Nhiên liệu hóa thạch đang đẩy nhanh sự xuất hiện của mùa hè không băng ở Bắc Cực

Quản trị viên 16/03/2024 Khối môi trường

Nơi trú ngụ các loài gấu Bắc Cực, hải cẩu và hải mã có thể sẽ bị ngập nước trong nhiều tháng, sớm nhất là vào năm 2035 do tác động của khí thải từ nhiên liệu hóa thạch. Theo các nhà khoa học, điều này sẽ biến Bắc Cực thành một môi trường hoàn toàn khác.

Băng tan đang đe dọa quần thể gấu Bắc Cực, khiến chúng có nguy cơ biến mất hoàn toàn. Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images

Trong suốt gần hai thập niên qua, mức độ bao phủ của băng biển ở Bắc Cực tương đối thấp và xảy ra tình trạng băng tan suốt những tháng mùa hè. Các tảng băng tại Greenland (Đan Mạch) đang tan chảy với tốc độ nhanh chóng mặt, nhanh gấp 6 lần so với những năm 80 của thế kỷ trước.

Theo một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Nature Reviews Earth & Environment (Tạp chí Thiên nhiên Trái đất & Môi trường), trong thập kỷ tới, Bắc Cực có thể có những ngày hè hầu như không có băng biển do tác động tiêu cực của khí thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Điều này sẽ biến đổi môi trường sống duy nhất - nơi sinh sống của gấu Bắc cực, hải cẩu và hải mã - từ "Bắc Cực trắng" thành "Bắc Cực xanh lam" trong những tháng mùa hè. Các nhà khoa học cho biết, tính toán được sử dụng cho "không có băng" tương ứng với xấp xỉ 1 triệu km2, trong trường hợp đó, Bắc Cực sẽ chủ yếu là nước.

Các phát hiện này cho thấy ngày không có băng đầu tiên ở Bắc Cực có thể xảy ra sớm hơn 10 năm so với các dự báo trước đó. Theo đó, tháng 9 không có băng biển có thể xuất hiện vào năm 2035 đến năm 2067. Thời gian chính xác sẽ phụ thuộc vào việc thế giới cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch nhanh như thế nào. Đến cuối thế kỷ này, tình trạng Bắc Cực không băng có thể xảy ra từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau theo kịch bản phát thải cao, và tháng 8 đến tháng 10 theo kịch bản phát thải thấp.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến Bắc Cực nghiêm trọng hơn so với phần còn lại của thế giới. Do bầu không khí nóng lên, băng tan thành nước, các sinh vật tại Bắc Cực buộc phải thay đổi để thích nghi. Theo thống kê, số lượng cá thể gấu Bắc Cực đã giảm khoảng 40% trong thập niên qua do tình trạng băng tan nhanh chóng. Rõ ràng, khi băng tan chảy hết, gấu Bắc Cực, cũng như các loài sinh vật khác ở nơi đây, sẽ không còn cơ hội để sinh tồn và thậm chí có thể biến mất trong tự nhiên vào cuối thế kỷ 21.

Chính vì vậy, theo Alexandra Jahn, phó giáo sư khoa học khí quyển và đại dương tại Đại học Colorado Boulder (Mỹ) và là tác giả chính của nghiên cứu này, “ngay cả khi viễn cảnh Bắc Cực không có băng là không thể tránh khỏi, chúng ta vẫn cần giữ lượng khí thải ở mức thấp nhất có thể để tránh tình trạng này kéo dài”.

Tuy nhiên, vấn đề này có khả năng khắc phục. Theo bà Jahn, "không giống như dải băng ở Greenland mất hàng ngàn năm để hình thành, ngay cả khi chúng ta làm tan chảy tất cả băng biển Bắc Cực, nếu chúng ta có thể tìm ra cách lấy CO2 ra khỏi khí quyển trong tương lai để đảo ngược sự nóng lên của trái đất, băng biển sẽ quay trở lại trong vòng một thập kỷ".

Không chỉ động vật hoang dã Bắc Cực sẽ bị tổn thương khi môi trường sống của chúng tan chảy mà cả con người sống trên bờ biển cũng sẽ gặp khó khăn. Băng biển làm giảm tác động của sóng biển lên bờ biển, đồng nghĩa với việc nếu băng biển biến mất, sóng sẽ ngày càng mạnh và lớn hơn, gây xói mòn nhiều hơn. Những thay đổi ở Bắc Cực cũng được cho là có khả năng góp phần gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn như lũ lụt, hạn hán, rét sâu hoặc thậm chí là cháy rừng./.

Tác giả: Đỗ Thanh Hương (Theo The Guardian)