Cơ hội và thách thức của ngành khai thác mỏ trong năm 2024

Quản trị viên 03/06/2024 Khối địa chất

Ngành khai thác mỏ cung cấp các nguồn tài nguyên khoáng sản cần thiết cho sự tăng trưởng công nghiệp, tiến bộ kinh tế và sự ổn định của nhiều nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp này phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về rủi ro môi trường và phát triển bền vững. Khai thác mỏ được coi là một trong những ngành đóng góp hàng đầu vào sự phát thải khí nhà kính, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Những yếu tố này là một rủi ro đáng kể cho ngành khai thác mỏ. Giải pháp bền vững cho vấn đề này nằm ở việc tích hợp các hoạt động khai thác thân thiện với môi trường.

Ngành khai thác mỏ đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Nguồn: Maksim Safaniuk / Shutterstock.com

Ngành khai thác mỏ và tính bền vững: Các quy định môi trường khắt khe có tác động lớn đến hoạt động khai thác mỏ

Trong bốn thập kỷ trước, sự chuyển đổi theo hướng bảo tồn khí hậu và các phương pháp công nghiệp bền vững đã thay đổi tư duy của ngành khai thác mỏ theo các yếu tố khác, đặc biệt là các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG), như một công cụ chính để thúc đẩy tính bền vững.

Theo một báo cáo được công bố bởi WTW Mining, hoạt động khai thác mỏ có thể ảnh hưởng đáng kể đến các hệ sinh thái lân cận, tác động đến khí hậu, chất lượng nước và đa dạng sinh học. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này cũng có tiềm năng mang lại lợi thế xã hội đáng kể cho cộng đồng địa phương và các bên liên quan. Do đó, các công ty khai thác mỏ phải áp dụng các biện pháp khai thác bền vững để giảm thiểu tác động đến môi trường và tăng cường đóng góp cho xã hội. Điều này có thể thực hiện được bằng cách xử lý các rủi ro được xác định theo các yếu tố ESG và xây dựng một kế hoạch cụ thể.

Trước đây, mặc dù các yếu tố ESG như biến đổi khí hậu, xử lý tài nguyên nước, chính sách mua sắm địa phương, tính đa dạng, v.v., được quan tâm nhiều nhưng các vấn đề quản lý chất thải bị bỏ qua. Vấn đề này được nhấn mạnh sau vụ vỡ đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt Córrego do Feijão ở Brumadinho, Brazil, khiến hơn 270 người thiệt mạng.

Sau sự cố này, Giáo hội Anh đã đưa ra một sáng kiến mới tên là Sáng kiến Khai thác và Chất thải mỏ của Nhà đầu tư. Sáng kiến này nhằm tăng cường tính minh bạch về các phương pháp quản lý chất thải mỏ bằng cách thiết lập Cổng thông tin chất thải mỏ toàn cầu. Đồng thời, phát triển và thực hiện Tiêu chuẩn Công nghiệp Toàn cầu về quản lý chất thải mỏ nhằm nâng cao tiêu chuẩn cho các hoạt động toàn ngành trong lĩnh vực này.

Cho đến nay, 45 trong số 50 công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới, chiếm 87% ngành tính theo vốn hóa thị trường, đã cung cấp thông tin cho sáng kiến Cổng thông tin chất thải toàn cầu. Hiện nay, trọng tâm của sáng kiến này chuyển sang áp dụng tiêu chuẩn đã được thiết lập cho các hoạt động quản lý chất thải mỏ.

Digbee ESG: Nền tảng cho các nhà quản lý rủi ro khai thác mỏ nhận biết các yếu tố rủi ro ESG

Digbee ESG là một nền tảng công bố thông tin cho ngành khai thác mỏ, được thành lập vào năm 2020, với mục tiêu là giải quyết những thách thức của ESG trong lĩnh vực khai thác mỏ nói riêng và các vấn đề ESG rộng hơn trong các ngành công nghiệp nói chung.

Ba mục tiêu chính đã được thiết lập để thiết kế nền tảng này. Thứ nhất là nhằm mục đích đơn giản hóa quy trình công bố thông tin cho các công ty khai thác mỏ, giải quyết các mối quan tâm đầu vào và đầu ra liên quan đến những thông tin cần công bố, đảm bảo cấu trúc chuẩn hóa phù hợp với nhu cầu của các bên liên quan khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thẩm định và giám sát liên tục. Thứ hai, nền tảng Digbee ESG góp phần nâng cao uy tín của ngành khai thác mỏ và giảm thiểu nguy cơ “tẩy xanh” bằng cách cung cấp dữ liệu công khai được xác thực. Cuối cùng, nền tảng này nhằm mục đích phục vụ như một nền tảng truyền thông ESG cho ngành, cho phép giao tiếp hiệu quả với các nhà đầu tư, công ty bảo hiểm, cộng đồng địa phương, chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quan tâm khác.

Theo nhà sáng lập Digbee ESG, Jamie Strauss, kết quả của ba mục tiêu trên là một bộ khuôn khổ phù hợp được thiết kế đặc biệt cho ngành khai thác mỏ, phục vụ cho các công ty thuộc mọi quy mô. Cách tiếp cận tương lai và có tư duy tiến bộ này thể hiện sự khởi đầu đáng kể so với các tiêu chuẩn toàn cầu và các cấu trúc ESG khác.

Hiện tại, các khuôn khổ mà Digbee ESG thiết lập phù hợp với hơn 30 tiêu chuẩn toàn cầu và được cập nhật thường xuyên. Tổ chức này cũng thực hiện một quy trình đánh giá độc lập và nghiêm ngặt. Cách tiếp cận này đã tạo ra một kho lưu trữ dữ liệu được tiêu chuẩn hóa và đáng tin cậy duy nhất có thể được truyền đạt một cách hiệu quả.

Rủi ro địa chính trị đối với ngành khai thác mỏ

Bất kỳ dự án khoáng sản quan trọng nào cũng có bối cảnh địa chính trị xung quanh. Tập hợp các rủi ro địa chính trị rất khác nhau đòi hỏi các nhà khai thác mỏ và nhà đầu tư phải phát triển các chiến lược khác nhau cho phép họ giảm thiểu và kiểm soát tốt những rủi ro này.

Sách trắng của công ty luật quốc tế White & Case về các vấn đề địa chính trị và khử cacbon của ngành khai thác mỏ đã chứng minh rằng sự tập trung thị trường chuyển từ các cấp độ khác nhau của chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng khai thác mỏ sang những người chơi khác nhau, mang lại nhiều rủi ro và cơ hội khác nhau. Tài nguyên khoáng sản vốn có vị trí địa lý cố định, tạo đòn bẩy quan trọng cho các nhà xuất khẩu thống trị thị trường riêng của mình.

Các quốc gia dựa vào doanh thu xuất khẩu và thuế liên quan đến khai thác mỏ tìm cách tăng cường kiểm soát các nguồn tài nguyên quan trọng, thay đổi chính sách tài khóa và thu được nhiều giá trị hơn trong nước. Trong khi đó, các quốc gia khác đẩy mạnh mở rộng sản xuất nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Trong bối cảnh các khoáng sản quan trọng đang trở thành một nhu cầu thiết yếu, các quốc gia có nhiều tài nguyên này mong đợi thu được càng nhiều lợi ích kinh tế càng tốt. Sự phát triển này có thể sẽ thu hút các chính phủ tham gia vào lĩnh vực khai thác mỏ đồng thời thực thi nhiều loại thuế, tiền thuê mỏ và quy định nghiêm ngặt hơn. Đôi khi, quốc hữu hóa tác động đến sản xuất khoáng sản quan trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến việc khai thác và xuất khẩu của các công ty khai thác mỏ. Nhiều quốc gia đang đầu tư phát triển các cơ sở chế biến trong nước, đảm bảo rằng các nguyên liệu khai thác được xử lý trong biên giới nước mình.

Hãng dịch vụ kiểm toán chuyên nghiệp đa quốc gia EY, thuộc nhóm Big4, mới đây đã công bố một báo cáo về những rủi ro kinh doanh hàng đầu đối với ngành khai thác mỏ. Theo đó, các công ty khai thác mỏ đang bắt đầu gặt hái một số lợi ích từ các sáng kiến khai thác xanh. Tuy nhiên, các lĩnh vực hạ nguồn có thể sẽ nhận được nhiều ưu đãi nhất cho công nghệ khử carbon.

Mặc dù các khoản trợ cấp thường thúc đẩy nhu cầu nhiều hơn cung, nhưng chúng có thể không giải quyết đầy đủ các thách thức mà các nhà khai thác mỏ phải đối mặt, bao gồm việc xin giấy phép môi trường và giấy phép xã hội. Sự mất cân bằng này có thể làm gia tăng đáng kể khoảng cách giữa cung và cầu của các khoáng sản quan trọng trong ngắn hạn và trung hạn.

Rủi ro công nghệ trong lĩnh vực khai thác mỏ

Số hóa đang thay đổi ngành khai thác mỏ và hiệu quả hoạt động của nó. Công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) cho máy móc, học máy, dữ liệu giao dịch, phân tích dữ liệu lớn, tự động hóa và robot là cần thiết để tạo ra các quy trình hợp lý trên tất cả các phương diện của khai thác mỏ.

Theo một báo cáo tài chính của Identec Solutions, một công ty cung cấp công nghệ RFID giúp khách hàng quản lý tốt hơn các quy trình hoạt động, giá trị tích lũy của cuộc cải cách kỹ thuật số ngành khai thác mỏ trong năm 2017 ước tính sẽ đạt trên 425 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025, chiếm khoảng 3-4% doanh thu của ngành trong năm đó. Tuy nhiên, hiện còn nhiều doanh nghiệp khai thác mỏ đang gặp khó khăn trong việc triển khai các kế hoạch kỹ thuật số của họ.

Mặc dù tất cả các nhà ra quyết định đều nhất trí về vai trò quan trọng của công nghệ và đổi mới trong việc đảm bảo sự tồn tại của các tổ chức nhưng chỉ một số ít sẵn sàng cho các chuyển đổi kỹ thuật số sắp tới. Điều này cho thấy sự chậm trễ của ngành công nghiệp kim loại và khai thác mỏ so với ngành ô tô hoặc hóa chất, với mức độ trưởng thành kỹ thuật số (năng lực công nghệ số) thấp hơn gần 30-40% so với các lĩnh vực tương đương.

Công nghệ cặp song sinh kỹ thuật số là một yếu tố thay đổi cuộc chơi cho ngành khai thác mỏ. Công nghệ cặp song sinh kỹ thuật số, được kích hoạt bởi khả năng viễn thám, cho phép các công ty khai thác mỏ thu thập dữ liệu thời gian thực và có được những hiểu biết toàn diện về hoạt động của họ. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ này vẫn còn hạn chế, chủ yếu do nhận thức chưa đầy đủ về khả năng của chúng cũng như khoản đầu tư ban đầu cần thiết để triển khai cảm biến tại chỗ hiện còn ở mức cao.

Mặc dù đã có nhiều đầu tư công nghệ đáng kể, các công ty khai thác mỏ vẫn phải vật lộn để trích xuất những thông tin có ý nghĩa từ nguồn dữ liệu của họ. Dữ liệu kinh doanh quan trọng thường rất phức tạp và khó truy cập, cản trở khả năng khai thác tổng giá trị của nó. Để giải quyết thách thức này, các công ty khai thác mỏ cần xác định dữ liệu nào là cốt yếu, khi nào cần đến nó và cách trích xuất dữ liệu từ các quy trình kinh doanh. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa dữ liệu của tổ chức và quy trình kinh doanh, từ đó phân biệt được dữ liệu có giá trị từ thông tin giao dịch.

Các công ty khai thác mỏ phải xây dựng các nhóm thành thạo bao gồm các chuyên gia về thay đổi chiến lược, khoa học dữ liệu và các nguyên tắc khai thác mỏ nhằm hỗ trợ việc ra quyết định hiệu quả và thúc đẩy những thay đổi có tác động tích cực. Các tổ chức thành công ưu tiên cung cấp kết quả và thông tin chi tiết nhanh chóng đồng thời có chiến lược được xác định rõ ràng để mở rộng quy mô đổi mới trong các hoạt động của họ. Chiến lược kinh doanh này đảm bảo sự thành công của các hoạt động khai thác mỏ trong kỷ nguyên phân tích hiện đại.

Thiếu hụt lao động trong lĩnh vực khai thác mỏ

Trong một quãng thời gian đáng kể, công việc hiệu quả, sự nhiệt tình và các kỹ năng đặc biệt là rất quan trọng trong việc đảm bảo sự thành công, lợi nhuận và an toàn của các cơ sở khai thác mỏ. Do ngành công nghiệp này hiện đang phải đối mặt với sự thiếu hụt kỹ năng không mong muốn, việc thu hút và giữ chân nhân tài mới đang được các công ty khai thác mỏ đưa lên làm ưu tiên hàng đầu.

Một báo cáo gần đây của McKinsey đưa ra dự báo rằng hơn 100 triệu người làm việc trên khắp thế giới sẽ chuyển sang các ngành nghề mới vào năm 2030 do tác động của chuyển đổi kỹ thuật số.

Ngành khai thác mỏ phải đối mặt với một thách thức lớn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài, khoảng 71% các nhà lãnh đạo ngành thừa nhận sự thiếu hụt tài năng là một trở ngại để đạt được các mục tiêu. Rủi ro về an toàn và sức khỏe cùng với nguy cơ hủy hoại môi trường đã khiến việc thu hút nhân tài mới trở nên rất khó khăn. Để theo kịp những thay đổi và đổi mới quan trọng, ngành khai thác mỏ cần nhanh chóng giải quyết những vấn đề này và đặt nền tảng để thu hút những tài năng hàng đầu chuyển sang làm việc cho ngành công nghiệp này.

Những cơ hội lớn cho ngành khai thác mỏ

Sự ra đời của công nghệ và sự tích hợp của các tiến bộ kỹ thuật số đã mang đến nhiều cơ hội cho ngành khai thác mỏ. Chẳng hạn như việc sử dụng máy bay không người lái trong các mỏ có tính chất nguy hiểm để giữ an toàn cho con người.

Máy in 3D di động hiện cũng đang được nghiên cứu rộng rãi và tối ưu hóa cho lĩnh vực khai thác mỏ. Thiết bị khai thác thường bị hư hỏng trong quá trình hoạt động, dẫn đến việc tạm dừng hoạt động và gây ra tổn thất đáng kể. Máy in 3D di động với khả năng in thiết bị khai thác tại chỗ có thể cách mạng hóa lĩnh vực khai thác mỏ. Khả năng nhanh chóng định vị, sản xuất và lắp đặt các công cụ hoặc bộ phận đặc thù tại chỗ cho máy móc bị hư hỏng có thể giảm đáng kể thời gian chờ hàng và loại bỏ quá trình vận chuyển thiết bị tốn kém đến các địa điểm khai thác ở xa.

Tự động hóa đang trở nên phổ biến trong ngành khai thác mỏ, với nhiều đổi mới như hệ thống vận chuyển quặng băng tải không cần xe tải, xe điện ngầm và máy bay không người lái. Một lợi thế đáng kể của tự động hóa là cho phép các hoạt động khai thác diễn ra liên tục mà không cần sự hiện diện thường xuyên của con người.

Xe điện đang ngày càng phổ biến và trở thành xu thế tất yếu của thế giới. Số lượng người sở hữu xe điện đang tăng đều đặn, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ các khoáng sản dùng để sản xuất pin tăng mạnh, đặc biệt là lithium, coban và niken. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho các công ty khởi nghiệp mới bắt tay vào khai thác các khoáng sản quý giá này và bước vào lĩnh vực xe điện.

Chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới đang tìm kiếm các khu vực mới có tiềm năng khai thác mỏ. Chẳng hạn như Ấn Độ đã xác định 790 khu vực khai thác mới ở bang Uttar Pradesh, với mục tiêu làm cho các khoáng sản ít giá trị hơn có giá cả phải chăng hơn và dễ tiếp cận hơn đồng thời thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp trong khu vực.

Chiến lược giải quyết các thách thức của ngành khai thác mỏ

Rõ ràng là ngành khai thác mỏ đang phải đối mặt với các thách thức và rủi ro ngày càng tăng. Giải pháp khả thi duy nhất là xây dựng một chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả giải quyết tất cả các yếu tố quan trọng.

Một nghiên cứu phân tích rủi ro đã được công bố trên tạp chí quốc tế Hàng hóa (Commodities) đưa ra phương pháp lựa chọn các yếu tố rủi ro quan trọng. Nghiên cứu đã chứng minh cách tiếp cận có hệ thống để đánh giá rủi ro khí hậu cho các công ty khai thác mỏ bằng cách trình bày nghiên cứu điển hình của khu vực Antofagasta (Chile), đây là trung tâm sản xuất đồng quan trọng cần thiết cho các nỗ lực điện khí hóa.

Bước thiết yếu đầu tiên là làm nổi bật các mối nguy hiểm chủ yếu của khu vực khai thác mỏ, bao gồm mưa lớn, hạn hán và sóng nhiệt, mỗi mối nguy hiểm ảnh hưởng đến các cơ sở khai thác theo cách khác nhau.

Phản ứng của các cơ sở này đối với các mối nguy hiểm phụ thuộc vào các yếu tố dễ bị tổn thương khác nhau. Nghiên cứu đưa ra năm yếu tố dễ bị tổn thương then chốt, đó là: địa hình, quy mô mỏ, vị trí gần các cơ sở y tế, sự tiếp cận nguồn nước và hợp tác giữa các công ty lân cận. Phân tích cũng cho thấy hạn hán là rủi ro khí hậu đáng kể nhất đối với các nhà máy chế biến đồng quy mô lớn.

Trí tuệ không gian địa lý và AI: Các công cụ số hóa hỗ trợ khai thác hiệu quả và an toàn hơn

Trí tuệ không gian địa lý là một công nghệ tích hợp dữ liệu đa dạng, chẳng hạn như hình ảnh vệ tinh và máy bay không người lái, cung cấp cái nhìn toàn diện về các vị trí cụ thể. Trong khai thác mỏ, công nghệ này được sử dụng chủ yếu trong giám sát các điều kiện môi trường.

Với sự tiến bộ của công nghệ hiện đại, các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (ML) có thể được áp dụng cho dữ liệu không gian địa lý. Các thuật toán AI và ML phân tích dữ liệu viễn thám khổng lồ để phân biệt các mô hình và xu hướng, hỗ trợ việc ra quyết định chính xác hơn. Viễn thám giúp theo dõi sự thay đổi bề mặt, phát hiện sự sụt lún hoặc sạt lở đất, đánh giá sự ổn định của các đập thải và các bãi thải. Việc kết hợp các công cụ kỹ thuật số và cơ chế cảm biến tiên tiến này là một giải pháp hiệu quả giúp hoạt động khai thác an toàn hơn và tối ưu hóa hiệu quả bằng cách lập kế hoạch trước.

Trong thời đại số hóa và tính bền vững, chúng ta đang chứng kiến các xu hướng công nghiệp thay đổi nhanh chóng. Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đòi hỏi vật liệu đầu vào quan trọng. Các khoáng sản thiết yếu và vật liệu khối, bao gồm thép, xi măng, nhựa và nhôm, không thể thiếu cho các công nghệ và cơ sở hạ tầng khác nhau, từ tuabin gió và pin xe điện đến lưới điện.

Để phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0, công suất khai thác các khoáng sản quan trọng phải nhanh chóng mở rộng. Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách xác định các rủi ro then chốt và phát triển một chiến lược giảm thiểu rủi ro hiệu quả kết hợp các công cụ kỹ thuật số tiên tiến nhất song song với việc đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường./.

Tác giả: Đỗ Thanh Hương (Theo AZO Mining)