Cùng tìm giải pháp hạn chế ô nhiễm nhựa

Quản trị viên 17/04/2024 Khối môi trường

Ô nhiễm nhựa, rác thải nhựa là vấn đề môi trường nhức nhối và cấp bách trên toàn cầu. Để giải quyết vấn nạn này, cần sự chung tay của cả nhân loại. Trong đó, rất cần những đổi mới, sáng kiến thiết thực và phù hợp với từng quốc gia trong từng giai đoạn phát triển.

Ô nhiễm nhựa – vấn đề không của riêng ai

Hiện nay, ô nhiễm nhựa, rác thải nhựa là vấn đề môi trường nhức nhối, nghiêm trọng và cấp bách trên toàn cầu. Mỗi năm, lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó, 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương. Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, số lượng bao bì nhựa và túi ni lông sử dụng ngày càng gia tăng đe dọa nghiêm trọng đến môi trường đất, nước, không khí và đại dương. Nếu không có các giải pháp đồng bộ, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng, khôn lường.

Năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”, nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019, nguyên thủ các nước, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã cam kết mạnh mẽ về việc chống rác thải nhựa. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường, đồng thời tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa. Năm 2022, Nghị quyết UNEP/EA.5/Res.14, kỳ họp lần thứ 5 Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc đã đề xuất các nước thành viên tiến hành đàm phán xây dựng một văn kiện ràng buộc pháp lý nhằm giải quyết khủng hoảng về ô nhiễm nhựa.

Cùng chung nỗ lực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam tích cực đề xuất các sáng kiến và tham gia các cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết rác thải nhựa. Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc về xử lý rác thải nhựa và rác thải biển. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề nhựa trên biển. Hiện nay, Việt Nam đang là quốc gia tích cực tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa…

Giải quyết vấn nạn ô nhiễm nhựa rất cần những sáng kiến đổi mới, thiết thực và phù hợp.

Tuần hoàn nhựa – trụ cột giải pháp xanh

Một trong những trụ cột "giải pháp xanh" cho nền kinh tế tuần hoàn chính là tái chế rác thải hiệu quả. Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều đề xuất chính sách, chiến lược, quy định pháp luật để tăng cường quản lý, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, tái sử đụng rác thải nhựa. Có thể kể đến như: Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra quy định trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR). Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải và tái chế bao bì, sản phẩm.

Đồng thời, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng đã có nhiều hoạt động tích cực, sôi nổi, thiết thực để giảm thiểu, chống rác thải trên khắp cả nước. Một số địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cộng đồng đã có những mô hình, hành động thiết thực để giải quyết rác thải nhựa, đưa ra các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong thúc đẩy tuần hoàn nhựa, đặc biệt là các mô hình thúc đẩy tuần hoàn nhựa trong khuôn khổ hợp tác Công - Tư của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc phân loại, thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa còn rất hạn chế. Rác thải nhựa, bao bì nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa mềm, giá trị thấp hiện nay chủ yếu được chôn lấp, đốt hoặc thải ra ngoài môi trường; chỉ một số loại bao bì nhựa có giá trị thì được thu gom, tái chế chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, một số bao bì nhựa được tái chế lại không đúng cách, gây ô nhiễm môi trường tại các làng nghề tái chế.

Tìm kiếm giải pháp thiết thực

Từ thực tế trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Unilever Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh BritCham, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF), Đại sứ quán Anh và Ngân hàng Standard Chartered phát động chương trình “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024”. Đây là hành động thiết thực và ý nghĩa để tìm kiếm, vinh danh và đầu tư, hỗ trợ cho các sáng kiến, giải pháp đổi mới, sáng tạo trong hoạt động phân loại, thu gom và tái chế rác thải bao bì nhựa, đặc biệt là nhựa mềm, giá trị thấp tại Việt Nam. Sáng kiến thực hiện Chương trình này giúp thúc đẩy, hỗ trợ việc thực hiện quy định EPR.

Đối tượng tham gia cuộc thi là cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người Việt Nam tại nước ngoài có các sáng kiến, mô hình, giải pháp (đã hoặc chưa đăng ký thành lập doanh nghiệp) hướng đến giải quyết bài toán về rác thải nhựa, rác thải bao bì nhựa, đặc biệt là rác thải bao bì nhựa mềm có thể ứng dụng cho thị trường Việt Nam. Và, tổ chức có tư cách pháp nhân tại Việt Nam đang phát triển sản phẩm mẫu hoặc sở hữu giải pháp công nghệ giúp cải tiến và giải quyết các vấn đề trong thu gom, phân loại và tái chế rác thải bao bì nhựa, đặc biệt là rác thải bao bì nhựa mềm.

Cuộc thi diễn ra trong 5 tháng, từ tháng 4/2024 tới tháng 8/2024, với các vòng sàng lọc, tuyển chọn, đào tạo và chung kết.

Cuộc thi "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024" kỳ vọng sẽ tìm ra nhiều sáng kiến mới, giải pháp đổi mới sáng tạo nâng cao chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa, chú trọng giải pháp thu gom, phân loại và tái chế rác thải bao bì nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa mềm tại Việt Nam. Đồng thời, khuyến khích lan tỏa và đầu tư cho các sáng kiến và giải pháp mới về thu gom, phân loại và tái chế rác thải bao bì nhựa phù hợp với thị trường Việt Nam./.

Nguồn: MONRE

Tác giả: Phạm Oanh/ Bộ Tài nguyên và Môi trường