10 công ty công nghệ bền vững có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2023

Quản trị viên 20/10/2023 Khối công nghệ thông tin

Các công ty công nghệ đã và đang làm thay đổi thế giới một cách nhanh chóng và làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên ngày một dễ dàng hơn.

Bằng cách kết hợp công nghệ và tính bền vững, các gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ đang tạo ra các giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách nhất của thế giới hiện nay. Tận dụng công nghệ hiện đại, các công ty toàn cầu như Deloitte, Microsoft, IBM hay AWS đang hướng tới các mục tiêu bền vững của mình, đồng thời tích cực hỗ trợ khách hàng trên hành trình của riêng họ.

Dưới đây là Top 10 công ty công nghệ hàng đầu thế giới do Tạp chí Bền vững bình chọn, qua đó giới thiệu cách các hãng này sử dụng nền tảng công nghệ của họ để tạo ra sự thay đổi môi trường có ý nghĩa và bền vững.

Hỗ trợ CNTT là rất quan trọng cho các doanh nghiệp bền vững. Nguồn: Blue and Green Tomorrow

10. Infosys

Giám đốc điều hành: Salil Parekh

Trụ sở chính: Bengaluru, Ấn Độ

Là công ty hàng đầu thế giới về tư vấn và dịch vụ kỹ thuật số thế hệ tiếp theo, Infosys hỗ trợ khách hàng tại hơn 50 quốc gia trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Mục tiêu của Infosys là trở thành đối tác bền vững hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp các sáng kiến ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp - bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp), bằng cách đồng hành với khách hàng để hiểu, thiết kế và thực hiện các giải pháp có mục đích, thiết thực và mang lại lợi nhuận. Năm 2020, công ty công nghệ thông tin đa quốc gia này đã trở thành doanh nghiệp trung hòa carbon - đi trước 30 năm so với mốc thời gian mà Thỏa thuận Paris đặt ra - và 44% nhu cầu năng lượng của Hãng được đáp ứng thông qua năng lượng tái tạo.

9. Cisco Systems

Giám đốc điều hành: Chuck Robbins

Trụ sở chính: San Jose, California, Mỹ

Sau khi đặt mục tiêu sẽ đạt được mức phát thải ròng bằng 0 trên tất cả các hạng mục vào năm 2040, tập đoàn công nghệ truyền thông kỹ thuật số đa quốc gia của Mỹ, Cisco Systems, còn được gọi là Cisco, đã đưa ra các cam kết rõ ràng về sự phát triển bền vững. Mục tiêu tạm thời của Hãng là đạt được mức phát thải ròng bằng 0 đối với phát thải Phạm vi 1 (lượng phát thải khí nhà kính trực tiếp phát sinh từ các nguồn thuộc sở hữu hoặc nằm dưới sự kiểm soát của một tổ chức) và Phạm vi 2 (lượng phát thải khí nhà kính gián tiếp phát sinh từ việc một tổ chức mua điện, năng lượng của các đơn vị cung cấp năng lượng để sử dụng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình) trên quy mô toàn cầu vào năm 2025.

Từ một báo cáo gần đây nhất của Cisco, có thể thấy cho đến nay, Hãng đã đạt được một số cột mốc bền vững, trong đó có những đóng góp đáng kể cho các chương trình cộng đồng, trị giá 477 triệu đô la Mỹ.

8. Accenture

Giám đốc điều hành: Julie Sweet

Trụ sở chính: Dublin, Ireland

Accenture PLC là một công ty dịch vụ chuyên nghiệp của Mỹ - Ireland có trụ sở tại Dublin, chuyên về dịch vụ và tư vấn công nghệ thông tin. Nằm trong danh sách 500 công ty, tập đoàn hàng đầu trên toàn thế giới tính theo doanh số, tính đến năm 2022, Accenture được coi là công ty tư vấn lớn nhất thế giới tính theo số lượng nhân viên (Accenture hiện có khoảng 721.000 nhân viên, tăng 15,54% so với năm 2021).

Accenture tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp và khách hàng đẩy nhanh hành trình bền vững của họ, bằng cách thúc đẩy thực hiện chuỗi cung ứng bền vững, thiết lập và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và sử dụng các công nghệ kỹ thuật số bền vững. Năng lực chiến lược bền vững của Accenture góp phần hỗ trợ khách hàng xác định các mục tiêu bền vững, xây dựng kế hoạch kinh doanh hiệu quả và phát triển lộ trình bền vững.

7. Meta

Giám đốc điều hành: Mark Zuckerberg

Trụ sở chính: California, Mỹ

Meta, trước đây được gọi là Facebook, là một công ty truyền thông xã hội và công nghệ của Mỹ. Là một trong những công ty có giá trị nhất thế giới hiện nay, Meta nằm trong nhóm 5 công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ cùng với Amazon, Apple, Microsoft và Google.

Nền tảng truyền thông xã hội Meta xây dựng các công nghệ giúp mọi người kết nối, phát triển doanh nghiệp và tìm kiếm cộng đồng. Bằng cách tích cực hợp tác với các bên liên quan, Meta đặt mục tiêu thúc đẩy các giải pháp toàn diện góp phần tạo ra một hành tinh khỏe mạnh hơn, đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển đổi công bằng sang nền kinh tế không carbon. Song song với việc thúc đẩy quan hệ đối tác, Meta cũng nhân rộng các sáng kiến nhằm hướng tới sự thay đổi có ý nghĩa và một tương lai bền vững.

6. Oracle

Giám đốc điều hành: Safra Catz

Trụ sở chính: Texas, Mỹ

Oracle là một tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia của Mỹ chuyên cung cấp cơ sở dữ liệu, điện toán đám mây, phần mềm doanh nghiệp. Theo tạp chí BusinessWeek, thương hiệu Oracle là một trong 40 thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, với 275.000 khách hàng trên toàn cầu.

Với mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Oracle cung cấp cơ sở hạ tầng và phần mềm điện toán cho các tổ chức trên toàn thế giới nhằm giúp họ đổi mới và nâng cao hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, tính riêng trong năm 2021, 99,6% phần cứng bị vứt bỏ đã được Oracle tái sử dụng và tái chế.

Đồng thời, Oracle cũng đầu tư vào đổi mới bền vững trong các ngành công nghiệp để thúc đẩy tính bền vững, bao gồm lưới điện thông minh và thành phố thông minh.

5. Deloitte

Giám đốc điều hành: Joe Ucuzoglu

Trụ sở chính: Luân Đôn, Anh

Với lịch sử phát triển hơn 177 năm, Deloitte là một cái tên không còn quá xa lạ với bất cứ ai quan tâm đến lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính. Là công ty dịch vụ chuyên nghiệp hàng đầu về chuyển đổi kỹ thuật số, phát triển bền vững và tư vấn tài chính, Deloitte là một trong những công ty lớn nhất ở Anh và là một phần của mạng lưới toàn cầu trải rộng trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong hơn 20 năm qua, Hãng đã làm việc với các tổ chức để đạt được tiến bộ trong việc cung cấp giá trị bền vững cho các bên liên quan, bao gồm các nhà đầu tư, khách hàng và đối tác kinh doanh. Qua đó, Hãng hỗ trợ các tổ chức xác định lại chiến lược phát triển, lồng ghép tính bền vững vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của các tổ chức.

Ngoài ra, Hãng cũng kết hợp công nghệ bền vững với năng lực kinh doanh đã được chứng minh trong nhiều thập kỷ của mình để đẩy nhanh tốc độ của quá trình chuyển đổi do tác động của biến đổi khí hậu.

Để giải quyết những thách thức phức tạp mà xã hội phải đối mặt ngày nay, Deloitte đang triển khai sáng kiến “WorldClass” nhằm mục đích hỗ trợ 50 triệu người trên thế giới phát triển các kỹ năng làm việc, cải thiện kết quả giáo dục và tiếp cận các cơ hội để thành công trong nền kinh tế kỹ thuật số vào năm 2030.

4. Amazon Web Services

Giám đốc điều hành: Adam Selipsky

Trụ sở chính: Washington, Mỹ

Được thành lập bởi Jeff Bezos vào năm 1994, Amazon đã trở thành lực lượng tiên phong trong ngành thương mại điện tử và điện toán đám mây, liên tục vượt qua ranh giới của sự đổi mới.

Chính thức ra mắt vào năm 2002, Amazon Web Services (AWS) là giải pháp đám mây toàn diện và được sử dụng rộng rãi nhất, cung cấp trên 175 dịch vụ đầy đủ tính năng từ các trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới, phục vụ hàng trăm nghìn khách hàng trên 190 quốc gia khác nhau trên toàn cầu. Thông qua các dịch vụ của mình, AWS giúp các công ty khởi nghiệp, các tập đoàn lớn cũng như các cơ quan hàng đầu của chính phủ cắt giảm chi phí trong khi vẫn đạt hiệu suất tối đa.

AWS đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các giải pháp bền vững, bao gồm các công cụ theo dõi carbon để bảo tồn năng lượng và giảm thiểu chất thải.

3. IBM

Giám đốc điều hành: Arvind Krishna

Trụ sở chính: New York, Mỹ

Là một trong những công ty công nghệ lâu đời nhất với 112 tuổi đời và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay, “gã khổng lồ xanh” IBM tập trung vào các giải pháp doanh nghiệp, điện toán đám mây, trí thông minh nhân tạo và dịch vụ tư vấn, đồng thời luôn vượt qua ranh giới của công nghệ để đạt những tầm cao mới.

Hãng cam kết tạo ra tác động tích cực và lâu dài trong lĩnh vực đạo đức kinh doanh, môi trường cũng như các cộng đồng trên toàn cầu. Đồng thời, Hãng cũng tận dụng công nghệ để tạo ra các cộng đồng đa dạng, toàn diện và bình đẳng hơn, đồng thời tạo ra các thực tiễn và chính sách để tăng cường sự tin tưởng và minh bạch.

2. Google

Giám đốc điều hành: Sundar Pichai

Trụ sở chính: California, Mỹ

Bước vào thập kỷ thứ ba với cam kết biến đổi khí hậu, công ty công nghệ đa quốc gia của Mỹ Google đã thể hiện sự cống hiến của mình cho hành động chống biến đổi khí hậu. Google đang tích cực phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 trong suốt quá trình hoạt động và toàn bộ chuỗi giá trị vào năm 2030. Cam kết này được củng cố bởi chiến lược năng lượng sạch, hướng tới việc cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu và khuôn viên văn phòng của Hãng bằng nguồn năng lượng không có khí thải carbon suốt ngày đêm.

Ngoài ra, Hãng đã đưa ra một chiến lược bền vững xoay quanh ba trụ cột chính, bao gồm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và năng lượng không carbon; trao quyền cho các cá nhân và cộng đồng thông qua công nghệ; và tạo ra những tác động tích cực cho những con người và địa điểm nơi Google hoạt động.

Bằng cách tích cực tập trung vào các trụ cột này, Hãng cam kết tạo ra các tác động có ý nghĩa đối với tính bền vững toàn cầu và thúc đẩy thay đổi tích cực vì lợi ích của xã hội, nhân viên và các bên liên quan.

1. Microsoft

Giám đốc điều hành: Satya Nadella

Trụ sở chính: Washington, Mỹ

Được thành lập bởi Bill Gates và Paul Allen vào năm 1975, Microsoft hiện là một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, với sứ mệnh trao quyền cho mọi người và mọi tổ chức để đạt được nhiều thành tựu hơn.

Microsoft tin tưởng rằng công nghệ có thể và nên là một lực lượng tốt để tạo ra sự đổi mới có ý nghĩa, góp phần xây dựng một thế giới tươi sáng hơn trong tương lai và hôm nay. Một số sản phẩm phổ biến nhất của công ty bao gồm hệ điều hành Windows, bộ Office, trình duyệt Edge, máy chơi game Xbox, thiết bị Surface và nền tảng đám mây Azure.

Năm 2020, Microsoft đã công bố các cam kết bền vững của mình, phác thảo các kế hoạch thúc đẩy một tương lai bền vững hơn và thông qua một quỹ cải tạo khí hậu dành riêng cho công nghệ loại bỏ khí thải carbon với ngân sách 1 tỷ USD. Mục tiêu là đến năm 2030, Microsoft sẽ trở thành một doanh nghiệp "âm khí thải carbon", loại bỏ lượng khí thải carbon trong khí quyển nhiều hơn lượng khí thải mà Hãng đã tạo ra kể từ khi thành lập vào năm 1975.

Đồng thời, Microsoft cũng có kế hoạch hợp tác với các khách hàng của mình trên khắp thế giới nhằm đẩy mạnh giảm phát thải khí carbon. Microsoft đã định giá phát thải carbon đối với các sản phẩm và dịch vụ của Hãng. Theo đó, trên nhãn mác sản phẩm của Microsoft sẽ bổ sung lượng khí thải carbon giống như nhãn dinh dưỡng trên thực phẩm để người tiêu dùng có thể cân nhắc khi mua sản phẩm.

Hãng cũng phấn đấu đạt mục tiêu “dương nước” vào năm 2030, bổ sung nhiều nước hơn mức tiêu thụ. Ngoài ra, “gã khổng lồ công nghệ” này còn đặt mục tiêu không có rác thải vào năm 2030, cũng như nỗ lực bảo vệ và bảo tồn hệ sinh thái./.

Tác giả: Đỗ Thanh Hương (Theo Sustainability Magazine – Số ra tháng 10-2023)