Quy mô nhân lực, nguồn nhân lực sáng tạo, giá cạnh tranh,... là những thế mạnh giúp doanh nghiệp số Việt Nam “hóa rồng” khi xuất ngoại. Đây cũng là cơ hội có 1-0-2 giúp Việt Nam ghi danh trên bản đồ công nghệ số.
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin (Bộ TT&TT), thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam trong năm 2022 có dung lượng xấp xỉ 2 tỷ USD, tương đương với khối lượng công việc của khoảng 200.000 kỹ sư. Tuy nhiên, Việt Nam lại đang có hơn 40.000 doanh nghiệp và 550.000 kỹ sư.
Đặc biệt, lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp Việt khi đi ra toàn cầu, đó là nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy, thị trường trong nước đã quá nhỏ hẹp so với quy mô nhân lực ở thời điểm hiện tại.
Việt Nam đang có nhiều thế mạnh trong việc phát triển công nghệ số.
Đồng Chủ tịch Tiểu ban kỹ thuật số (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam-EuroCham), ông Pavel Poskakukhin nhận định, với dân số trẻ và am hiểu công nghệ, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường châu Âu, đặc biệt là cung cấp giải pháp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao chính là yếu tố quan trọng để quyết định sự thành công của doanh nghiệp khi tiến ra thị trường quốc tế. Về điểm này, Việt Nam dường như đang chiếm ưu thế và có thế mạnh để phát triển hơn bao giờ hết.
Thêm nữa, Việt Nam đang có trên 62.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số. Trong đó, đã có một số doanh nghiệp đầu tàu như Viettel, FPT,... sở hữu hạ tầng viễn thông phủ rộng, lực lượng gia công phần mềm xếp hạng cao trên thế giới với khả năng thích nghi nhanh.
Tập đoàn Ericsson đánh giá Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn với doanh thu từ công nghiệp 5G ước đạt 1,54 tỷ USD vào năm 2030. Ericsson cũng dự báo khu vực châu Á Thái Bình Dương đến năm 2025 sẽ sẽ thu hút 2/3 nhà sản xuất toàn cầu, trong đó dẫn đầu thuộc về các ngành sản xuất thông minh.
Sau đại dịch Covid, các công ty đa quốc gia có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.Năm 2022, tổng vốn FDI đăng kí vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, nước ta đang hội nhập sâu rộng với các tổ chức quốc tế, là cơ hội để giới thiệu và cung cấp sản phẩm công nghệ ra quốc tế.
Một yếu tố nữa thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp số tại Việt Nam là dân số vàng, nhiều người trẻ nhạy bén với cái mới. Theo UNFPA, Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” và sẽ kết thúc vào năm 2040. Đây chính là khoảng thời gian quý báu giúp ta tận dụng lợi thế, bước nhanh và xa trên trường quốc tế trong lĩnh vực công nghệ số./.
Nguồn: KTMT
Tác giả: Phạm Thu – Kinh tế Môi trường