Mỏ đất hiếm Lào Cai, Yên Bái được phê duyệt là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

Quản trị viên 06/11/2023 Khối địa chất

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Theo đó, huyện Bảo Yên, Văn Bàn của tỉnh Lào Cai và huyện Văn Yên của tỉnh Yên Bái sẽ là hai khu vực dự trữ khoáng sản đất hiếm tại Việt Nam.

10 loại khoáng sản đã được phê duyệt

Theo quyết định này toàn quốc có 93 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với 10 loại khoáng sản đã được phê duyệt, trong đó có đất hiếm.

Trong đó, cụ thể quặng bô xít (23 khu vực), đá hoa trắng (17 khu vực), cát trắng (15 khu vực); quặng titan và quặng sắt - laterit (14 khu vực), quặng cromit (3 khu vực); quặng đất hiếm, than năng lượng, quặng apatit (2 khu vực), quặng chì - kẽm (1 khu vực).

Đất hiếm (đất hiếm vỏ phong hóa) được phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia tại tỉnh Lào Cai là khu vực Cam Cọn - Tân Thượng, diện tích 18,90km2, có 285.000 tấn dự trữ nằm trên đại bàn huyện Bảo Yên và Văn Bàn của tỉnh Lào Cai.

Mỏ đất hiếm Lào Cai, Yên Bái được phê duyệt là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Ngoài tỉnh Lào Cai, tại tỉnh Yên Bái khu vực được phê duyệt là khu vực Đồng Tâm với diện tích 29,40km2, có 160.000 tấn dự trữ thuộc địa bàn huyện Văn Yên.

Đất hiếm ở khu vực Cam Cọn - Tân Thượng (tỉnh Lào Cai) và Đồng Tâm (tỉnh Yên Bái) đều có thời gian dự trữ 30 năm.

Theo quyết định số 1277 của Chính phủ, trong thời gian dự trữ của các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia nêu trên, việc quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thực hiện các dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải tuân thủ quy định của nghị định số 51 năm 2021 của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, quy định của pháp luật về khoáng sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan công khai các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao hồ sơ khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia để quản lý, bảo vệ theo quy định.

Việt Nam có khoảng 22 triệu tấn đất hiếm

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ước tính trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam có khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc 44 triệu tấn. Một số quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn khác: Brazil có khoảng hơn 21 triệu tấn, Nga có khoảng 21 triệu tấn, Ấn Độ có khoảng gần 7 triệu tấn…

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Chính phủ phê duyệt vào tháng 7 vừa qua, dự tính tổng sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn quặng nguyên khai mỗi năm.

Cụ thể, 2 mỏ được tập trung đầu tư khai thác là mỏ Yên Phú (huyện Văn Yên, Yên Bái) và mỏ Đông Pao (huyện Tam Đường, Lai Châu).

Tiếp đó, mục tiêu đến 2030 sẽ hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại một số mỏ đất hiếm ở Lai Châu. Thăm dò, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Dự kiến, năm 2030 sẽ hoàn thành đầu tư nhà máy chế biến đất hiếm tại Yên Bái.

Giai đoạn từ 2031-2050, thăm dò bổ sung các mỏ đất hiếm đã cấp phép khai thác và thăm dò mới 1 đến 2 điểm mỏ tại Lai Châu và Lào Cai.

Trong thời gian này, sẽ duy trì hoạt động của các dự án đã đi vào khai thác; đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3-4 dự án khác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm./.

Nguồn: Kinh tế Môi trường

Tác giả: Anh Thư/Kinh tế Môi trường