Việt Nam nỗ lực triển khai đồng bộ giải pháp chuyển đổi năng lượng

Quản trị viên 05/09/2024 Khối môi trường

Chuyển dịch năng lượng có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh và tác động đến tất cả các ngành liên quan đến sử dụng năng lượng. Việt Nam đang chú trọng chuyển dịch cả từ phía nguồn cung và phía sử dụng năng lượng, nhằm tạo tác động cộng hưởng và thúc đẩy quá trình diễn ra nhanh hơn.

Chuyển dịch cơ cấu nguồn điện hợp lý

Trong bối cảnh nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp ngày càng cạn kiệt, Việt Nam vừa phải đảm bảo an ninh năng lượng vừa phải đảm bảo đáp ứng các cam kết quốc tế về hạn chế những nguồn điện gây phát thải CO2. Nhìn về dài hạn, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ quan điểm: “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”.

Riêng về chuyển dịch năng lượng, các chủ trương, định hướng, chiến lược của Nhà nước nhấn mạnh phải phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới; dừng phát triển điện than từ năm 2030 và tiến tới trung hòa các-bon vào năm 2050.

Việt Nam sẽ dừng hoạt động những nhà máy điện than cũ, kém hiệu quả

Nhà nước ưu tiên phát triển điện khí trong nước, nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng cho phát điện ở quy mô hợp lý; thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Đồng thời, triển khai tích cực, hiệu quả các nội dung của Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP); tận dụng tối đa hỗ trợ quốc tế trong chuyển giao công nghệ, quản trị, đào tạo, nhân lực, cung cấp tài chính. Xây dựng các chính sách về cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu nhằm khuyến khích đầu tư các nguồn NLTT và phát triển thị trường điện. Bên cạnh đó là triển khai thị trường các-bon theo lộ trình.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương nhận định: Qua 4 năm triển khai Nghị quyết số 55, công tác thể chế hóa đã được quan tâm và tạo dựng được hành lang pháp lý tương đối đầy đủ về phát triển năng lượng, chuyển dịch năng lượng. Tuy nhiên, vẫn còn một số luật, Đề án, chương trình quan trọng còn chậm xây dựng và cần Chính phủ quan tâm, thúc đẩy thực hiện sớm hơn.

Theo ông Trung, chuyển dịch năng lượng có vai trò quan trọng với chuyển đổi xanh và tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực liên quan đến sử dụng năng lượng, có các yếu tố môi trường và xã hội. Năng lượng đóng vai trò quan trọng hàng đầu và được xem như huyết mạch của nền kinh tế. Vì vậy, chuyển đổi năng lượng có tác động trực tiếp đến hoạt động chuyển đổi xanh của nền kinh tế, trước hết là các ngành: Giao thông vận tải, xây dựng, phát triển đô thị, thông tin truyền thông, công nghiệp, công nghệ số, nông lâm ngư nghiệp theo hướng giảm tiêu thụ năng lượng và sử dụng năng lượng sạch. Để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng gắn với chuyển đổi xanh, các ngành cần quan tâm các vấn đề về an toàn môi trường, tập trung xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kiểm kê khí nhà kính, triển khai thị trường các-bon, áp dụng cơ chế chính sách thuế các-bon cùng cơ chế chính sách chuyển dịch lao động, chuyển đổi cơ cấu việc làm và các vấn đề xã hội liên quan. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước bền vững, bao trùm.

Số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia cho thấy, đến hết tháng 6/2024, tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống là gần 85.000 MW, sản lượng điện đạt gần 314 GWh. Riêng điện gió và điện mặt trời hiện chiếm 27% công suất lắp đặt (gần 23.000 MW) và 12% sản lượng (hơn 38 GWh).

Dự kiến năm 2025, những nguồn điện mới bao gồm thủy điện (bao gồm thủy điện nhỏ), điện mặt trời mái nhà, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) , tăng nhập khẩu điện từ Lào với tổng công suất tăng trưởng khoảng 4.000 MW. Nhiệt điện than và điện khí sẽ không có nguồn mới. Nguồn LNG được xác định là nguồn năng lượng chuyển tiếp quan trọng và đến năm 2030 dự kiến sẽ đạt 22.524 MW – xấp xỉ 15% tổng công suất nguồn điện, 32% công suất tăng thêm trong thời gian từ nay đến năm 2030. Vấn đề hiện nay là cần có cơ chế để cung cấp LNG cho nhà máy phát điện, bao gồm cả các nhà máy nhiệt điện than có nhu cầu chuyển đổi.

Điện gió và điện mặt trời hiện chiếm 27% công suất lắp đặt toàn hệ thống

Cơ cấu nguồn điện hợp lý đến năm 2030 của Việt Nam đã được xác định dựa trên 6 tiêu chí, cụ thể: Đảm bảo cung ứng điện, tính khả thi về tiến độ, phân bổ vị trí địa lý, tính kinh tế, tính khả thi về kỹ thuật và chuyển đổi năng lượng công bằng. Trong đó, tiêu chí chuyển đổi năng lượng công bằng bao gồm mục tiêu năng lượng tái tạo sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9 – 39,2% vào năm 2030, hướng tới mức 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố JETP được thực hiện đầy đủ. Mặt khác, kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204 – 254 triệu tấn vào năm 2030, hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố JETP được thực hiện đầy đủ.

Theo Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), Việt Nam đã có các kịch bản chuyển đổi cho nhà máy nhiệt điện than hiện hữu, bằng cách chuyển đổi từ than sang các dạng năng lượng xanh hoặc chuyển đổi trở thành nhà máy lưu trữ, bù trừ công suất, nhà máy điện linh hoạt, điện hạt nhân... Những nhà máy điện than cũ, kém hiệu quả sẽ dừng hoạt động. Một số nhà máy nhiệt điện than lớn như Phả Lại, Cao Ngạn và Vân Phong đã được hỗ trợ nghiên cứu, đề xuất lộ trình chuyển đổi khả thi. Các giải pháp đồng đốt sinh khối, chuyển đổi sang điện khí LNG và tích hợp các nguồn tài nguyên tái tạo đã được đánh giá cùng với các công nghệ tiên tiến như Hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS) và thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS).

Chuyến tàu LNG đầu tiên cập bến cảng, cung cấp 67.000 tấn LNG phục vụ quá trình chạy thử, vận hành Kho cảng LNG Thị Vải năm 2023

Tăng nhu cầu sử dụng năng lượng sạch

Cùng với chuyển dịch cơ cấu nguồn điện, các ngành sử dụng năng lượng cũng đang tích cực thực hiện các bước chuyển dịch năng lượng để phù hợp với mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT), sau hai năm thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí mê tan trong ngành GTVT của Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng được tuyến đường sắt đô thị, triển khai hàng trăm xe buýt điện, hàng chục nghìn ô tô điện đang vận hành. Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra lộ trình và bước đầu triển khai xanh hóa hệ thống giao thông công cộng.

Mức tiêu thụ năng lượng trong ngành GTVT đứng vị trí thứ 2, chỉ xếp sau công nghiệp và hơn 95% nhu cầu năng lượng đang phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Do vậy, ưu tiên của ngành hiện nay là thúc đẩy phương tiên giao thông sử dụng năng lượng điện, đầu tư vào lĩnh vực đường sắt đô thị. Đến nay, hệ thống tàu điện đô thị đang từng bước hoàn thiện, trong khi phương tiện giao thông điện bắt đầu tạo dựng thị trường ổn định trong nước. Trong tương lai, hệ thống đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ triển khai vào năm 2026 – 2027.

Theo GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng ĐH Bách khoa Hà Nội, trong tất cả các kịch bản giảm phát thải dự kiến cho giao thông vận tải, điện đều được sử dụng trong lĩnh vực đường bộ. Từ năm 2035, dự kiến sẽ có thêm nhiều loại năng lượng xanh khác như methanol, hydrogen, SAF và amoniac. Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đưa ra giải pháp giảm phát thải của giao thông vận tải chiếm tới 37% tổng số các giải pháp đối với phía sử dụng năng lượng. Điều này chứng minh, hoạt động chuyển đổi năng lượng của ngành có tác động quan trọng tới nhu cầu sử dụng năng lượng hóa thạch của đất nước nói chung.

Tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội chính thức khai thác thương mại từ ngày 8/8/2024

Trong các ngành công nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển dịch năng lượng nhờ những lợi ích về kinh tế và đáp ứng yêu cầu thị trường ngày càng yêu cầu cao đối với sản phẩm xanh. Ví dụ điển hình tại Nhà máy sản xuất thép của Tập đoàn Hòa Phát tại Dung Quất (Quảng Ngãi) đã đầu tư hệ thống thu hồi nhiệt lượng trong quá trình luyện thép và hình thành nguồn năng lượng tự cung tự cấp, đáp ứng khoảng 80% phụ tải tại chỗ cho hoạt động vận hành của nhà máy. Hay trường hợp Công ty Sữa Vinamilk, ngoài bỏ vốn đầu tư nguồn điện quy mô lớn từ năng lượng mặt trời, gió, công ty còn áp dụng tự động hóa, thay thế hệ thống xe nâng hàng bằng hệ thống robot, giúp giảm 60% lượng khí thải trong vận hành. Công ty còn tận dụng nguồn phế thải từ chăn nuôi làm biogas để cung cấp nhiệt cho quá trình sấy cỏ hoặc làm lạnh, tạo thành một chu trình tuần hoàn khép kín, giúp giảm tiêu thụ năng lượng cũng như giảm thiểu phát thải ra môi trường. Có nhiều giải pháp để tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng, ví dụ như năng lượng mặt trời giúp giảm chi phí điện năng khoảng 30% so với nguồn điện thông thường, giải pháp hệ thống làm mát tập trung giảm tiêu thụ năng lượng giúp giảm chi phí 30%...

Tại mỗi khâu, mỗi giải pháp khi kết hợp đồng bộ, tổng thể sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được đáng kể chi phí và vốn đầu tư.Trong thời gian tới, các cơ sở phát thải lớn sẽ phải đáp ứng yêu cầu kiểm kê khí nhà kính và triển khai thực hiện các giải pháp giảm phát thải cụ thể, thực chất. Nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng xanh, có phát thải thấp chắc chắn sẽ tăng lên bởi đây là nguồn gây phát thải chủ yếu của của hầu hết doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là liệu cơ chế, chính sách có theo kịp để trở thành bệ đỡ cho các nguồn năng lượng tái tạo phát triển đảm bảo nhu cầu thực tiễn?

Nguồn: MONRE

Tác giả: Khánh Ly/MONRE