Đẩy mạnh quy hoạch các loại khoáng sản mở ra cơ hội việc làm về lĩnh vực địa chất thăm dò, khảo sát

Quản trị viên 07/06/2024 Khối địa chất

Ngành công nghiệp khai khoáng và chế biến các loại khoáng sản đóng vai trò rất quan trọng và thiết yếu để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy sự phát triển nhanh của nền kinh tế.

Để có định hướng và tầm nhìn tổng thể về công tác quản lý, cấp phép khai thác, chế biến, thăm dò tài nguyên khoáng sản một cách hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế đất nước, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 về việc “phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch khoáng sản là tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa carbon. Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế của thế giới.

Đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng (bô-xít, titan, đất hiếm, crômit, niken, đồng, vàng), các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững.

Hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, nhỏ lẻ, tập trung tài nguyên khoáng sản từ các mỏ/điểm mỏ quy mô nhỏ thành các cụm mỏ quy mô đủ lớn để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại.

Quy hoạch cũng đặt mục tiêu đối với một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng trong giai đoạn 2021 - 2030.

Cụ thể, với khoáng sản bô-xít: Việc thăm dò, khai thác phải gắn với chế biến sâu (tối thiểu ra đến sản phẩm alumin); lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án thăm dò và khai thác phải đủ năng lực thực hiện đồng bộ các dự án từ khâu thăm dò đến chế biến sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường, đặc biệt cần lưu ý phương án thải và xử lý bùn đỏ bền vững, hiệu quả.

Theo như Quy hoạch khoáng sản được duyệt, giai đoạn 2021 - 2030 khoáng sản bô-xít có 19 Đề án thăm dò với trữ lượng dự kiến 1.709.498.000 tấn quặng nguyên khai. Trong đó, khu vực có trữ lượng lớn và tập trung ở hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng, giai đoạn đến 2030 đầu tư thăm dò 07 Đề án tại Đắk Nông và 08 Đề án tại Lâm Đồng.

Khai trường khai thác bô - xít tại Đắk Nông

Khai thác quặng bô - xít phục vụ nguyên liệu cho nhà máy Alumin Nhân Cơ - Đắk Nông

Song song với công tác thăm dò, công tác khai thác giai đoạn đến năm 2030: Duy trì đạt công suất thiết kế các mỏ hiện có và mở rộng nâng công suất mỏ Tây Tân Rai và Nhân Cơ. Đầu tư xây dựng mới 4-5 dự án khai thác tại Đắk Nông, 2-3 dự án tại Lâm Đồng để cung cấp tinh quặng bô-xít cho các dự án nhà máy Alumin đang hoạt động và dự án mở rộng khi có nhu cầu.

Về công tác chế biến quặng bô-xít: Trong giai đoạn đến năm 2030, đầu tư nâng công suất 2 nhà máy Alumin Tân Rai - Lâm Đồng và Alumin Nhân Cơ - Đắk Nông từ 650.000 tấn/năm lên khoảng 2.000.000 tấn/năm (chia thành 02 giai đoạn: giai đoạn 1, nâng công suất lên 800.000 tấn alumin/năm; giai đoạn 2, đầu tư mở rộng công suất 1.200.000 tấn alumin/năm). Ngoài ra, đầu tư mới 04 dự án sản xuất alumin tại Đắk Nông và 02 dự án tại Lâm Đồng. Giai đoạn 2031-2050: Duy trì đạt công suất thiết kế và đầu tư mở rộng công suất các nhà máy sản xuất alumin hiện có.

Nhà máy Alumin Nhân Cơ - Đắk Nông

Về sản xuất nhôm kim loại: Hoàn thiện thí điểm Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông với công suất từ 300.000 tấn nhôm thỏi/năm, mở rộng 450.000 tấn nhôm thỏi/năm. Đầu tư mới các dự án sản xuất nhôm kim loại tại Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước. Nhà máy điện phân nhôm mới phải thực hiện theo cơ chế thị trường, khuyến khích đầu tư các dự án tái tạo năng lượng nhằm đảm bảo một phần năng lượng trên các vùng mỏ bô - xít đã khai thác và sản xuất sản phẩm chế biến từ nhôm, phát triển các ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ và phù hợp với nội dung Quyết định số 09/QĐ-TTg ngày 11/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 31-KL/TW ngày 07/3/2022 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển ngành công nghiệp bô-xít-alumin-nhôm giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hiện tại, để có chiến lược cụ thể đảm bảo đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng khu vực Tây Nguyên, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã lập “Đề án Phát triển tổng thể lĩnh vực bô-xít-alumin-nhôm của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo nội dung Đề án, TKV đặt mục tiêu xây dựng và phát triển lĩnh vực bô-xít-alumin-nhôm thành lĩnh vực hoạt động chiến lược của Tập đoàn, giữ vai trò chủ đạo trong việc phát triển ngành công nghiệp bô-xít-alumin-nhôm của Việt Nam. Giai đoạn tới năm 2030, TKV tập trung đầu tư mở rộng nâng công suất Tổ hợp alumin Nhân Cơ, Tân Rai lên 2,0 triệu tấn alumin/năm và đầu tư mới Tổ hợp bô xít, alumin, nhôm Đắk Nông 2. Tập đoàn dự kiến thăm dò bổ sung và đầu tư 7 dự án tổ hợp khai thác, chế biến quặng bô-xít tại Đắk Nông và Lâm Đồng.

Việc TKV đẩy mạnh công tác đầu tư các dự án thăm dò, khai thác và chế biến quặng bô - xít tại khu vực Tây Nguyên sẽ mở ra nhiều công việc trong lĩnh vực địa chất thăm dò, khảo sát, quy hoạch khai thác, điều tra đánh giá hiện trạng sử dụng đất sau khai thác, cải tạo cảnh quan môi trường nhà máy. Đây chính là cơ hội để tăng trưởng và phát triển khối lượng công việc liên quan các lĩnh vực nêu trên./.

Tác giả: Vũ Đức Hai