Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ cùng biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, đổi mới sáng tạo xanh được coi là giải pháp quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.
Đây là ý kiến được đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chia sẻ tại "Diễn đàn Chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội" do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 30/9, tại Hà Nội. Diễn đàn nằm trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 - Techconnect and Innovation Vietnam 2024, với chủ đề "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững".
Công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phát triển xanh, hướng tới Net Zero
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã và đang trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Với Việt Nam, việc đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là một yêu cầu tất yếu mà còn là một nhiệm vụ chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu của hội nhập sâu rộng.
Ông Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Diễn đàn
Thứ trưởng Hoàng Minh đề nghị, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung vào những nội dung chính như: Chính sách quản lý công nghệ, thảo luận về các chính sách quản lý công nghệ hiện tại và những khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp trong việc tiếp cận, ứng dụng và phát triển công nghệ trên thực tế.
Cùng với đó, thảo luận về cơ chế, chính sách về thẩm định và chuyển giao công nghệ theo pháp luật hiện hành và định hướng sắp tới cải thiện khung pháp lý về hoạt động này, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các giải pháp công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng giá trị sản phẩm.
Đặc biệt, tập trung thảo luận về cơ chế, chính sách khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ xanh, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới Net Zero bao gồm việc hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân và cộng đồng cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu; Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam”.
Theo đó, đây là cơ hội để các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học kết nối với doanh nghiệp, cùng nhau tìm ra những giải pháp công nghệ thiết thực, góp phần giải quyết những thách thức trong quá trình sản xuất và kinh doanh và hướng tới Net Zero tại Việt Nam.
Quang cảnh Diễn đàn
"Với sự tham gia nhiệt tình và tâm huyết của các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và các đơn vị tham dự, diễn đàn đem lại nhiều ý tưởng và giải pháp thiết thực, góp phần thúc đẩy thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và công nghệ tại Việt Nam", Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh.
Hoàn thiện quy định ưu đãi đối với hoạt động chuyển giao công nghệ
Chia sẻ về chính sách pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động chuyển giao công nghệ, ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã chú trọng đến công tác chuyển giao công nghệ và có những quyết nghị kịp thời đối với nội dung này. Luật Chuyển giao công nghệ đã được ban hành và có hiệu lực từ năm 2017. Cùng với đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan cũng đã được ban hành.
Đề xuất một số chính sách liên quan đến hoạt động chuyển giao công nghệ nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp trong nước và cả doanh nghiệp FDI với tư cách là bên nhận công nghệ thực hiện việc nhận chuyển giao công nghệ, khuyến khích chuyển giao từ đối tác mà chủ yếu là doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Linh kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để khắc phục tồn tại chính sách ưu đãi thuế thu nhập đối với hoạt động chuyển giao công nghệ trong 10 năm qua khi chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện quy định ưu đãi đối với hoạt động chuyển giao công nghệ trong pháp luật hướng dẫn Luật Đất đai để đồng bộ với quy định về đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư (dự án đầu tư có chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao) và hình thức ưu đãi đầu tư về đất đai của Luật Đầu tư; đề nghị xem xét bổ sung quy định miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định tại khoản 2 Điều 157 Luật Đất đai, trong đó có chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư có chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Diễn đàn
Đối với hoạt động thẩm định công nghệ dự án đầu tư được quy định tại Luật Chuyển giao công nghệ, ông Nguyễn Hoàng Linh đề xuất cần bổ sung quy định về việc thẩm định công nghệ đối với dự án chỉ thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Đây có thể là "lỗ hổng" trong chính sách quản lý nhà nước về công nghệ trong thời gian qua…
Về hoạt động xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên theo quy định pháp luật về đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư để khắc phục tình trạng còn có nhiều cách hiểu khác nhau hiện nay, dẫn đến vướng mắc trong việc xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.
Cụ thể như việc không rõ ràng về đánh giá công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư hay công nghệ tạo ra máy móc, thiết bị; không phù hợp thực tiễn khi quy định cứng việc máy móc, thiết bị có tuổi trên 10 năm là lạc hậu, trong khi không phải máy móc, thiết bị nào có tuổi trên 10 năm cũng là lạc hậu (nhất là các máy móc, thiết bị trong lĩnh vực ít có sự thay đổi nhanh về công nghệ như lĩnh vực cơ khí, chế tạo...); không phù hợp đặc thù loại hình dự án đối với những dự án sử dụng các máy móc, thiết bị có tính liên hoàn thành một dây chuyền công nghệ hoặc dự án không có dây chuyền công nghệ mà có các máy móc, thiết bị được bố trí thành từng khu riêng để tạo ra các bán thành phẩm trước khi tạo ra sản phẩm đầu cuối.
Tại Diễn đàn, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận một số nội dung về các chính sách quản lý công nghệ hiện tại và những khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp trong tiếp cận, ứng dụng và phát triển công nghệ trên thực tế; về cơ chế, chính sách về thẩm định và chuyển giao công nghệ theo pháp luật hiện hành và định hướng sắp tới cải thiện khung pháp lý về hoạt động này. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các giải pháp công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng giá trị sản phẩm./.
Nguồn: TN&MT
Tác giả: Nguyễn Thủy/TN&MT