Hướng đến một hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng

Quản trị viên 07/06/2024 Khối môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, trong đó, quy định cụ thể hơn về các hoạt động kiểm kê khí nhà kính (KNK), phân bổ hạn ngạch phát thải KNK, quản lý tín chỉ các-bon và phát triển thị trường các-bon... Đây là một trong những hoạt động nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về thị trường các-bon.

Hiểu đúng, đủ về thị trường các-bon

Thực tiễn thời gian vừa qua cho thấy, tình hình phát triển thị trường các-bon và nhu cầu trao đổi tín chỉ các-bon trên thế giới diễn ra rất nhanh chóng, trong khi Việt Nam còn thiếu cơ sở pháp lý để sớm có thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon đi vào vận hành.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Chỉ thị khẳng định, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải KNK của các lĩnh vực; phát triển thị trường các-bon và các cơ chế quản lý tín chỉ các-bon là rất cấp thiết để bảo đảm thực hiện cam kết giảm phát thải KNK đến năm 2030 của Việt Nam theo NDC và đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Việt Nam chưa có các tiêu chuẩn riêng để hình thành cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon nội địa. Tuy nhiên thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế để trao đổi trên thị trường các-bon tự nguyện quốc tế, chủ yếu là các dự án theo Cơ chế CDM. Thông qua các cơ chế, có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ các-bon và trao đổi trên thị trường các-bon thế giới.

Thời gian gần đây, lĩnh vực lâm nghiệp nổi lên với Thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ. Đối tác quốc tế chi trả 51,5 triệu USD cho 10,3 triệu tấn CO2 tương đương trong khi vẫn giữ toàn bộ lượng giảm phát thải vào mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Nhiều địa phương có rừng đang đẩy mạnh đánh giá tiềm năng tạo tín chỉ các-bon để chuẩn bị nguồn hàng tham gia thị trường các-bon trong thời gian tới. Ngoài ra, các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp cũng là nguồn tín chỉ tiềm năng và nhận được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới tại Việt Nam nên khi sức nóng của tín chỉ các-bon tăng lên, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân hiểu chưa đúng đắn về thị trường các-bon và phương thức tạo tín chỉ các-bon để có thể giao dịch trên thị trường. Theo ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), do tình hình phát triển thị trường các-bon và nhu cầu trao đổi tín chỉ các-bon trên thế giới diễn ra rất nhanh chóng, Việt Nam hiện còn thiếu cơ sở pháp lý như: chưa có các tiêu chuẩn tín chỉ các-bon riêng; thiếu hướng dẫn quy trình xây dựng, thực hiện dự án và cấp tín chỉ các-bon theo cơ chế trong nước. Do đó, các doanh nghiệp chưa thể tham gia tạo tín chỉ các-bon theo các tiêu chuẩn riêng trong nước; chỉ có thể tham gia các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế.

Mặt khác, Việt Nam hiện có một số công ty tư vấn dịch vụ phát triển dự án tạo tín chỉ các-bon theo các cơ chế quốc tế nhưng chưa có đơn vị nào đáp ứng các yêu cầu về đơn vị thẩm định giảm phát thải theo các tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, tín chỉ tạo ra phải thuê đơn vị thẩm định quốc tế với chi phí đắt đỏ, và khi đó sẽ cần phải cân nhắc về bài toán kinh tế.

Theo TS. Vũ Tấn Phương - Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý Rừng Bền vững, cần xác định, tín chỉ các-bon là giá trị tăng thêm khi triển khai các giải pháp giảm phát thải, tăng hấp thụ các-bon.

Yêu cầu chung với dự án các-bon theo thị trường các-bon tự nguyện là phải tạo ra tác động giảm phát thải/hấp thụ trong thực tế; có tính ổn định, bền vững; phương pháp đo đạc, tính toán, báo cáo (MRV) phải đáp ứng yêu cầu quốc tế, không tính chồng chéo kết quả. Bên cạnh đó, những dự án có đóng góp cho phát triển bền vững, đồng lợi ích, đảm bảo quyền lợi cho người dân, cộng đồng địa phương sẽ có giá trị cao hơn...

“Để tín chỉ các-bon có thể lên sàn giao dịch (trước mắt trong giai đoạn thí điểm từ năm 2025), doanh nghiệp hay nhà đầu tư cần đưa ra đầy đủ căn cứ chứng minh tín chỉ đã được thẩm định, xác minh, công nhận, có sự cho phép của cơ quan quản lý... Do vậy cần lựa chọn phương án tối ưu phù hợp với điều kiện của mình” - ông Phương nhấn mạnh.

Giải quyết các vướng mắc pháp lý

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn, cùng với bối cảnh quốc tế và trong nước, Bộ TN&MT đang xây dựng dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Dự thảo có nhiều quy định nhằm tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính phục vụ phân bổ hạn ngạch phát thải KNK để chuẩn bị cho thị trường các-bon.

Bộ TN&MT đang sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn

Các vấn đề trọng tâm là sửa đổi, bổ sung quy định thực hiện kiểm kê KNK đối với các cơ sở được phân bổ hạn ngạch; quy định về đơn vị thẩm định kết quả kiểm kê KNK phục vụ phân bổ hạn ngạch và thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải KNK để tạo tín chỉ các-bon; quy định về thẩm định kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK cấp cơ sở và kết quả giảm nhẹ phát thải KNK cấp cơ sở.

Về phân bổ hạn ngạch phát thải KNK, dự kiến giai đoạn thí điểm từ năm 2025 sẽ phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở có mức phát thải lớn thuộc 3 lĩnh vực: nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi măng. (Dự kiến có khoảng 200 cơ doanh nghiệp, chiếm khoảng 45% tổng phát thải của các cơ sở phát thải lớn).

Liên quan tới thị trường các-bon, một số vấn đề trọng tâm là sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý và trao đổi hạn ngạch và tín chỉ các-bon trên sàn giao dịch các-bon trong nước; sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng tham gia thị trường các-bon.

Về quản lý hoạt động trao đổi, mua bán tín chỉ các-bon ra quốc tế, Liên hợp quốc hiện vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng việc trao đổi tín chỉ tự nguyện quốc tế có ảnh hưởng như thế nào đến thực hiện mục tiêu giảm phát thải KNK theo NDC quốc gia theo Điều 6 Thỏa thuận Paris. Có nghĩa là lượng tín chỉ các-bon của Việt Nam khi chuyển ra nước ngoài có thể sẽ đóng góp vào mục tiêu NDC của quốc gia khác và mục tiêu giảm nhẹ quốc tế khác chứ không còn đóng góp cho NDC của Việt Nam. Dự thảo Nghị định mới cũng sẽ quy định rõ hơn về vấn đề chấp thuận cho các dự án thuộc loại này trong thời gian tới.

Một trong những vấn đề cấp bách nữa là thiết lập Hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ các-bon và hạn ngạch phát thải khí nhà kính để quản lý tín chỉ các-bon và hỗ trợ vận hành thị trường các-bon. Nội dung này đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và sẽ được đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP./.

Nguồn: TN&MT

Tác giả: Khánh Ly/TN&MT