Trên quan điểm tài nguyên khoáng sản là tài sản quốc gia cần được khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, Luật Khoáng sản đã xác định công tác quản lý tài nguyên và trữ lượng khoáng sản đặt ra từ giai đoạn khảo sát, thăm dò đến khai thác.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản cơ bản đầy đủ, đồng bộ đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trữ lượng và tài nguyên. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập trong công tác thẩm định, cấp phép, phê duyệt và quản lý trữ lượng, tài nguyên.
Trữ lượng khoáng sản - số liệu đầu vào quan trọng của dự án đầu tư khai thác mỏ
Theo TS. Đặng Văn Lãm, Tổng Hội Địa chất Việt Nam - Nguyên Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, khoáng sản là tài nguyên hữu hạn, việc khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản phải được thực hiện trên cơ sở thăm dò, đánh giá tổng thể về trữ lượng, chất lượng, điều kiện khai thác, làm cơ sở lập dự án đầu tư khai thác mỏ có hiệu quả và bền vững. Theo quy định, các báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản phải xác định chỉ tiêu tạm thời tính trữ lượng. Trước đây, chỉ tiêu tạm thời tính trữ lượng được xác định và công nhận trước khi thành lập báo cáo, hiện nay, thủ tục này đã được bãi bỏ và quy định trong quá trình thành lập báo cáo.
Phân cấp trữ lượng/tài nguyên khoáng sản rắn của Việt Nam ban hành tại Thông tư 60/2017/TT-BTNMT và các thông tư quy định về thăm dò, phân cấp trữ lượng và tài nguyên các mỏ khoáng sản riêng biệt cơ bản phù hợp với thực tế và quy định của các nước.
Để tính trữ lượng và tài nguyên, các báo cáo kết quả thăm dò phải xác định chỉ tiêu tạm thời để tính trữ lượng, đó là các thông số quy định về chất lượng (hàm lượng biên và hàm lượng công nghiệp tối thiểu) và điều kiện khai thác mỏ (bề dày thân quặng tối thiểu và chiều dày lớp kẹp tối đa...) làm cơ sở cho việc khoanh nối ranh giới thân quặng và sơ bộ đánh giá tính khả thi của trữ lượng.
Theo quy định của pháp luật về khoáng sản, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản được thực hiện xuyên suốt từ quy hoạch đến quản lý cấp phép các hoạt động thăm dò và khai thác mỏ. Quan trọng nhất của công tác quản lý tài nguyên khoáng sản là quản lý hoạt động khai thác mỏ mà chủ yếu là quản lý lượng đầu ra của quá trình khai thác và sử dụng tài nguyên. Chỉ sau khi khoáng sản được khai thác ra khỏi lòng đất mới tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị mua bán, trao đổi, vì vậy đây là đối tượng quan trọng nhất cần được quản lý và kiểm soát chặt chẽ trong hoạt động khoáng sản.
TS. Đặng Văn Lãm cho rằng thông tin về trữ lượng và tài nguyên khoáng sản là cơ sở để thống kê nguồn lực tài nguyên quốc gia, phục vụ cho quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các ngành công nghiệp. Trữ lượng khoáng sản được thẩm định, công nhận là số liệu đầu vào quan trọng của dự án đầu tư khai thác mỏ nhằm hạn chế rủi ro của dự án khai thác, cần được theo dõi, thống kê đánh giá hiệu suất sử dụng, đảm bảo sự bền vững trong việc sử dụng tài nguyên.
Hiện nay, trừ các khoáng sản chiến lược, quan trọng do nhà nước đầu tư thăm dò và khai thác, còn lại hầu hết các khoáng sản đều do các tổ chức, cá nhân thực hiện từ khâu thăm dò đến khai thác và tự chịu trách nhiệm về các khoản đầu tư của mình.
Việc khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản phải được thực hiện trên cơ sở thăm dò, đánh giá tổng thể về trữ lượng, chất lượng, điều kiện khai thác
Hoàn thiện công tác quản lý hoạt động thăm dò, đánh giá trữ lượng
Theo TS. Đặng Văn Lãm, công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản còn một số lúng túng trong việc đề xuất yêu cầu theo dõi, quản lý chỉ tiêu tạm thời tính trữ lượng, trữ lượng trong các báo cáo kết quả thăm dò và sự thay đổi của trữ lượng, tài nguyên ở các mỏ đã được cấp phép.
Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện công tác quản lý các hoạt động thăm dò và đánh giá trữ lượng; xác định rõ đầu mối theo dõi, quản lý trữ lượng và tài nguyên khoáng sản. Công tác quản lý tài nguyên cần hướng đến thực chất là: Quản lý các hoạt động thăm dò, thẩm định, công nhận trữ lượng và tài nguyên phù hợp với từng giai đoạn; xác định trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong công tác đầu tư thăm dò, đánh giá trữ lượng, tài nguyên trước khi cấp phép và trong quá trình khai thác để hạn chế rủi ro đầu tư và nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên.
Đối với các dự án thăm dò thực hiện bằng vốn của các tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm với dự án đầu tư và các kết quả thăm dò của mình. Công tác quản lý chỉ tập trung vào thẩm định đề án, cấp giấy phép thăm dò, thẩm định và công nhận kết quả thăm dò (không nhất thiết kiểm soát các hoạt động thăm dò). Các doanh nghiệp có trách nhiệm đăng ký trữ lượng và tài nguyên tính được trong báo cáo thăm dò với cơ quan quản lý và sử dụng để lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hoặc dự án đầu tư khai thác mỏ.
Đồng thời, để đảm bảo hiệu quả sử dụng tối ưu tài nguyên, không nên hạn chế việc huy động một phần tài nguyên 333 (tài nguyên dự tính) đã xác định trong báo cáo thăm dò đã đăng ký vào lập dự án và thiết kế khai thác, song yêu cầu trước khi khai thác phải thăm dò bổ sung nâng cấp.
Đối với hoạt động khai thác, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công tác thẩm định và cấp giấy phép khai thác khoáng sản; tăng cường công tác quản lý các hoạt động khai thác mỏ theo các nội dung trong giấy phép khai thác; kiểm soát chặt chẽ sản lượng khai thác và tiêu thụ khoáng sản thực tế ở mỏ; nghiên cứu cho phép doanh nghiệp được chủ động trong thăm dò bổ sung, thăm dò nâng cấp trữ lượng; được điều tiết công suất khai thác trong giới hạn phù hợp để thích ứng với sự thay đổi các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và nhu cầu thị trường nguyên liệu khoáng, đảm bảo khoáng sản ở mỏ được khai thác một cách hợp lý, tiết kiệm, bền vững và bảo vệ môi trường./.
Nguồn: TN&MT
Tác giả: Mai Đan/TN&MT