Nâng cao vai trò cộng đồng doanh nghiệp đạt các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia

Quản trị viên 13/05/2024 Khối môi trường

Trong điều kiện, bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh các hoạt động hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu này nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Bởi các doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, biến các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, việc thực hiện cam kết của Chính phủ cũng tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp triển khai các hoạt động nghiên cứu, hiến kế, đổi mới sáng tạo, cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính xanh để đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững doanh nghiệp. Ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định, bởi thông qua mô hình sản xuất kinh doanh tuần hoàn, bền vững, doanh nghiệp sẽ đóng góp đáng kể vào giảm phát thải các-bon, hướng tới sản xuất, tiêu dùng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.

Hiện nay, một số thị trường lớn của Việt Nam như Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản,… đang có định hướng áp dụng các cơ chế điều chỉnh các-bon xuyên biên giới trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhập khẩu đối với một số hàng hóa cụ thể như thép, xi măng, hóa chất, phân bón... Nếu không triển khai các hoạt động giảm hàm lượng các-bon trên một đơn vị sản phẩm sẽ khiến cho khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới sụt giảm đáng kể. Thực tế, khối doanh nghiệp cần có thời gian chuyển đổi và cần được hỗ trợ, trước tiên là hỗ trợ về thông tin, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn hay giảm phát thải khí nhà kính… Nếu doanh nghiệp không có được nhận thức về các vấn đề trên, khi văn bản có liên quan được ban hành mới gấp rút chuẩn bị thực hiện thì chắc chắn sẽ tốn kém thêm chi phí và việc tuân thủ các quy định này của doanh nghiệp cũng khó đảm bảo theo yêu cầu.

Vinamilk phát động trồng hàng ngàn cây xanh, hướng đến mục tiêu Net Zero (ảnh: Khương Trung)

Vì vậy, để đảm bảo được yêu cầu tuân thủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, doanh nghiệp cần thiết lập, duy trì và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho kiểm kê khí nhà kính cũng như xây dựng và triển khai các kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, đặc biệt là cho giai đoạn đến năm 2025. Để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, mỗi doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp của nước ta cần được trang bị những thông tin chi tiết về dữ liệu phát thải các-bon trong từng thời điểm và nhằm đưa ra quyết định khắc phục kịp thời.

Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp thừa nhận rằng các hoạt động kinh doanh của họ hiện không được kết hợp tính toán dữ liệu về khí thải và còn nhiều bỡ ngỡ trong tham gia thực thi hoạt động này.

Hiện nay, các Bộ quản lý lĩnh vực đã triển khai xây dựng và ban hành một số hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở cấp cơ sở. Đây sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp có thể thực hiện được vai trò và trách nhiệm của mình trong nỗ lực chung của quốc gia nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần đóng vai trò định hướng, tạo môi trường để thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm phát thải khí nhà kính cũng như có các chính sách điều chỉnh để đảm bảo hài hòa giữa ổn định kinh tế và mục tiêu trung hòa các-bon. Các doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động của các chính sách này sẽ cần có chiến lược tiếp cận phù hợp để tận dụng được các cơ hội trong quá trình chuyển dịch này mang lại, từ đó giúp hiện thực hóa các mục tiêu của chính sách./.

Nguồn: MONRE

Tác giả: Ngọc Bách/MONRE