Giảm phát thải khí nhà kính từ lâm nghiệp

Quản trị viên 24/05/2024 Khối môi trường

Lâm nghiệp là một trong những ngành có khả năng hấp thụ khí nhà kính, làm giảm tổng lượng phát thải. Bởi thế phát triển lâm nghiệp được xem là giải pháp quan trọng trong thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Bắc Trung Bộ có tiềm năng lớn về giảm phát thải từ rừng

Theo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, các dự án để giảm nhẹ phát thải KNK chú trọng vào nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải, năng lượng, quá trình công nghiệp và dấu vết carbon. Việt Nam đã đặt ra mục tiêu giảm phát thải KNK đến năm 2030 sẽ giảm tổng lượng phát thải khoảng 563.8 triệu tấn CO2e (CO2 tương đương). Trong đó, nông nghiệp chiếm 38% và lâm nghiệp chiếm đến 62% tổng lượng giảm phát thải, được phân chia qua các ngành nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải,…

TS. Vũ Tấn Phương - Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững

Có thể thấy tầm quan trọng của nền lâm nghiệp trong việc giảm phát thải KNK tại Việt Nam. Theo đó, nghiên cứu của TS. Vũ Tấn Phương – Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững, đã chỉ ra rằng, tuy lâm nghiệp đóng vai trò lớn trong việc giảm phát thải, tuy nhiên, kế hoạch bảo vệ rừng và đưa lâm nghiệp vào khai thác tiềm năng giảm phát thải vẫn còn nhiều hạn chế, điều này khiến lượng hấp thụ carbon trung bình năm 2020 tại Việt Nam là âm 40 triệu tấn CO2e, gây ra lượng phát thải lớn. Nguyên nhân đến từ việc khai thác, đốt, chặt phá rừng, sử dụng quỹ đất sai mục đích,...

Cần nhiều giải pháp

Để đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2030, cần những biện pháp phát triển lâm nghiệp và sử dụng đất hợp lý, trong đó, TS. Vũ Tấn Phương đề cập đến sự cần thiết phải phát triển lâm nghiệp nhằm giúp tăng năng suất, chất lượng rừng trồng thông qua bảo vệ rừng tự nhiên hiện có ở vùng đồi núi, bảo vệ rừng ven biển, phục hồi rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; giảm phát thải và phát thải carbon thấp trong việc nâng cao chất lượng và trữ lượng carbon rừng tự nhiên nghèo, rừng trồng gỗ lớn; quản lý rừng bền vững; giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào rừng và duy trì che phủ rừng 42%, bảo vệ đa dạng sinh học.

Theo đó, tiềm năng giảm phát thải dựa vào các biện pháp này theo dự tính từ năm 2021 – 2030, vùng Bắc Trung Bộ chiếm tỷ lệ giảm phát thải cao nhất khoảng 22,6%, Tây Bắc 18,2%, Tây Nguyên là 16%,… Tuy nhiên, đối với vùng Tây Nam Bộ chỉ với 3,4%, vì vậy, cần chú trọng phát triển lâm nghiệp theo các biện pháp bảo vệ rừng phòng hộ, rừng ngập mặn và rừng gỗ lớn.

Phát triển lâm nghiệp là giải pháp giúp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Do đó, để các biện pháp trên trở nên hiệu quả và đạt được mục tiêu giảm phát thải KNK vào năm 2030, tầm nhìn 2050, Việt Nam đã xây dựng Chương trình Giảm phát thải áp dụng cho vùng Bắc Trung Bộ (ERP) triển khai thực hiện từ 2014 cho đến nay, nhằm thúc đẩy thị trường thương mại carbon trong lâm nghiệp, giao dịch tín chỉ carbon trong nước và quốc tế.

Trong đó, vùng thực hiện ERP được thông qua 6 tỉnh thành: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế với 2,8 triệu ha rừng (55%) và 2,1 triệu ha rừng tự nhiên, nhằm đánh giá tính dễ bị tổn thương và có nguy cơ chịu rủi ro thiên tai cao dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Nhờ có chương trình này, Việt Nam đã xác định được nguyên nhân gây mất rừng và suy thoái rừng, cùng với đó, nguyên nhân chính do chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo theo kế hoạch sang trồng cao su và sử dụng cho đất nông nghiệp khác; chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo theo quy hoạch sang rừng trồng; chuyển đổi rừng tự phát sang xâm lấn; ảnh hưởng từ thủy điện và cơ sở hạ tầng; khai thác gỗ. Từ đó, dẫn đến những nguyên nhân sâu xa như: Chuyển đổi đất rừng bị cày cấy sang sử dụng đất có giá trị cao hơn; thiếu hỗ trợ cho quản lý rừng bền vững; thực hiện không đầy đủ các chính sách bảo vệ rừng tự nhiên.

TS. Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững, cho rằng, để tăng cường giảm phát thải từ rừng cần có các giải pháp khắc phục tồn tại như: Tăng cường điều kiện cần thiết cho giảm phát thải thông qua chuyển đổi rừng tự nhiên và thực thi pháp luật quản trị rừng bền vững; tăng cường chất lượng rừng thông qua bảo vệ, phục hồi nâng cao rừng tự nhiên hiện có và nâng cao trữ lượng rừng trồng; thúc đẩy nông nghiệp thông minh thích ứng BĐKH và sinh kế bền vững cho người dân, phụ thuộc vào rừng qua việc cải thiện sản xuất nông nghiệp và sinh kế đa dạng bền vững,…

Ngoài ra, cần xây dựng các phương án trong cách tiếp cận trong đo đạc, theo dõi và báo cáo dữ liệu NFIMAP (bản đồ kiểm kê rừng quốc gia) từ năm 2005 – 2020; phương trình dự báo sinh khối quốc gia và trữ lượng carbon các loại rừng từ năm 2005 – 2020 để có thể ước tính lượng phát thải, hấp thụ carbon, từ đó đưa ra đề xuất giải pháp tính toán cho từng tỉnh và toàn vùng.

Đồng thời, nhằm giảm phát thải KNK và tăng tiềm năng phát triển thương mại carbon trong lâm nghiệp, TS. Vũ Tấn Phương đề xuất, cần có thêm khung pháp lý rõ ràng về đầu tư, quyền carbon, chia sẻ lợi ích; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; đảm bảo năng lực kỹ thuật trong toàn bộ quá trình thực hiện, đặc biệt là năng lực về xây dựng dự án, đo đạc, báo cáo và thẩm định.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo minh bạch, công khai thông tin, dữ liệu phục vụ cho đo đạc, báo cáo thẩm định, chia sẻ lợi ích, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường xã hội và tối ưu hóa nguồn lực đầu tư thông qua lồng ghép các chương trình, dự án, đa dạng thị trường carbon, đảm bảo được hiệu quả thực hiện./.

Nguồn: MONRE

Tác giả: Hoài Thu/ MONRE