Cuộc khủng hoảng kim loại đất hiếm

Quản trị viên 29/11/2023 Khối địa chất

Ngày 12/12/2015, 195 quốc gia đã thông qua Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, mở đường để thế giới tiến tới một tương lai xanh hơn, sạch hơn. Để thực hiện các mục tiêu đề ra, trọng tâm chủ yếu là giảm lượng khí thải carbon. Tuy nhiên, một vấn đề ít được thảo luận nhưng không kém phần cấp bách là sự thiếu hụt của một loại khoáng sản đặc biệt, vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, có vai trò rất quan trọng đối với các công nghệ xanh – đó là kim loại đất hiếm.

Cuộc khủng hoảng kim loại đất hiếm. Nguồn: Mining Digital

Theo một bài báo mới đây của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG), nhu cầu đất hiếm toàn cầu dự kiến dự báo sẽ đạt 466 kiloton vào năm 2035, tăng gần ba lần so với mức 170 kiloton trong năm 2022. Một trong những tác giả của bài báo, Tom Butler, từng giữ vai trò Giám đốc điều hành Hội đồng Khai thác mỏ và Kim loại Quốc tế (ICMM) nhấn mạnh tính cấp bách của tình hình: "Sự thiếu hụt nghiêm trọng đất hiếm dự kiến sẽ diễn ra trong ngắn hạn và trung hạn, đe dọa khả năng đạt được các mục tiêu khử cacbon của thế giới. Sự thiếu hụt này kết hợp với thực tế là Trung Quốc đang thống trị chuỗi cung ứng hiện tại do đó thị trường phải chịu thêm yếu tố rủi ro địa chính trị. Dường như ngày càng rõ ràng rằng chúng ta sẽ không thể đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris là hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không vượt quá 1,5 độ so với mức tiền công nghiệp. Chúng ta sắp hết thời gian cho việc này".

Sự phức tạp và yếu tố địa chính trị của khai thác đất hiếm

Kim loại đất hiếm không hiếm như tên gọi của chúng: thách thức nằm ở việc khai thác và chế biến chúng. Quá trình xử lý đất hiếm cực kỳ phức tạp, đòi hỏi lao động rất lành nghề. Thời gian tiến hành phát triển có thể kéo dài - ít nhất là năm năm, tùy thuộc vào vị trí của mỏ và các yếu tố cần cân nhắc như tính chất của thân quặng, vấn đề hậu cần bên cạnh khuôn khổ tài chính, pháp lý và giấy phép.

Vì vậy, để tránh xảy ra tình trạng thiếu hụt được dự báo vào năm 2030 thì cần khởi động ngay lập tức hơn 20 dự án đất hiếm mới và 10 dự án bổ sung vào năm 2035. Bài báo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư 30 tỷ USD chỉ riêng cho giai đoạn thượng nguồn từ năm 2022 đến năm 2035.

Trung Quốc hiện đang thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu, đặt ra những rủi ro địa chính trị đáng kể. Theo các chuyên gia, Trung Quốc sẵn sàng tận dụng ảnh hưởng của mình trong ngành đất hiếm toàn cầu để theo đuổi các mục tiêu chính trị, gây sức ép lên Mỹ trong cuộc cạnh tranh giữa hai nước và là một trong những mối bận tâm chính của các nước phương Tây, nhất là sau đợt tăng giá đất hiếm vào năm 2010 khi Trung Quốc hạn chế nguồn cung cho các nhà sản xuất Nhật Bản sau một tranh chấp chính trị. Bài báo cũng nhấn mạnh vai trò của động lực thị trường trong ngành công nghiệp đất hiếm. Lấy ví dụ, giá oxit neodymi cần đạt ít nhất là 150 USD/kg để một dự án trung nguồn có lợi nhuận. Tuy nhiên, cho đến nay, giá chưa bao giờ vượt quá ngưỡng này trong bất kỳ khoảng thời gian đáng kể nào.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung đất hiếm đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu. Mặc dù ban đầu các chính phủ chậm trễ trong hành động nhưng hiện đã có sự thừa nhận rộng rãi về thách thức này. Trong vài năm qua, nhiều quốc gia đã đưa ra các chiến lược khoáng sản quan trọng. Một số quốc gia, chẳng hạn như Mỹ, đang trực tiếp hỗ trợ khu vực tư nhân trong lĩnh vực này bằng các khoản đầu tư cổ phần. Pháp đã thành lập một "đài quan sát" để phát triển các giải pháp kỹ thuật và kinh tế trong lĩnh vực khoáng sản quan trọng. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện có nhu cầu cấp bách về sự hợp tác quy mô lớn hơn cũng như một trung tâm tri thức toàn cầu, là nơi để trao đổi mọi thông tin.

Chi phí con người và môi trường

Mặc dù trọng tâm thường là các khía cạnh kinh tế và địa chính trị, tuy nhiên, xem xét chi phí con người và môi trường của khai thác đất hiếm cũng là yếu tố quan trọng. Bất kỳ dự án khai thác mới nào cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Các công ty mỏ nên tham gia với cộng đồng địa phương và đầu tư vào các hoạt động khai thác bền vững để giảm thiểu tác động môi trường. Giống như các ngành khai khoáng khác, ngành công nghiệp đất hiếm có trách nhiệm đảm bảo rằng việc khai thác khoáng sản quan trọng này không gây thiệt hại cho hệ sinh thái hoặc cộng đồng địa phương.

Trách nhiệm này làm cho lời kêu gọi hành động càng trở nên cấp bách hơn. Khi phấn đấu vì một tương lai xanh hơn, các nhà khai thác đất hiếm cũng phải đảm bảo rằng con đường họ đi là bền vững và công bằng, không chỉ cho cộng đồng toàn cầu mà còn cho cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các hoạt động khai thác. Đó là một yêu cầu cao nhưng không thể bỏ qua.

Một quả bom hẹn giờ

Sự thiếu hụt kim loại đất hiếm là một quả bom hẹn giờ đòi hỏi hành động ngay lập tức và sự hợp tác của chính phủ và khu vực tư nhân. Các mục tiêu phát thải carbon toàn cầu vào năm 2050 có khả năng bị cản trở bởi sự mất cân bằng cung-cầu đất hiếm trừ khi thế giới có hành động nhanh chóng, tích cực và có ý nghĩa. Cần triển khai các hoạt động khai thác thượng nguồn ngay lập tức, trong đó, sự hợp tác giữa các nhóm công - tư, các tập đoàn công nghiệp, quan hệ đối tác khu vực và tư nhân là rất quan trọng để chia sẻ rủi ro và minh bạch.

Sự thiếu hụt đất hiếm có thể không phải là vấn đề cần lưu tâm hàng đầu hiện nay, nhưng nó phải được giải quyết - nếu không nó sẽ trở thành một nút thắt cổ chai, hạn chế đáng kể cơ hội của thế giới đạt được các mục tiêu phát thải carbon. Năm 2035, dự báo nhu cầu nam châm đất hiếm sẽ tăng gấp ba lần so với mức hiện tại, tương ứng với nhu cầu cần khoảng 30 dự án mới. Rõ ràng là còn lâu thế giới mới đạt được mục tiêu này.

Đảm bảo nguồn cung cấp kim loại đất hiếm đồng nghĩa với việc đảm bảo tương lai của con người. Câu hỏi đặt ra hiện nay không phải là liệu chúng ta có đủ khả năng để hành động hay không, mà là liệu chúng ta có đủ khả năng để không hành động hay không./.

Tác giả: Đỗ Thanh Hương (Theo Mining Digital)