Thực trạng các công ty khai thác khoáng sản kéo dài thời gian đóng cửa mỏ, hoàn nguyên, phục hồi môi trường khi hết thời hạn khai thác khoáng sản là một trong những việc làm gây khó khăn cho địa phương. Nguyên nhân thì nhiều, vậy nguyên chính là do đâu!?
Pháp luật Việt Nam quy định vấn đề hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác là nội dung bắt buộc khi xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án khai thác khoáng sản. Các dự án khai thác khoáng sản thuê đất trong suốt vòng đời và tiến hành hoàn trả lại đất đã hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác khi kết thúc dự án.
Mỏ chưa hoàn nguyên tại huyện Thanh Liêm
Quy định là thế, tuy nhiên nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Hà Nam vẫn còn tình trạng nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản “bỏ quên” trách nhiệm, không tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường, đưa mỏ trở lại trạng thái an toàn nên đã gây nên những tai nạn thương tâm.
Trong khi các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương liên tiếp kiểm tra, ra văn bản nhắc nhở, đôn đốc nhưng một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam vẫn phớt lờ lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, chậm hoàn thổ mặt bằng sau nhiều năm giấy phép khai thác hết hiệu lực.
Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam vẫn phớt lờ lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, chậm hoàn thổ mặt bằng.
Mỏ đá hết hạn giấy phép nhưng không hoàn nguyên.
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam chia sẻ về những khó khăn vướng mắc là do: Một số doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản ngắn hạn giai đoạn trước đây (≤ 03 năm) đã chấm dứt hoạt động khai thác, đã bị giải thể hoặc chưa giải thể, phá sản nhưng không liên hệ được với người đại diện theo pháp luật của công ty.
Từ nguyên nhân đó dẫn đến, các mỏ hết hạn giấy phép khai thác khoáng sản có số tiền ký quỹ phục hồi môi trường thấp mà hiện trạng mỏ chưa đảm bảo an toàn, chưa cải tạo, phục hồi môi trường nên cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản không thể thực hiện theo Khoản 2 Điều 74 Luật khoáng sản năm 2010.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam cũng chỉ ra nhiều vướng mắc: Một số giấy phép khai thác khoáng sản (cấp ngắn hạn 03 năm) cấp trước năm 2010 chỉ có bản đồ khu vực cấp phép và giấy xác nhận cam kết bảo vệ môi trường của Sở, huyện cấp không có thiết kế cơ sở, không có Dự án cải tạo phục hồi môi trường…
Nhiều vướng mắc trong việc đóng cửa mỏ...
dẫn đến các mỏ không hoàn nguyên
Khi giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn việc lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản theo trình tự thủ tục đóng cửa mỏ không thể thực hiện theo Thông tư số 45/2016/TT-BTNMT ngày 26/12/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đề án thăm dò khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản và mẫu báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản, mẫu văn bản trong hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, hồ sơ phê duyệt trữ lượng khoáng sản; trình tự thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản.
Theo thiết kế cơ sở được phê duyệt về phương án khai thác của các mỏ khai thác khoáng sản, trong quá trình khai thác theo lớp xiên gạt chuyển và khai thác theo lớp bằng vận tải trực tiếp sẽ tạo thành các sườn tầng, mặt tầng nhưng theo thực tế khai thác của các doanh nghiệp đến thời điểm hiện tại, rất ít doanh nghiệp khai thác tạo thành các sườn tầng, mặt tầng nên ảnh hưởng đến tiến độ cũng như phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt trước đây.
Theo quy định tại Điều 31, Luật Khoáng sản “Sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản” đã dẫn tới bất cập: Doanh nghiệp không thể thực hiện trách nhiệm đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, đất đai vì không còn quyền sử dụng đất, theo quy định tại Điều này, khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực thì hợp đồng thuê đất cũng chấm dứt hiệu lực. Do đó, tổ chức, cá nhân khi thực hiện Đề án đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, đất đai gặp khó khăn do hợp đồng thuê đất đã chấm dứt hiệu lực. Nội dung này Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ghi nhận khi tổ chức Hội nghị đánh giá 8 năm thực hiện chính sách, quy định của Luật Khoáng sản để đề xuất sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.
Một số mỏ đã lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản và được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án nhưng khi doanh nghiệp tổ chức thực hiện do điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, khu vực mỏ núi đá vôi nắng nóng, mưa đất trồng cây bị sói mòn, rửa trôi cây bị chết mặc dù doanh nghiệp đã trồng đi, trồng lại nhiều lần nhưng cây vẫn không lên được.
Liên quan một số mỏ khai thác cát, đất ven bãi bồi sông Hồng trước đây lập phương án cải tạo phục hồi môi trường được phê duyệt phải thực hiện san gạt, trồng cây lau sậy; tuy nhiên khi giấy phép hết hạn doanh nghiệp không thể thực hiện phục hồi môi trường theo phương án đã phê duyệt vì mặt bằng khai thác là ngập nước sâu, là luồng đường thủy cho phương tiện giao thông thủy lưu thông.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam thì đây là những nguyên nhân sâu xa dẫn đến công tác đóng cửa mỏ, hoàn nguyên và phục hồi môi trường của hầu hết các điểm mỏ khi giấy phép đã hết hiệu lực.
Trước thực trạng, sau khai thác các chủ mỏ “bỏ quên” việc thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm túc công tác cải tạo, phục hồi môi trường, hoàn thổ theo quy định đầy đủ, kịp thời, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn, mà thực tế đã diễn ra những tai nạn đáng tiếc. Để đảm bảo cho môi trường, hệ sinh thái và sự an toàn của người dân, rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các ngành chức năng để chấn chỉnh, buộc các doanh nghiệp phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề trên, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam cho biết, trong thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục đôn đốc và có biện pháp xử lý quyết liệt hơn đối với các tổ chức cố tình không lập đề án đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, đất đai theo quy định./.
Nguồn: TN&MT
Tác giả: Việt Linh/ TN&MT