Đề xuất khoáng sản chiến lược, quan trọng cho Việt Nam

Quản trị viên 01/07/2024 Khối địa chất

Tại dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản đang trình Quốc hội cho ý kiến, có một điểm mới là quy định về “Khoáng sản chiến lược, quan trọng là khoáng sản thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước”. Hiện Cục Khoáng sản Việt Nam vừa phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam lập báo cáo về việc hoàn thiện danh mục này.

Tham khảo kinh nghiệm của một số nước

Để đề xuất danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng cho Việt Nam, Cục Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Việt Nam đã tham khảo danh mục khoáng sản thiết yếu của một số nước.

Tại Mỹ, các khoáng sản thiết yếu bao gồm 50 loại khoáng sản sau: Nhôm, antimon, asen, barit, berili, bismuth, xeri, Caesium , crom, coban, dysprosium, erbium, europium, fluorit, gadolinium, gallium, germanium, than chì, hafnium, holmium, indium, iridium, lanthanum, lithium, lutetium, magiê, mangan, neodymium, niken, niobium, palladium, bạch kim, praseodymium, rhodium, rubidium, ruthenium, samarium, scandium, tantalum, Tellurium, terbium, thulium, thiếc, titan, vonfram, vanadi, ytterbium, yttri, kẽm và zirconi.

Tại Úc, khái niệm về khoáng sản thiết yếu, đây là một nguyên tố kim loại hoặc phi kim loại có hai đặc điểm: Cần thiết cho hoạt động của công nghệ hiện đại, nền kinh tế hiện đại hoặc an ninh quốc gia hiện đại và chuỗi cung ứng các khoáng sản thiết yếu đó có thể có nguy cơ bị gián đoạn; được sử dụng để sản xuất các công nghệ tiên tiến bao gồm điện thoại di động, máy tính, cáp quang, chất bán dẫn, tiền giấy và các ứng dụng quốc phòng, hàng không vũ trụ và y tế. Nhiều loại được sử dụng trong các công nghệ phát thải thấp như xe điện, tua-bin gió, tấm pin mặt trời và pin sạc. Một số cũng rất quan trọng đối với các sản phẩm thông thường như thép không gỉ và thiết bị điện tử.

Rủi ro đối với chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu có thể xảy ra khi hoạt động sản xuất hoặc chế biến khoáng sản bị chi phối bởi từng quốc gia hoặc công ty riêng lẻ, điều này có thể hạn chế nguồn cung cấp. Các rủi ro khác bao gồm sự non nớt của thị trường, các quyết định chính trị, bất ổn xã hội, thiên tai, tai nạn hầm mỏ, khan hiếm địa chất, đại dịch và chiến tranh.

Nhu cầu toàn cầu đối với đất hiếm ngày càng tăng. Ảnh: Wang chun lyg / Imaginechina / Imaginechina via AFP

Theo ông Trần Phương - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, khoáng sản thiết yếu là nguyên tố kim loại hoặc phi kim cần thiết cho công nghệ hiện đại, nền kinh tế hoặc an ninh quốc gia và khiến chuỗi cung ứng có nguy cơ bị gián đoạn. Mỗi quốc gia xây dựng danh sách khoáng sản thiết yếu của nước mình dựa trên tầm quan trọng tương đối của các khoáng sản cụ thể đối với nhu cầu công nghiệp nước họ và đánh giá chiến lược về rủi ro cung cấp. Ngoài ra, các đánh giá về mức độ quan trọng của khoáng sản phản ánh các điều kiện thị trường và chính trị tại một thời điểm cụ thể và có thể thay đổi.

Tính đến tháng 2/2024, Chính phủ Úc đã xem có 31 mặt hàng tài nguyên là khoáng sản thiết yếu và đã được lựa chọn bằng cách đánh giá tiềm năng và tiềm năng địa chất của Úc với nhu cầu công nghệ toàn cầu, đặc biệt là của các quốc gia đối tác như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Vương quốc Anh.

Một đại diện của Cục Địa chất Việt Nam cho rằng việc lập danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới. Các nước đều có phương pháp tính, dựa vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế, hiện trạng phát triển tài nguyên, sau đó căn cứ vào những khoáng sản đang có để xác định khoáng sản nào tác động trên thế giới. Chẳng hạn, Đạo luật nguyên liệu thô quan trọng của châu Âu là đáp ứng ít nhất 10% nhu cấu đất hiếm hàng năm của Liên minh châu Âu vào năm 2030…

Cơ sở đề xuất danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng

Theo Phó Cục trưởng Trần Phương, Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 334/QĐ-TTg năm 2023 đặt mục tiêu cân đối giữa khai thác với dự trữ khoáng sản quốc gia đối với một số khoáng sản chiến lược, quan trọng, quy mô lớn làm cơ sở phát triển bền vững kinh tế - xã hội; ưu tiên thăm dò các mỏ quặng ẩn sâu đáp ứng nhu cầu khai thác, chế biến đối với các khoáng sản có quy mô lớn.

Chiến lược chỉ rõ, về định hướng phát triển, sẽ tiếp tục đánh giá tổng thể tiềm năng các khoáng sản chiến lược, quan trọng gồm: Đất hiếm, khoáng sản phóng xạ (urani-thori), kim loại hiếm (liti, berili, coban), kim loại đang thiếu hụt (vàng, thiếc-wolfram, đồng, niken), các khoáng chất công nghiệp, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và các khoáng sản bổ sung thay thế cát, sỏi lòng sông.

Ngoài ra, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định một số mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể trong việc điều tra cơ bản địa chất khoáng sản đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trên cơ sở đó, Cục Khoáng sản Việt Nam đề xuất danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng của Việt Nam là: Đất hiếm, khoáng sản phóng xạ (urani-thori), kim loại hiếm (liti, berili, coban), kim loại đang thiếu hụt (vàng, thiếc-wolfram, đồng, niken), các khoáng chất công nghiệp, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và các khoáng sản bổ sung thay thế cát, sỏi lòng sông.

Theo ông Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, tên gọi phù hợp nhất cho loại khoáng sản được hình thành và quản lý trong các liên minh khoáng sản và chuỗi cung ứng toàn cầu khoáng sản thô thường được gọi là “khoáng sản chiến lược” (strategic minerals) hoặc “khoáng sản quan trọng” (critical minerals).

Cục Khoáng sản Việt Nam đề xuất vàng nằm trong danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng của Việt Nam

Khoáng sản chiến lược là các khoáng sản có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia và sự phát triển kinh tế. Chúng thường được sử dụng trong các ngành công nghiệp then chốt như quốc phòng, năng lượng, công nghệ cao và y tế. Ví dụ điển hình bao gồm uranium, lithium, cobalt, và các nguyên tố đất hiếm.

Khoáng sản quan trọng là những khoáng sản mà sự thiếu hụt hoặc gián đoạn trong chuỗi cung ứng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và các ngành công nghiệp quan trọng. Danh mục này thường được các quốc gia và tổ chức quốc tế xác định dựa trên tầm quan trọng của khoáng sản đối với các ngành công nghiệp chiến lược và khả năng tiếp cận nguồn cung.

Tính chất chung của khoáng sản chiến lược và khoáng sản quan trọng là có giá trị kinh tế cao. Các khoáng sản này thường có giá trị kinh tế lớn và có nhu cầu cao trên toàn cầu. Một điểm chung nữa là khó khăn trong khai thác, chúng thường có trữ lượng hạn chế và khai thác phức tạp, đôi khi tập trung ở một số ít quốc gia. Ngoài ra, khoáng sản chiến lược và khoáng sản quan trọng đều quan trọng cho công nghệ cao. Rất nhiều khoáng sản trong danh mục này là thành phần không thể thiếu trong sản xuất công nghệ cao như pin lithium-ion, chất bán dẫn và năng lượng tái tạo.

“Việc gọi tên các khoáng sản trong bối cảnh liên minh khoáng sản và chuỗi cung ứng toàn cầu là khoáng sản chiến lược hoặc khoáng sản quan trọng là phù hợp nhất, phản ánh đúng vai trò và tầm quan trọng của chúng trong nền kinh tế và an ninh quốc gia”, Cục trưởng Trần Bình Trọng khẳng định.

Theo ông Hoàng Cao Phương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, về pháp lý, khái niệm về khoáng sản chiến lược, quan trọng sẽ lần đầu tiên được Luật hóa và đưa vào quy định cụ thể trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản (hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ).

Về định nghĩa khoáng sản chiến lược, quan trọng, theo dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, đây là khoáng sản thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước. Ông cho rằng khái niệm này cần rà soát vì để đảm bảo việc xác định danh mục khoáng sản đảm bảo đúng 1 trong 2 khái niệm “thiết yếu” hay “phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước” theo dự thảo là rất khó khăn.

Về danh mục, ông Hoàng Cao Phương đề nghị rà soát lại, không đưa khoáng sản làm vật liệu xây dựng và cát, sỏi lòng sông vào danh mục vì phạm vi bao gồm quá nhiều loại khoáng sản, quy mô và số lượng mỏ rất nhiều trên phạm vi cả nước. Ông cũng đề nghị rà soát, bổ sung một số loại khoáng sản có quy mô lớn, chỉ tập trung tại một số địa phương; khoáng sản có tên trong Nghị quyết số 10-NQ/TW như mỏ cromit Cổ Định (Thanh Hóa), mỏ quặng sắt Quý Xa (Lào Cai)…

Đồng thời, danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng nên tập trung các mỏ có quy mô từ trung bình trở lên, mức độ quan trọng có tính lâu dài, bền vững. Việc đưa vào quá nhiều loại/mỏ khoáng sản có thể ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; còn nếu đưa vào ít quá thì khi cần thiết khó có thể áp dụng cơ chế cho nhóm khoáng sản này./.

Nguồn: MONRE

Tác giả: Lan Chi/MONRE