Việt Nam chủ động, tích cực triển khai Tuyên bố JETP

Quản trị viên 16/07/2024 Khối môi trường

Trong năm 2024, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan đã và đang xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá, giám sát thực hiện Tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), khung hành động chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi và đề xuất các dự án ưu tiên thực hiện JETP 2024.

Xác định các yêu cầu và cơ hội đầu tư

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Ngay sau Hội nghị, Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) đã khởi động đàm phán Tuyên bố JETP và thông qua vào ngày 14/12/2022, nhân chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Vương quốc Bỉ. Việt Nam là nước thứ 3, sau Nam Phi và Indonessia thông qua JETP. Đến thời điểm hiện nay có thêm Senegal tham gia đàm phán JETP.

Theo Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Phạm Văn Tấn, chuyển đổi năng lượng công bằng (JET) là một phần của xu thế toàn cầu thực hiện chuyển đổi công bằng (JT). Các quốc gia đã thống nhất chủ trương tại Hội nghị COP27, COP28 và sẽ tiếp tục thảo luận tích cực nội dung này tại COP29 năm nay.

Tuyên bố JETP nhằm Hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi các-bon thấp và chống chịu với biến đổi khí hậu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công bằng và phi các-bon hóa hệ thống điện, đồng thời phát triển các cơ hội kinh tế mới để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hướng tới tương lai phát thải ròng bằng “0”. Theo đó, IPG sẽ huy động số tiền ban đầu ít nhất là 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để giải quyết nhu cầu chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam nhưng vẫn trong khung nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.

Ông Tấn cho biết, lượng tài chính huy động có vẻ nhỏ so với tổng nhu cầu tài chính lên tới hàng trăm tỷ đô la của ngành điện. Tuy nhiên, đây là nguồn vốn ban đầu quan trọng để khơi thông, huy động nguồn lực của toàn xã hội, của khu vực tư nhân cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Nếu có cơ chế tốt, nhu cầu tài chính hoàn toàn có thể đáp ứng được.

Để biến cam kết quốc tế trở thành quy định cụ thể, Ban Thư ký JETP được thành lập tại Quyết định số 845/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, là tổ công tác giúp việc Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo COP26 trong điều phối giải quyết những công việc liên quan đến Tuyên bố JETP, đồng thời phối hợp với IPG trong triển khai thực hiện Tuyên bố JETP. Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố JETP. HIện có 4 nhóm công tác: Nhóm tổng hợp, Nhóm Công nghệ và Năng lượng, Nhóm Tài chính, Nhóm Thể chế Chính sách và Đầu tư, do 4 bộ chủ chốt thực hiện JETP làm trưởng nhóm và hàng trăm thành viên.

Tháng 12/2023, Việt Nam và IPG công bố Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) thực hiện JETP tại Hội nghị COP28. Mục tiêu nhằm xác định các yêu cầu và cơ hội đầu tư để phát triển năng lượng gió, mặt trời, truyền tải, hiệu suất điện, ác quy lưu trữ, xe điện, đào tạo, tái đào tạo và hỗ trợ việc làm, và các biện pháp khác để đẩy mạnh sự hỗ trợ và vượt qua những rào cản đầu tư nhằm đạt được chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam. Đồng thời, đàm phán việc tạm dừng đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than tại khu vực thích hợp và đàm phán đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than cũ, kém hiệu quả mà chưa có các giải pháp giảm phát thải hiệu quả.

Về kế hoạch tài chính cụ thể, các đối tác quốc tế cam kết hỗ trợ 7,75 tỷ USD nguồn tài chính công, thông qua hỗ trợ kỹ thuật hoặc hỗ trợ vốn, nguồn tài chính ưu đãi sẽ có lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường, và các khoản vay, bảo lãnh, góp vốn chủ sở hữu căn cứ theo định giá dựa trên rủi ro.

Bên cạnh đó, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (GFANZ) cam kết hỗ trợ ít nhất 7,75 tỷ USD nguồn tài chính tư nhân. Nguồn tài chính này phụ thuộc vào khả năng huy động từ các nguồn tài chính công mang tính xúc tác, từ những cải thiện khung pháp lý, và mức độ sẵn sàng của các dự án khả thi về tài chính. Riêng với các dự án tham gia JETP, các ngân hàng trong khối GFANZ đã khẳng định đây là ưu tiên của Việt Nam nên phần vay thương mại sẽ có thêm mức bảo đảm cho ngân hàng đầu tư. Do có tính bảo đảm, tính đi trước thời đại, hướng tới phát thải ròng bằng 0 nên điều kiện vay và lãi suất với các dự án này cũng sẽ có ưu đãi riêng.

Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP xác định các yêu cầu và cơ hội đầu tư để phát triển năng lượng tái tạo

Những dự án ưu tiên

Theo Phó Cục trưởng Phạm Văn Tấn, trong năm 2024, các nhóm công tác đã thực hiện nhiều phần việc quan trọng. Đầu tiên là xây dựng Khung giám sát, đánh giá thực hiện Tuyên bố JETP. Vì JETP liên quan đến nỗ lực tài chính, nỗ lực cải cách chính sách, vận hành chung nên cần phải lượng hóa thành các bước nhỏ hơn để thực hiện. Trong đó bao gồm bộ chỉ tiêu cụ thể thu thập thông tin để xây dựng báo cáo định kỳ, đột xuất việc thực hiện JETP của các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan; và để phục vụ đối thoại giữa các bên tham gia triển khai thực hiện JETP.

Khung chính sách thực hiện JETP cũng đã được xác định. Đây là là các hành động chính sách (văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật, chiến lược, kế hoạch, hành động…) mà phía Việt Nam cần thực hiện thời gian tới nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng. Hiện nay, các Bộ, ngành đã triển khai vào trong kế hoạch xây dựng chính sách, văn bản pháp luật.

Về đề xuất dự án ưu tiên thực hiện JETP 2024, trên cơ sở 218 dự án đầu tư thuộc Kế hoạch huy động nguồn lực, các cơ quan đã xác định 73 dự án đầu tư cần thực hiện ngay. Trong đó, 18 dự án đã được xác định trong các chương trình, đề án, kế hoạch, quy hoạch. “Phía IPG sẵn sàng hỗ trợ thực hiện ngay 7 trong số 18 dự án này” – ông Tấn cho biết.

Việc điều phối hoạt động chung giữa các bên thúc đẩy thực hiện JETP cũng đang được tiến hành. Các bên sẽ báo cáo kết quả thực hiện năm 2024 và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện JETP với các nước.

Theo ông Phạm Văn Tấn, Việt Nam là một trong những nước đi đầu thực hiện JETP, nhưng chúng ta không lẻ loi. Chuyển đổi công bằng là xu hướng chung toàn cầu và trọng tâm là chuyển đổi năng lượng. Sau Hội nghị COP 29 sắp tới, thế giới sẽ nói nhiều hơn về vấn đề này.

“Vì đi đầu nên chúng ta gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục, cơ chế chính sách, cách làm. JETP là vấn đề mới quá nên chính các đối tác quốc tế đã vào cuộc cùng với phía chính phủ Việt Nam, Ban thư ký JETP vừa làm vừa điều chỉnh. Nếu làm tốt việc khơi thông nguồn lực thì nguồn tài chính cho chuyển đổi năng lượng sẽ sẵn sàng” - ông Tấn chia sẻ và nhấn mạnh, Chính phủ tích cực, chủ động thực hiện JETP chính là đang triển khai Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Dù đi sau một chút so với Nam Phi và Indonessia nhưng Việt Nam đang có những bước đi đúng hướng.

 

7 Dự án IPG bày tỏ quan tâm sẵn sàng đầu tư gồm: Dự án Tăng cường hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo (REACH); Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Trị An; Dự án thủy điện tích năng Bác Ái; Dự án hệ thống lưu trữ năng lượng dưới dạng pin (BESS) thí điểm (50MW/50MWh cho dịch vụ phụ trợ); Dự án BESS thí điểm 7MW/7MWh được tích hợp vào trang trại năng lượng mặt trời 50 MW và dự án BESS 105MW/105MWh được tích hợp vào trang trại năng lượng mặt trời 400 MW; Dự án điện gió Trà Vinh; Dự án xây dựng trạm biến áp 500kV Bình Dương 1, Trạm biến áp 500kV Đồng Nai 2, Đường dây 500kV Bình Dương 1 – Sông Mây Tân Định.

Nguồn: MONRE

Tác giả: Khánh Ly/MONRE (lược ghi tại Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới NetZero)