Kết quả thực hiện của phương án sử dụng đất sau khai thác tại mỏ bauxit Tân Rai, Lâm Đồng

Quản trị viên 11/03/2024 Khối dự án

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được Bộ Tài nguyên và Môi trường (BTNMT) cấp phép khai thác quặng bauxit bằng phương pháp lộ thiên trên diện tích 1.619,5ha, tại khu Tây Tân Rai thuộc xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 1084/GP-BTNMT ngày 21/6/2010. Việc khai thác quặng bauxit chiếm dụng rất nhiều đất, bình quân khoảng 70-80ha/năm. Trong khi đó, người dân địa phương trong vùng hầu như là thuần nông, sau khi thu hồi đất, người dân không có việc làm khác, ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội. Mặt khác, theo đề án cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác mỏ (CPM) đã được BTNMT phê duyệt tại Quyết định số 980/QĐ-BTNMT ngày 27/05/2014, với mục tiêu phủ xanh để cải tạo môi trường thì đất sau khai thác sẽ được trồng cây keo, tuy nhiên, việc trồng keo sẽ chỉ đảm bảo về mặt môi trường cảnh quan chứ chưa đem lại nhiều hiệu quả về mặt kinh tế.

Xuất phát từ những vấn đề trên và đồng thời thực hiện theo chủ trương của UBND tỉnh Lâm Đồng tại Văn bản số 5779/UBND-ĐC ngày 04/8/2022, TKV đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - TKV (LDA) phối hợp với Công ty Cổ phần Tin học, Công nghệ, Môi trường – Vinacomin (VITE) lập phương án sử dụng đất sau khai thác của Công ty TNHH MTV nhôm Lâm Đồng – TKV, trình UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, làm cơ sở khai thác có hiệu quả và bền vững quỹ đất của địa phương trên diện tích đất sau khai thác quặng bauxit.

Để phục vụ công tác lập phương án sử dụng đất, trong quá trình thực hiện phương án, nhóm tác giả đã khảo sát thu thập đầy đủ các thông tin như: hiện trạng, quy hoạch sử dụng đất, các thông tin về giao thông, điện nước, các ngành dịch vụ, y tế, tham vấn ý kiến người dân,…và lấy mẫu phân tích thổ nhưỡng để đánh giá sự thích nghi của các loại cây trồng trên đất hoàn thổ sau khai thác bauxit.

Kết quả ban đầu về lựa chọn phương án, cơ cấu sử dụng đất sau khai thác bauxit mỏ Tân Rai như sau:

TT

Diện tích, cơ cấu các loại đất

Diện tích (ha)

 

Tổng diện tích

1.619,50

1

Diện tích đất công ty giữ lại sử dụng

17,55

-

Kho quặng nguyên khai

4,73

-

Nhà máy tuyển

6,54

-

Phòng điều hành, khu vực tập kết xe máy thiết bị khai thác các đơn vị

2,37

-

Đường vận chuyển; trạm cân 80 tấn, 120 tấn

3,91

2

Diện tích đất rừng tự nhiên

107,00

3

Diện tích đất dành cho tái định cư

62,22

4

Diện tích hồ thải quặng đuôi

40,61

5

Diện tích đất nghĩa trang, nghĩa địa

6,15

6

Ðất dành cho địa phương phát triển KT-XH

613,06

-

Dự án đất thể thao kết hợp TMDV

272,14

-

Dự án khu công nghiệp Tân Rai

333,85

-

Đất hạ tầng (theo QH huyện)

7,07

7

Diện tích đất giao thông nội bộ

65,53

8

Quỹ đất nông nghiệp để giao lại cho hộ dân có đất bị thu hồi được tái sử dụng (tái định canh)

707,38

Hiện nay, phương án sử dụng đất sau khai thác quặng bauxit mỏ Tây Tân Rai, Lâm Đồng đã được trình bày báo cáo để lấy ý kiến góp ý tại UBND huyện Bảo Lâm.

Sau khi báo cáo được trình bày để xin ý kiến tại UBND huyện Bảo Lâm. Ban Thường vụ Huyện uỷ Bảo Lâm đã ra Kết luận số 1014-KL/HU ngày 05/02/2024 và ý kiến thống nhất của tập thể lãnh đạo UBND huyện tại cuộc họp ngày 29/01/2024 về việc xem xét, giải quyết nội dung đề nghị của Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng – TKV về phương án sử dụng đất sau khai thác quặng bauxite tại mỏ Tây Tân Rai. UBND huyện Bảo Lâm đã đề nghị Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng – TKV thống nhất chọn phương án sử dụng đất sau khai thác quặng bauxite tại mỏ Tây Tân Rai theo quy hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê quyệt. Theo đó, ngoài diện tích TKV giữ lại cho việc phục vụ sản xuất thì diện tích còn lại sẽ sử dụng như sau: Dành cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội (gồm: Dự án đất thể thao kết hợp với thương mại, dịch vụ và Dự án Khu công nghiệp Tân Rai); Quỹ đất để tái định canh, định cư (Giao lại cho hộ dân có đất bị thu hồi được tái sử dụng để phát triển kinh tế, trồng cây có ích mang lại giá trị kinh tế cao,…). Đồng thời, UBND huyện Bảo Lâm cũng thống nhất đề nghị của Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng – TKV về việc sử dụng đất hoàn thổ sau khai thác quặng bauxit theo hướng không nhất thiết trồng cây phục hồi môi trường theo CPM, mà sau khi được san, gạt, hoàn thổ bằng đất màu thì bàn giao cho địa phương để phát triển kinh tế – xã hội, bố trí tái định canh, tái định cư./.

Tác giả: Giáp Văn Kiên