưới sự chủ trì về mặt khoa học của GS.TS. Trần Văn Trị.
Bản đồ địa chất, tài nguyên địa chất Việt Nam và các vùng biển kế cận tỷ lệ 1:1.000.000
Theo TS. Đào Thái Bắc, đây là một chuyên khảo tổng hợp về khoa học Trái đất được thực hiện không liên tục trong nhiều năm qua, trong đó kế thừa những thành tựu nghiên cứu, điều tra cơ bản trước đây và được cập nhật, chỉnh lý, bổ sung các tài liệu mới đến đầu năm 2023. Công trình này được hoàn thành bởi tập thể tác giả gồm các nhà khoa học địa chất từ Cục Địa chất Việt Nam, Tổng hội Địa chất Việt Nam, Hội Dầu khí Việt Nam, Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), các trường: Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như một số nhà khoa học từ Nhật Bản, Pháp, CHLB Nga...
Công trình tổng hợp các khoa học Trái đất tại Việt Nam và các vùng biển kế cận này gồm bản đồ và sách thuyết minh cho bản đồ, trong đó, ở phần bản đồ, lần đầu tiên phần địa chất đất liền được ghép nối với địa chất biển tạo ra một bức tranh tổng thể và thống nhất một cách toàn diện.
“Với phiên bản tiếng Anh, công trình đóng góp một phần cho nền khoa học Việt Nam trong việc phổ biến kiến thức và hội nhập khoa học quốc tế. Ngoài ra, với phạm vi bản đồ gồm cả Biển Đông và các vùng biển kế cận, công trình cũng đóng góp một phần cho việc khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam”, TS. Đào Thái Bắc nhận định.
Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Bình Trọng cho biết, công trình “Bản đồ Địa chất và Tài nguyên Địa chất Việt Nam và các vùng biển kế cận, tỷ lệ 1:1.000.000” là kết quả của sự cống hiến miệt mài và tâm huyết của gần 60 tác giả, qua nhiều thế hệ từ khi ngành địa chất nước nhà được thành lập cho đến nay.
“Đây là công trình nghiên cứu kế thừa, tổng hợp và phát triển toàn diện từ những tài liệu khoa học địa chất hiện có. Công trình không chỉ có giá trị to lớn đối với ngành địa chất, khoáng sản Việt Nam, mà còn đánh dấu sự hội nhập mạnh mẽ với các chương trình khoa học địa chất quốc tế, góp phần khẳng định vị thế và năng lực khoa học của nước nhà trên trường quốc tế”, TS. Trần Bình Trọng khẳng định.
Công trình “Bản đồ Địa chất và Tài nguyên Địa chất Việt Nam và các vùng biển kế cận, tỷ lệ 1:1.000.000” là kết quả của sự cống hiến miệt mài và tâm huyết của gần 60 tác giả, qua nhiều thế hệ từ khi ngành địa chất nước nhà được thành lập cho đến nay
Đánh giá cao vai trò của công trình này, GS.TS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất, một trong những tác giả của công trình “Bản đồ địa chất, tài nguyên địa chất Việt Nam và các vùng biển kế cận tỷ lệ 1:1.000.000” và sách thuyết minh Địa chất và tài nguyên địa chất Việt Nam cho rằng, công trình và cuốn sách này có giá trị tham khảo rất lớn, tổng hợp nhiều thông tin định lượng và có tính thuyết phục cao.
Đặc biệt, công trình và cuốn sách cũng có giá trị khoa học rất lớn. GS. Hải phân tích, Trường Đại học Mỏ - Địa chất là một trong những trường đào tạo đại học và sau đại học, trong đó có đào tạo các ngành liên quan đến khoa học Trái đất. Những quyển sách được cập nhật các thông tin mới như thế này hết sức quan trọng, là nguồn tài liệu tham khảo, là giáo trình, chuyên khảo dành cho các nghiên cứu sinh, các học viên cao học và giúp cho các giảng viên của Trường xây dựng các chương trình bài giảng hết sức quý giá. Cuốn sách tổng hợp ngắn gọn nhưng đầy đủ thông tin về địa chất, tài nguyên, tai biến địa chất… của Việt Nam.
GS.TS Trần Thanh Hải nhấn mạnh: “52 tác giả của cuốn sách là 52 đại diện của các nhóm nghiên cứu, các cơ quan nghiên cứu, chứ không phải chỉ cá nhân, do đó trí tuệ ở đây là trí tuệ tổng hợp của toàn bộ ngành Địa chất Việt Nam. Đó là tài sản khổng lồ của tất cả chúng ta, là công lao chung của chúng ta dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt của GS.TS. Trần Văn Trị”.
Có thể thấy, công trình “Bản đồ địa chất, tài nguyên địa chất Việt Nam và các vùng biển kế cận tỷ lệ 1:1.000.000” là một dấu ấn quan trọng, là nền tảng để các nhà khoa học tiếp tục phát triển và nâng cao năng lực nghiên cứu, khám phá tiềm năng địa chất và khoáng sản của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh mới của sự phát triển bền vững và hội nhập toàn cầu./.
Nguồn: MONRE
Tác giả: Mai Đan/MONRE