Biến đổi khí hậu đã hiện hữu rất rõ ràng ở Việt Nam, tác động rõ rệt đến thời tiết, tài nguyên nước, hệ sinh thái. Bởi vậy, cần có những biện pháp ứng phó kịp thời với tác động của BĐKH trong bối cảnh hiện nay.
* Thời tiết biến đổi, nguy cơ ngập – hạn, suy giảm hệ sinh thái
Theo nghiên cứu của GS.TS Huỳnh Thị Lan Hương – Trường Đại học TN&MT Hà Nội, biểu hiện của biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra nhiều tình trạng khí hậu cực đoan và đang gia tăng theo các năm tại Việt Nam. Điều này gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, đặc biệt đối với hệ sinh thái và tài nguyên môi trường.
Cụ thể, theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng (NBD) Việt Nam của Bộ TN&MT (2021), có thể thấy, nhiệt độ ở tất cả các vùng tại Việt Nam đều có xu thế tăng lên so với thời kỳ cơ sở, lớn nhất là ở phía Bắc với số ngày nắng nóng sẽ tiếp tục tăng mạnh ở hầu hết các vùng liên tiếp từ 10 – 40 ngày và phổ biến trên phạm vi cả nước từ 80 – 100 ngày; số ngày rét đậm giảm ở hầu hết các vùng từ 10 – 25 ngày, số ngày rét hại giảm trên miền khí hậu phía Bắc từ 2 – 20 ngày.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tác động của BĐKH của bão, áp thấp nhiệt đới liên quan đến lượng mưa năm có xu thế tăng trên phạm vi toàn quốc so với thời kỳ cơ sở; số xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông có xu thế tăng nhẹ, trong khi số XTNĐ ảnh hưởng và đổ bộ vào Việt Nam có xu thế ít biển đổi, vì vậy làm gia tăng số cơn bão mạnh. Điều này còn gây nên nguy cơ ngập úng với nước biển dâng 100cm, với 13,2% Đồng bằng sông Hồng; 17,15% TP. Hồ Chí Minh và 47,29% Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập.
Trong đó, cụm đảo Vân Đồn, Côn Đảo và Phú Quốc có nguy cơ ngập cao; quần đảo Hoàng Sa có nguy cơ ngập lớn hơn, nhất là các đảo thuộc nhóm Lưỡi Liềm và đảo Tri Tôn.
Nước biển dâng gây nguy cơ ngập úng cho nhiều khu vực, trong đó ảnh hưởng lớn nhất đối với Đồng bằng sông Cửu Long
Từ những tác động của BĐKH đến thiên tai, GS.TS Huỳnh Thị Lan Hương cũng phân tích và chia ra tác động của BĐKH đến từng nhóm tài nguyên và lĩnh vực. Đối với Tài nguyên nước, BĐKH sẽ làm tăng dòng chảy mặt, giảm độ cao tuyệt đối mực nước, giảm tổng lượng tích trữ nước dưới đất của các tầng chứa nước; về Tài nguyên đất sẽ làm suy thoái đất, hạn hán, hoang mạc hoá, xâm nhập mặn, mất đất, gây ngập lụt (NBD).
Về tài nguyên rừng, BĐKH sẽ làm tăng nguy cơ cháy rừng, phát triển và lây lan sâu bệnh hại rừng, dẫn đến giảm sản lượng và giá trị của các sản phẩm từ rừng. Đối với đa dạng sinh học sẽ gây ra sự suy thoái nghiêm trọng, nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng; giảm nguồn lợi thuỷ sản và gây suy thoái, thu hẹp diện tích các hệ sinh thái vùng bờ với Tài nguyên biển và hải đảo,…
Ngoài ra, tác động BĐKH đến môi trường, hệ sinh thái sẽ làm tăng số ngày nắng nóng, mưa lớn; hạn hán khắc nghiệt hơn; tăng nguy cơ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng cửa sông; gia tăng xâm nhập mặn trong sông và thuỷ triều bị thay đổi do NBD làm thay đổi địa hình.
Đặc biệt, BĐKH tác động rất lớn đến ngành Nông nghiệp, đa phần sẽ làm giảm diện tích sản xuất muối, giảm khả năng khai thác nước, tiêu thoát nước gây ra thiên tại cục diện, giảm năng suất của khai thác thuỷ sản, rét đậm, rét hại làm chết gia súc, gia cầm cũng như tăng nguy cơ phát triển sâu bệnh hại rừng,…
* Nâng cao năng lực phản ứng với BĐKH
Qua những tác động của BĐKH tại Việt Nam, Việt Nam đã xây dựng các chủ trương, chiến lược và chương trình kế hoạch ứng phó với BĐKH, được tuyên bố thực hiện trong COP 26 đạt phát thải ròng bằng “0” vào 2050; đến năm 2030 sẽ giảm 30% phát thải khí mê – tan so với năm 2020,… Với các mục tiêu thích ứng với BĐKH như: Giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của BĐKH thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế - xã hội; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH,…
GS.TS Huỳnh Thị Lan Hương đưa ra một số giải pháp để thực hiện mục tiêu thích ứng BĐKH tại Việt Nam trong thời gian tới như: Nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững,… trong việc trồng rừng giúp ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái; phục hồi các nguồn tài nguyên rừng và hệ sinh thái, chú trọng phát triển ngành nông nghiệp và an ninh lương thực, đầu tư xây dựng hạ tầng phù hợp thích ứng với BĐKH.
Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH, cần thiết lập các hệ thống dự báo, cảnh báo sớm; xây dựng các công trình phòng chống thiên tai và di dời dân ở khu vực có rủi ro cao trước tác động của BĐKH.
Cần thiết lập các hệ thống dự báo, cảnh báo sớm kịp thời ứng phó với thiên tai
Bên cạnh đó, về thể chế và chính sách, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về Luật BĐKH; truyền thông, nâng cao nhận thức cũng như thu hút sự tham gia của cộng đồng trong việc phát triển nguồn nhân lực ứng phó với BĐKH; phát triển ứng dụng khoa học công nghệ bằng cách thúc đẩy nghiên cứu, phát triển tại các doanh nghiệp, tập đoàn về phát thải thấp, chú trọng kinh phí đối ứng của doanh nghiệp; hình thành các tập đoàn có năng lực về nghiên cứu khoa học và làm chủ công nghệ nguồn.
Việt Nam cũng cần tăng cường sự tham gia và huy động nguồn lực tài chính của khối doanh nghiệp trong thích ứng BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính; đẩy mạnh phát triển thị trường carbon trong nước cũng như hợp tác quốc tế trong ứng phó với BĐKH.
Đồng thời, với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050, ứng phó với BĐKH, Việt Nam cần xây dựng tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính quốc gia và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở từ năm 2026; xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến, hệ số phát thải đặc trưng quốc gia; xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm 30% khí mê tan, thực hiện lộ trình phát thải ròng về “0”, áp dụng 87 biện pháp kỹ thuận giảm phát thải cho 5 lĩnh vực, cụ thể: 42 biện pháp áp dụng cho lĩnh vực năng lượng; 21 biện pháp cho lĩnh vực nông nghiệp; 7 biện pháp cho lĩnh vực chất thải,…
Từ đó, GS.TS Huỳnh Thị Lan Hương nhận định, nếu Việt Nam chủ động, kịp thời nắm bắt và tạo dựng các kế hoạch theo mục tiêu, cũng như thực hiện các biện pháp thích ứng BĐKH, thì đây chính là đòn bẩy hình thành nên động lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng cho cả doanh nghiệp và Việt Nam nói chung./.
Nguồn: MONRE
Tác giả: Hoài Thu/MONRE