Ngành khai thác mỏ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách cung cấp các nguyên liệu thô thiết yếu. Tác động của ngành công nghiệp này rất đa dạng, từ môi trường và cộng đồng địa phương đến các nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tác động kinh tế của hoạt động khai thác mỏ. Magnifical Productions / Shutterstock.com
Nền tảng của nền kinh tế địa phương
Cơ hội việc làm trực tiếp
Hoạt động khai thác mỏ thường đóng vai trò là xương sống kinh tế của nhiều cộng đồng địa phương, đặc biệt là ở các vùng xa xôi hoặc kém phát triển. Dòng chảy của các hoạt động khai khoáng tạo ra thu nhập ổn định và mang đến cơ hội kinh doanh, thúc đẩy sự thịnh vượng của địa phương.
Lấy ví dụ, mỏ palađi Suhanko ở Phần Lan dự kiến tuyển dụng 400 lao động. Tuy nhiên, thông qua hoạt động mua sắm tại địa phương và tiền lương luân chuyển trong nền kinh tế khu vực, ước tính mỏ này có thể tạo hơn 1.000 việc làm bổ sung trong vài năm tới, cho thấy hiệu ứng cấp số nhân đáng kể đối với các cộng đồng phụ thuộc vào tài nguyên ở vùng sâu vùng xa.
Tương tự, việc khởi động lại mỏ sắt ở Kolari, Phần Lan, dự tính sẽ tạo ra 500 việc làm trong quá trình xây dựng và 300 việc làm trong quá trình sản xuất, đồng thời đóng góp 1,5 tỷ euro thu nhập thuế cho khu vực.
Phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương
Ngành khai thác mỏ cũng thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, mang lại lợi ích cho các ngành công nghiệp khác đồng thời cải thiện mức sống dân cư. Việc xây dựng đường sá, bến cảng, sân bay và trường học xung quanh các khu khai thác mỏ sẽ giúp các khu định cư biệt lập hội nhập tốt hơn vào hệ thống kinh tế và xã hội.
Cuối thế kỷ 19, cơn sốt vàng nổ ra đã biến thành phố Kalgoorlie-Boulder ở bang Tây Úc từ một khu vực dân cư thưa thớt trở thành một thành phố thịnh vượng. Hoạt động khai thác mỏ đã thúc đẩy tăng trưởng của khu vực này, tạo ra việc làm, kích thích các ngành công nghiệp hỗ trợ và tài trợ cho cơ sở hạ tầng quan trọng như bệnh viện, trường học và mạng lưới giao thông.
Quan tâm đến các vấn đề môi trường và xã hội
Bên cạnh lợi ích kinh tế mang lại, hoạt động khai thác mỏ cũng tác động đến môi trường tự nhiên và động lực xã hội của địa phương.
Các hoạt động như chế biến khoáng sản, vận chuyển và xử lý chất thải gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái xung quanh, thể hiện ở tình trạng suy thoái đất, mất môi trường sống, ô nhiễm nước và không khí. Các cộng đồng gần những địa điểm này có thể gặp các vấn đề về sức khỏe do tiếp xúc với chất gây ô nhiễm, tiếng ồn và nhiễu rung động.
Việc tái định cư không tự nguyện có thể xảy ra khi hoạt động khai thác lấn sang khu vực đông dân cư, dẫn đến sự di dời của cộng đồng. Điều này thường dẫn đến xung đột và căng thẳng xã hội nếu các cộng đồng bị ảnh hưởng không được tư vấn đầy đủ, đền bù hoặc tạo việc làm thay thế để duy trì cuộc sống. Lấy ví dụ, theo Tập bản đồ Công lý Môi trường Toàn cầu (EJAtlas), một nền tảng tương tác trực tuyến ghi lại và lập danh mục các xung đột xã hội xung quanh các vấn đề môi trường, 592 trong số 2.922 cuộc xung đột môi trường toàn cầu có liên quan đến lĩnh vực quặng khoáng sản và khai thác xây dựng.
Tuy nhiên, ngành khai thác mỏ đã có sự chuyển đổi tích cực với sự xuất hiện của các mô hình khai thác bền vững và tập trung vào cộng đồng nhằm cân bằng những sự đánh đổi này.
Chẳng hạn như, chính quyền Quốc gia Đầu tiên Fort McKay (FMFN), ở đông bắc Alberta, Canada, điều hành năm khu bảo tồn của người da đỏ, đã tích cực tham gia vào các quá trình ra quyết định liên quan đến hoạt động khai thác mỏ diễn ra trong khu vực, từ đó đạt thỏa thuận đồng quản lý với các công ty khai thác mỏ địa phương. Điều này đảm bảo rằng các mối quan tâm về văn hóa và môi trường được giải quyết trong khi mang lại các cơ hội kinh tế và đạt được thỏa thuận đền bù cho cộng đồng địa phương.
Tác động kinh tế toàn cầu
Ngành khai thác mỏ có vai trò then chốt đối với nền kinh tế toàn cầu, cung cấp nguyên liệu thô thiết yếu cho công nghệ, xây dựng, y học và các ngành công nghiệp khác.
Nhu cầu toàn cầu đối với các nguồn tài nguyên này ngày càng tăng mạnh, được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của các nền kinh tế mới nổi và quá trình chuyển đổi sang một tương lai có lượng phát thải carbon thấp. Trong thời gian tới, sự gia tăng áp dụng các công nghệ năng lượng xanh, chẳng hạn như các tấm pin mặt trời và tuabin gió, dự đoán sẽ thúc đẩy nhu cầu đáng kể đối với các khoáng sản và kim loại như nhôm, đồng, lithium và các nguyên tố đất hiếm.
Tầm quan trọng của xuất khẩu khoáng sản đối với các nước đang phát triển
Đóng góp của ngành khai thác mỏ vào thương mại toàn cầu cũng rất đáng kể, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển giàu tài nguyên. Nhiều quốc gia trong số này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu khoáng sản, chiếm 10-20% GDP và 50% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Lấy ví dụ, ở 15 quốc gia giàu khoáng sản hàng đầu châu Phi cận Sahara, khai thác mỏ đóng góp 8% doanh thu của chính phủ, với doanh thu từ đồng và các kim loại chế biến pin khác đạt 20 tỷ USD vào năm 2020.
Theo dự báo của McKinsey, công ty tư vấn quản trị toàn cầu, chuyên nghiên cứu chiến lược cho các tập đoàn, chính phủ và các tổ chức đa quốc gia, đến năm 2030, châu Phi có thể tạo thêm doanh thu hàng năm từ 200 triệu đến 2 tỷ USD và 3,8 triệu việc làm thông qua việc thúc đẩy một lĩnh vực sản xuất carbon thấp, có khả năng cạnh tranh.
Động lực thương mại khoáng sản toàn cầu
Tuy nhiên, chuỗi cung ứng khoáng sản toàn cầu không chỉ phụ thuộc vào các quốc gia giàu tài nguyên. Mặc dù châu Phi nắm giữ một phần đáng kể sản lượng và trữ lượng khoáng sản tự nhiên trên thế giới, bao gồm hơn 50% mangan và coban, hơn 20% nhôm và đồng, nhưng khoáng sản của lục địa này chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng thô và tinh luyện ở nước ngoài. Trung Quốc thống trị quá trình này, kiểm soát 85% công suất chế biến toàn cầu và 60% sản lượng trên toàn thế giới về các khoáng sản quan trọng.
Biến động giá cả hàng hóa và tác động toàn cầu
Sự hội nhập toàn cầu mà ngành khai thác mỏ mang lại đi kèm với các yếu tố dễ tổn thương. Biến động giá cả hàng hóa đe dọa sự ổn định ở các nước sản xuất phụ thuộc vào xuất khẩu và có thể gây ra hậu quả kinh tế toàn cầu sâu rộng.
Lấy ví dụ, giá khoáng sản quan trọng đã tăng đột biến và biến động gia tăng trong những năm gần đây, với giá lithium, coban và niken tăng lần lượt là 738%, 156% và 94% trong khoảng thời gian từ tháng 1/2021 đến tháng 3/2022.
Những biến động này làm dấy lên lo ngại về tác động của chúng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu, chẳng hạn như sự đảo ngược xu hướng giảm chi phí dài hạn trong năm 2021 khi giá tua-bin gió và tấm pin mặt trời tăng lần lượt là 9% và 16%.
Xu hướng và công nghệ trong tương lai
Danh mục hàng hóa thay đổi
Ngành khai khoáng đang đa dạng hóa danh mục hàng hóa của mình, với các nhà sản xuất than trong số 40 công ty khai khoáng hàng đầu giảm từ gần một nửa trong năm 2012 xuống chỉ còn một phần tư vào năm 2022.
Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi những lo ngại về biến đổi khí hậu và nhu cầu ngày càng tăng đối với các khoáng sản quan trọng cho các ứng dụng năng lượng sạch, bao gồm lithium, coban và các nguyên tố đất hiếm khác dùng để chế tạo tấm pin mặt trời, tuabin gió và xe điện.
Điện khí hóa mỏ
Xu hướng công nghệ hàng đầu trong khai thác mỏ là điện khí hóa các hoạt động, theo đó các nhà chế tạo và công ty phát triển xe tải và máy móc với các phiên bản hybrid hoặc hoàn toàn bằng điện. Quá trình chuyển đổi này giúp giảm bớt yêu cầu bảo trì, lượng khí thải và độ ồn so với động cơ đốt trong.
Lấy ví dụ về Mỏ Borden của công ty sản xuất vàng Goldcorp ở Canada, sau khi thực hiện điện khí hóa hoàn toàn đối với hoạt động khai thác hầm lò, ước tính giảm được 70% lượng khí thải nhà kính và tiết kiệm 9 triệu đô la Canada chi phí vận hành mỗi năm.
Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo
Việc ngành khai thác mỏ tăng cường áp dụng năng lượng tái tạo là một bước phát triển đáng chú ý nhằm giảm lượng khí thải carbon. Các hệ thống sử dụng kết hợp diesel - năng lượng tái tạo và các giải pháp năng lượng tái tạo độc lập đang được triển khai tại các địa điểm khai thác có lưới điện và không có lưới điện, góp phần giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tác động đến môi trường.
Ở Chile, khai thác đồng là một ngành công nghiệp lớn, đòi hỏi năng lượng đáng kể. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu cho ngành điện nên giá điện ở nước này rất cao, lên tới 100 USD/megawatt giờ. Tuy nhiên, nhận thấy nguồn tài nguyên tái tạo dồi dào của khu vực, chính phủ Chile đã bán đấu giá 1.200 GWh cho các dự án điện gió và mặt trời, với mức giá cạnh tranh hơn các nhà máy than và giảm đáng kể sự phụ thuộc của nước này vào nhiên liệu hóa thạch.
Kết hợp tự động hóa
Tích hợp tự động hóa và robot trong các hoạt động khai thác mỏ, chẳng hạn như xe tải và hệ thống khoan tự hành, đã góp phần nâng cao năng suất và an toàn mỏ đồng thời giảm chi phí sử dụng nhiên liệu và bảo trì.
Lấy ví dụ, việc tích hợp bảo trì dự đoán dựa trên IoT của Tập đoàn khai khoáng lớn thứ hai thế giới Rio Tinto cho đội xe gồm 900 xe tải khai thác tự hành đã giảm đáng kể thời gian ngừng hoạt động ngoài kế hoạch, tiết kiệm được 2 triệu đô la Mỹ mỗi ngày.
Kết luận
Ngành khai thác mỏ có tác động sâu sắc và nhiều mặt đến nền kinh tế toàn cầu. Đây là nền tảng cho nhiều cộng đồng địa phương trong khi sản xuất nhiều loại hàng hóa và công nghệ thiết yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này cũng phải đối mặt với thách thức cân bằng giữa lợi ích kinh tế với các mối quan tâm về môi trường và xã hội.
Khi thế giới chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững, ngành khai thác mỏ cần áp dụng các công nghệ và thực hành đổi mới để giảm thiểu tác động môi trường trong khi tối đa hóa đóng góp kinh tế.
Thông qua những nỗ lực hợp tác giữa các công ty khai thác mỏ, chính phủ, cộng đồng địa phương và các bên liên quan, ngành công nghiệp khai thác mỏ sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi ưu tiên các vấn đề bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội./.
Tác giả: Đỗ Thanh Hương (AZO Mining)