Tháng tư - Nhớ về ngày lịch sử

Quản trị viên 23/04/2024 Tin tức - Sự kiện

Cứ vào độ trung tuần tháng 4 hàng năm, có những người lại bồi hồi nhớ về một miền ký ức đã khảm sâu trong tâm trí. Họ - những người lính năm ấy, có thể gặp lại nhau, cùng hàn huyên về những ngày tháng qua, cũng có thể đang an dưỡng tuổi xế chiều, vui vầy bên những công việc thường nhật. Nhưng trong họ, những hình ảnh, những khoảnh khắc đánh dấu sự chấm dứt những ngày nô lệ, trở thành người chủ đích thực của Vùng than- Ngày giải phóng Vùng mỏ 25/4 - sẽ mãi mãi không thể nào quên.

Cách đây ít năm, tôi đã có dịp được gặp gỡ một “nhân chứng sống” của ngày Giải phóng khu mỏ. Ông là một cựu chiến binh đã trực tiếp cùng đồng đội tiếp quản vùng mỏ vào cái ngày lịch sử 25/4. Khi tôi hỏi thăm nhà ông Nguyễn Ngọc Thung, Nguyên Giám đốc Đài Phát thanh -Truyền hình Quảng Ninh, ai ai sống ở khu 5, phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, đều tỏ. Tuy đã tuổi đã cao, nhưng khi được hỏi về câu chuyện lịch sử ngày giải phóng, ông Thung vẫn kể lại rõ ràng như chỉ mới hôm qua.

“Nào, làm cốc bia cho mát đã, có cán bộ trẻ đến tìm hiểu chuyện ngày giải phóng Vùng mỏ, bác vui lắm”. Ông bắt đầu câu chuyện một cách hào sảng như thế. Dòng câu chuyện ông kể tựa như một cuốn phim tư liệu lịch sử tua chậm, đưa tôi trở về những năm tháng hào hùng ấy: “Hiệp định Giơnevơ được ký kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Sư đoàn bộ binh 350 gồm 5 Trung đoàn: 600, 254, 53, 94 và 244. Đây là những đơn vị tập trung từ các chiến trường, địa phương trong các liên khu phía Bắc về làm nhiệm vụ tiếp quản và bảo vệ vùng mới giải phóng gồm những thành phố lớn, khu công nghiệp… Trong đó, Trung đoàn 244 được thành lập gồm 3 tiểu đoàn: Tiểu đoàn Kiến An có truyền thống đánh trận kiên cường với chiến thắng Cát Bi vang dội; Tiểu đoàn ở Hải Dương lập chiến công “Tiếng sấm đường 5”; tiểu đoàn của Hồng Quảng có Đại đội Hồ Chí Minh các bác, gồm toàn công nhân mỏ, chiến đấu rất dũng cảm, nhất là trận công đồn Hà Lầm, từng được luân lưu về kháng chiến của Hồ Chủ tịch vì có bề dày chiến đấu.”

“Lúc ấy, bác còn trẻ, nghe tin lập lại hòa bình thì sung sướng lắm. Nghe họp ở mãi đâu xa bảo là hòa bình, rồi Trung đoàn điện xuống thì biết thế chứ cũng khó tin. Ở Hồng Quảng bấy giờ là khu vực 300 ngày, Pháp nó có điều kiện để cài cắm tổ chức, xuyên tạc luận điệu. Trong các mỏ, chúng định mang máy móc hoặc phá hết, đến lúc rút lui, khu mỏ ta hoàn toàn tê liệt. Vì thế nên ta chủ trương, máy móc giao cho công nhân thay nhau 24/24, có hiện tượng gì thì phải xúm đông lại để phản đối. Bộ đội ta bảo vệ vòng ngoài. Trước khi vào tiếp quản, các bác còn nghe tin dân ta bị quân phản động tuyên truyền “Quân Việt Minh sống trong rừng, tóc nó dài, răng nó đen, nó ăn thịt người”, khiến dân ta sợ quân đội Việt Minh.

Đoàn của bác và của Đoàn Tê thì về đóng ở Vạn Hoa, sau đó hành quân về tập kết ở Mông Dương, chuẩn bị về Hòn Gai. Ngày 25/4/1955, các bác tiếp quản từ Bốt điện Quang Hanh, rồi mỏ Hà Tu, vào Nhà máy điện Cột 5. Đại đội của bác có một đội quân danh dự, lưỡi lê tuốt trần hành quân đi đằng trước. Lính pháp cũng có một đội danh dự, chúng rút lui. Mình càng tiến, nó lại càng lui. Lúc bấy giờ, phía trước chúng di chuyển thì vắng tanh, chẳng có người. Nhưng ngược lại, Quân Việt Minh ta đi đến đâu thì đằng sau là cờ đỏ sao vàng, tất cả ùa ra đầy đường phố. Dân ùa ra reo hò chào mừng bộ đội, sung sướng vô cùng. Riêng anh Đoàn Tê ở đội danh dự ấy, tống tiễn chúng nó từ Cột 5 đến tận tàu há mồm ở bến phà rồi quay về, lúc ấy dân còn reo hò hân hoan hơn, cờ hoa rực đỏ cả góc phố”. Ông Thung kể trong niềm vui sướng.

“Vào tiếp quản khu mỏ năm ấy có rất nhiều đơn vị: 238 tiếp quản Cẩm Phả, 242 tiếp quản ngoài đảo, 244 tiếp quản Hòn Gai này. Nhưng nói đến nhiệm vụ bảo vệ thì chỉ có Trung đoàn 244 suốt từ Mông Dương đến Hòn Gai. Hầu như nơi đâu cũng có dấu chân các bác”. Những ngày sau đó, các đơn vị đều chuyển sang nhiệm vụ bảo vệ vùng mỏ, ngày đêm bộ đội đi tuần, trong nhà máy có công nhân trực, từ trạm điện cũng phải có người trực. Bảo vệ an toàn là thế nên Pháp không thực hiện được âm mưu đem máy móc đi. Từ đó, người thợ mỏ từ nô lệ trở thành người làm chủ.

Tôi may mắn có dịp được tham dự một buổi gặp mặt của những cựu chiến binh trung đoàn Trung đoàn 244 - Sư đoàn 350, vào thời điểm họ tổ chức kỷ niệm 63 năm Trung đoàn tiếp quản và bảo vệ khu mỏ Hồng Quảng. Tại buổi gặp mặt hôm ấy, nguyên chính trị viên Đặng Văn Uông (lúc đó đã 91 tuổi) đã có bài diễn văn ôn lại truyền thống lịch sử, những chiến công hào hùng trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Vùng mỏ. Việc thành lập Trung đoàn 244, thuộc Sư đoàn 350 có ý nghĩa rất đặc biệt trong việc tiếp quản, bảo vệ Khu mỏ Hồng Quảng, đồng thời đánh tan âm mưu làm tê liệt Vùng mỏ, bảo vệ các công sở, các nhà máy, mỏ than. Với tinh thần đó, từ 1955 -1960, Trung đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ vùng mỏ, bảo vệ máy móc, các cơ sở duy trì sản xuất. Với những chiến công đạt được, ngày 30/3/1959, Trung đoàn 244 đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nghỉ lại qua đêm tại trụ sở của Trung đoàn. Bác căn dặn các cán bộ, chiến sỹ phải bảo vệ vững chắc các mục tiêu được giao nhằm duy trì hoạt động ổn định của các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ; đồng thời tích cực trồng cây gây rừng, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống bộ đội. Ban liên lạc CCB Trung đoàn 244 đã duy trì tổ chức gặp mặt nhiều năm qua, đó là dịp những “nhân chứng sống” của ngày Giải phóng Khu mỏ Hồng Quảng năm xưa gặp gỡ, ôn lại những câu chuyện đã đi qua, là tiền đề quan trọng để những thế hệ tiếp theo sinh sống, làm việc và xây dựng Vùng mỏ Quảng Ninh thêm phát triển bền vững, đẹp giàu.

Có những điều khi đã qua đi nhưng vẫn để lại một điều gì đó thật thiêng liêng và ý nghĩa. Ngày Giải phóng Vùng mỏ 24/5 là một trong những điều như thế, để khi nhắc lại, bất cứ ai đã và đang sinh sống, làm việc khắp miền đất chữ S thu nhỏ này cũng đều nhớ về Tháng Tư - Nhớ về ngày lịch sử - Ngày những Người Thợ mỏ thực sự trở thành người chủ vùng Than./.

Nguồn: VINACOMIN

Tác giả: CTV: Dương Lâm