Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác mỏ kaolin

Quản trị viên 24/05/2024 Khối địa chất

Một nhóm tác giả thuộc trường Đại học Mỏ - Địa chất và Tổng hội Địa chất Việt Nam đã lựa chọn một mỏ kaolin để nghiên cứu, đánh giá hiệu quả trong quá trình khai thác, sử dụng. Từ đó, đề xuất giải pháp nhằm quản lý nguồn tài nguyên này một cách hợp lý theo mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn nhằm tiết kiệm, sử dụng hợp lý khoáng sản

Trong quá trình phát triển, các mô hình kinh tế đã có gồm mô hình kinh tế tuyến tính, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh... Trong đó, mô hình kinh tế tuyến tính là một mô hình kinh tế truyền thống, các sản phẩm và tài nguyên được sử dụng một lần và sau đó bị loại bỏ hoặc đổ vào môi trường dưới dạng rác thải sau khi sử dụng. Ưu điểm của kinh tế tuyến tính là phát triển kinh tế nhanh chóng, đơn giản, dễ triển khai và tăng cường hiệu suất sản xuất. Nhược điểm của mô hình kinh tế tuyến tính là lãng phí tài nguyên; tăng cường ô nhiễm môi trường và kinh tế không cân bằng. Vì vậy, kinh tế tuyến tính đang trở nên không còn phù hợp với bối cảnh thế giới đang đối mặt với các thách thức môi trường và tài nguyên ngày càng nghiêm trọng.

Việc chuyển đổi sang các hướng tiếp cận kinh tế mới, như kinh tế tuần hoàn hay kinh tế xanh, là cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai.

Đặc biệt, những lý do chính mà bắt buộc diễn ra sự chuyển đổi này là: Sự gia tăng nhu cầu về nguyên liệu thô, trong khi nguồn nguyên liệu này ngày càng cạn kiệt, đặc biệt đối với nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn tài nguyên không thể tái tạo được; sự phụ thuộc vào các nước khác, đặc biệt các quốc gia phụ thuộc nước khác về nguyên liệu thô, sự phụ thuộc này dẫn đến căng thẳng về chính trị toàn cầu, tác động đến sự biến đổi khí hậu (phát thải các khí nhà kính, đặc biệt là CO2) làm gia tăng quá trình biến đổi khí hậu cực đoan, gây nên các hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn giúp đạt được mục tiêu phát triển bền vững cho mỗi quốc gia, địa phương.

Tài nguyên khoáng sản đã và đang có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, đây là một dạng tài nguyên không tái tạo, có trữ lượng nhất định. Vì vậy, việc xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực khoáng sản là cần thiết để đưa ra chính sách khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên này.

Tài nguyên khoáng sản tại các địa phương được khai thác đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội

Tuần hoàn để hạn chế chất thải trong khai thác kaolin

Xét về khả năng tái tạo, tài nguyên được chia thành tài nguyên tái tạo được và tài nguyên không tái tạo được. Trong đó, tài nguyên khoáng sản là tài nguyên không tái tạo được hoặc có thể tái tạo nhưng thời gian rất dài. Kaolin là một dạng tài nguyên khoáng sản phân bố khá rộng rãi và phổ biến ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có Đông Bắc Bộ. Cho đến nay, rất nhiều mỏ kaolin ở Đông Bắc Bộ đã được tìm kiếm, thăm dò, khai thác phục vụ cho các ngành công nghiệp trong nước và xuất khẩu.

Kaolin là loại đá sét màu trắng, dẻo, mềm được cấu thành bởi khoáng vật kaolinit và một số ít khoáng vật illit, montmorilonit, thạch anh, .... sắp xếp thành tập hợp lỏng lẻo, trong đó kaolinit quyết định kiểu cấu tạo và kiến trúc của kaolin. Kaolin - felspat là vật liệu thô trong sản xuất gốm sứ, gạch, định tuổi quang nhiệt, định tuổi quang học trong khoa học Trái Đất và khảo cổ học.

Với tổng tài nguyên - trữ lượng kaolin đã xác nhận là 267,919 triệu tấn ở 67 tụ khoáng và mỏ đã được phát hiện, tìm kiếm hoặc thăm dò cho thấy nước ta có tiềm năng lớn về nguồn nguyên liệu kaolin và có khả năng đáp ứng cho các ngành công nghiệp khác.

Vì vậy, nhóm tác giả thuộc trường Đại học Mỏ - Địa chất và Tổng hội Địa chất Việt Nam đã lựa chọn một mỏ kaolin để nghiên cứu, đánh giá hiệu quả trong quá trình khai thác, sử dụng. Từ đó, đề xuất giải pháp nhằm quản lý nguồn tài nguyên này một cách hợp lý theo mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn.

Với dự án đã lựa chọn, nhóm tác giả nhận thấy hệ số hoàn vốn nội bộ của dự án là 24,16%, cao hơn so với lãi suất vay thương mại. Thời gian hoàn vốn là 3,5 năm, là khoảng thời ngắn so với thời gian hoạt động của dự án.

Mặc dù về kinh tế, dự án mang lại lãi ròng lớn, hệ số hoàn vốn cao và thời gian hoàn vốn nhanh. Tuy nhiên, xét về khía cạnh môi trường, vẫn còn một số vấn đề tồn đọng phát sinh như: lượng đất đá thải của dự án tạo ra nhiều, diện tích đổ thải lớn, thời gian tồn tại của bãi thải lâu. Từ đó, phát sinh các rủi ro, tai biến môi trường liên quan.

Trong khi đó, đất đá thải hoàn toàn có thể trở thành vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng cho các dự án dự án xung quanh ngay từ ban đầu khi phát sinh, đất phủ có thể chuyển thành đất san lấp trồng cây. Như vậy, chủ dự án sẽ có thêm nguồn kinh phí do chuyển đổi này. Đồng thời, không mất diện tích đất để đổ thải. Hơn nữa, nguy cơ xảy ra hiện tượng sạt lở bãi thải tạm vào ngày mưa, bão cũng được giảm thiểu.

Nhóm tác giả đề xuất cần nghiên cứu tự động hoá các khâu công nghệ trong sản xuất, nhằm giảm giá thành khai thác, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống người lao động./.

Nguồn: MONRE

Tác giả: Vũ Thị Lan Anh, Giảng viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Mỏ - Địa chất