Áp lực cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Quản trị viên 06/08/2024 Khối môi trường

Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, thế giới tiếp tục ghi nhận ngày 22/7 vừa qua là ngày nóng nhất từ trước đến nay. Đây được cho là kỷ lục toàn cầu mới về nhiệt độ trung bình cao nhất từ trước đến nay. Việc thế giới chứng kiến nền nhiệt liên tục tăng kỷ lục cho thấy tác động nặng nề của biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống con người và đòi hỏi hành động khẩn cấp để ngăn chặn tình hình ngày càng xấu đi.

Hồ chứa San Rafael ở La Calera, Colombia trơ đáy, nứt nẻ do hạn hán khắc nghiệt, ngày 8/4/2024. (Ảnh: REUTERS)

Nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu đã tăng lên 17,15 độ C. Đáng chú ý, kỷ lục này được thiết lập khi thế giới đang ở trong vùng trung lập và không còn chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino, khác với năm 2023 khi những kỷ lục về nóng nhất ghi nhận kèm hiện tượng khí hậu El Nino.

Các đợt nắng nóng đã thiêu đốt nhiều vùng rộng lớn ở Bắc Mỹ, châu Âu và Nga. Một đợt sóng nhiệt dữ dội đã bao trùm miền Tây nước Mỹ, “xô đổ” các kỷ lục về nhiệt độ trước đây và đe dọa sức khỏe cũng như tính mạng của người dân.

Theo Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS), khoảng 162 triệu người, tương đương gần một nửa dân số nước này, sống ở những khu vực có cảnh báo nắng nóng. Nóng bức cộng với điều kiện thời tiết hanh khô đã tạo điều kiện cho các đám cháy rừng bùng phát mạnh mẽ ở bang California.

Trong khi đó, miền Tây Canada cũng đối mặt với nắng nóng cực độ, làm tăng nguy cơ cháy rừng tại các tỉnh British Columbia, Alberta và Saskatchewan. Các thành phố ở Nhật Bản, Indonesia và Trung Quốc những ngày gần đây đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục. Các nước vùng Vịnh cũng phải chịu nắng nóng do chỉ số nhiệt - bao gồm cả độ ẩm - vượt quá 60 độ C.

Trong khi đó, nhiệt độ ở nhiều nơi tại châu Âu đã tăng quá 45 độ C. Kể từ tháng 6/2023, đã 13 tháng liên tiếp nhiệt độ trung bình hằng tháng đều được ghi nhận là cao nhất lịch sử. Một số nhà khoa học cho rằng, năm 2024 có thể vượt qua năm 2023 trở thành năm nóng nhất kể từ khi các dữ liệu được ghi chép đến nay do tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết El Nino vốn kết thúc vào tháng 4 năm nay đã đẩy nhiệt độ tăng cao chưa từng thấy trong năm 2024.

Tình trạng biến đổi khí hậu gây ra nhiều hệ lụy. Kể từ đầu năm đến nay đã xảy ra hàng loạt thảm họa tại nhiều châu lục, từ lũ lụt, lở đất cho đến nắng nóng và cháy rừng. Tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) vào cuối năm 2023, gần 200 quốc gia đã nhất trí lập một quỹ có chức năng phân phối viện trợ cho các nước đang phát triển nhằm tái thiết sau thảm họa khí hậu.

Thời khắc lịch sử đó đã mở đường cho những cuộc đàm phán phức tạp nhằm hoàn thiện thiết kế Quỹ Tổn thất và Thiệt hại, song một số quốc gia lo ngại việc giải ngân nguồn tiền trong quỹ này sẽ không thể đáp ứng kịp tốc độ hoặc số tiền viện trợ quá nhỏ so với số lượng các thảm họa thời tiết khắc nghiệt đang ngày càng tăng.

Có nhiều quan ngại về việc quỹ này khó có thể phê duyệt viện trợ thích ứng với khí hậu cho tới năm 2025. Các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu vừa cảnh báo không thể chờ thêm một năm nữa để có thể nhận được khoản viện trợ mà họ trông ngóng từ lâu, giúp phục hồi sau các thảm họa khi lũ lụt và bão mạnh tàn phá khắp thế giới. Các quốc gia đang phát triển cần các khoản đầu tư lớn vào hệ thống năng lượng để giảm lượng khí thải các-bon do hoạt động trong nước, đồng thời tăng cường khả năng phòng vệ trước tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Theo thống kê, đến nay, các quốc gia giàu có đã cam kết đóng góp khoảng 661 triệu USD vào Quỹ Tổn thất và Thiệt hại, trong khi một số chuyên gia ước tính các nước đang phát triển cần hơn 400 tỷ USD hằng năm để tái thiết sau các thảm họa khí hậu.

Một nghiên cứu khác ước tính, chi phí tái thiết như vậy trên toàn cầu sẽ ở mức từ 290 tỷ USD - 580 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 và sẽ tăng lên trong những năm tiếp theo. Do đó, số tiền cam kết đóng cho quỹ chỉ như “muối bỏ bể” trong bối cảnh các nước nghèo thiếu nguồn lực cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, các nước giàu cũng chịu áp lực phải cam kết những mục tiêu tài chính mới vượt xa mức 100 tỷ USD/năm mà họ đã nhất trí vào năm 2009. Theo đánh giá của các chuyên gia, các quốc gia đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ cần tăng ngân sách đầu tư khí hậu gấp 25 lần so với hiện tại, lên khoảng 2.400 tỷ USD/năm vào năm 2030.

Hội nghị COP29 vào tháng 11 tới được kỳ vọng sẽ nhất trí về một thỏa thuận toàn cầu về việc các quốc gia giàu có hỗ trợ các khoản đầu tư về khí hậu ở các nước đang phát triển, tuy nhiên các cuộc đàm phán tới nay vẫn đình trệ. Với tư cách nước chủ nhà COP29, Azerbaijan đã kêu gọi các chính phủ thỏa hiệp nhằm giúp các nước nghèo hơn ứng phó tình trạng nóng lên toàn cầu.

Theo kế hoạch, Azerbaijan tổ chức một cuộc họp không chính thức của các nhà đàm phán và các nhà đàm phán đứng trước áp lực phải đạt được những tiến bộ cần thiết. Cảnh báo thời gian không còn nhiều trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev cho rằng, việc phá vỡ thế bế tắc hiện nay không thể được giải quyết chỉ thông qua đàm phán mà kêu gọi sự vào cuộc của các nhà lãnh đạo, ý chí chính trị của các nước nhằm đạt được sự đồng thuận trong vấn đề có ý nghĩa “sống còn” này./.

Nguồn: Nhân Dân

Tác giả: Hà Anh/Nhân Dân