TKV vượt khó hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, bảo đảm tốt các chỉ tiêu tài chính

Quản trị viên 18/09/2023 Tin tức - Sự kiện

Dù đối mặt với không ít khó khăn, thử thách khi đại dịch Covid-19 hoành hành kéo dài, cùng với những tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, biến động giá cả thị trường vật tư, xuất nhập khẩu…, song Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư, báo cáo tài chính các năm đều có lãi, bảo đảm quy định về hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức an toàn, thấp hơn giới hạn quy định của Nhà nước, hoàn thành toàn diện kế hoạch sản xuất, kinh doanh giai đoạn 5 năm 2018-2022 và dự kiến thực hiện vượt mức chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh được giao năm 2023.

Với việc nhu cầu than trong nước tăng cao, giá than nhập khẩu liên tục tăng và ở mức kỷ lục trong năm 2022; việc xin cấp phép, gia hạn giấy phép, giới hạn về công suất giấy phép khai than, khoáng sản bị vướng mắc bởi quy hoạch, cơ chế chính sách chưa đồng bộ đã hạn chế năng lực sản xuất than của TKV, tạo ra áp lực lớn đến việc sản xuất, cung ứng, tiêu thụ than của Tập đoàn. Tuy nhiên, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hàng Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ/ngành Trung ương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sự ủng hộ tạo điều kiện của các địa phương, Đảng ủy Tập đoàn, Hội đồng thành viên, cũng như sự chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Ban lãnh đạo điều hành Tập đoàn trong việc ban hành kịp thời các giải pháp quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh, TKV và các đơn vị thành viên đã vượt qua hàng loạt khó khăn, thách thức, hoàn thành toàn diện kế hoạch sản xuất, kinh doanh 5 năm giai đoạn 2018-2022.

TKV vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, bảo đảm tốt các chỉ tiêu tài chính giai đoạn 2018-2022 và năm 2023

Theo số liệu thống kê của TKV, doanh thu toàn Tập đoàn đầu nhiệm kỳ (năm 2018) là 125,7 nghìn tỷ đồng; đến năm 2022 là 170,7 nghìn tỷ đồng, tăng xấp xỉ 45 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 35,8% so với năm 2018. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn lũy kế 5 năm từ năm 2018 đến năm 2022 là 707 nghìn tỷ đồng, đạt bình quân 141,4 nghìn tỷ đồng/năm. Lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn năm 2018 đạt xấp xỉ 5.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt xấp xỉ 10.400 tỷ đồng, tăng gần 5.400 tỷ đồng, tương ứng tăng 108%. Năm 2022 được đánh giá là một năm thành công nhất từ trước tới nay của TKV, sản xuất, kinh doanh tăng trưởng với doanh thu đạt cao nhất kể từ khi thành lập, lợi nhuận vượt kế hoạch giao. Tính chung, tổng lợi nhuận lũy kế toàn Tập đoàn trong 5 năm (2018-2022) đạt hơn 29.400 tỷ đồng, đạt bình quân gần 5.900 tỷ đồng/năm.

Năm 2022, Tập đoàn nộp ngân sách nhà nước hơn 21.500 tỷ đồng, tăng hơn 5.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 31,5% so với năm 2018. Tính chung, tổng số nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn lũy kế 5 năm đạt gần 97.000 tỷ đồng, đạt bình quân xấp xỉ 19.400 tỷ đồng/năm. Tập đoàn luôn thực hiện đầy đủ và kịp thời nghĩa vụ với nhà nước, không để xảy ra tình trạng chậm nộp ngân sách hay phát sinh nợ quá hạn.

Cán bộ, công nhân, người lao động TKV vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm các đơn vị của Tập đoàn

Đáng chú ý, theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vừa diễn ra, TKV được đánh giá là một trong những Tập đoàn nhà nước có tổng doanh thu và đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước trong nửa đầu năm và 8 tháng năm 2023. Theo đó, doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 của Tập đoàn đạt 83.000 tỷ đồng, bằng 126,5% so với cùng kỳ năm trước, là 1/6 Tập đoàn nhà nước đạt doanh thu trên 10.000 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm; nộp ngân sách nhà nước 9.867 tỷ đồng. Tổng doanh thu lũy kế đến tháng 8/2023 ước đạt 112.100 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch năm và 101% so với cùng kỳ năm 2022, nộp ngân sách 8 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ, dự kiến về đích sớm mục tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023 vượt chỉ tiêu được giao.

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của bên ngoài, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai và thời tiết cực đoan, TKV được đánh giá là một trong các Tập đoàn nhà nước trụ cột làm tốt vai trò nòng cốt trong việc giữ vững các cân đối lớn và cung ứng mặt hàng, sản phẩm quan trọng cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Cùng với đó, vốn chủ sở hữu toàn Tập đoàn liên tục được bảo toàn và phát triển qua từng năm, hệ số bảo toàn vốn của Tập đoàn các năm đều lớn hơn 1,0 lần. Trong đó, vốn chủ sở hữu năm 2022 là hơn 47.000 tỷ đồng, tăng hơn 6.600 tỷ đồng, tương ứng tăng 16,5% so với năm 2018. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu năm 2022 là 1,47 lần; giảm 0,64 lần so với năm 2018, thấp hơn nhiều so với quy định là ≤ 3,0 lần

Khả năng thanh khoản của Tập đoàn tăng lên so với đầu nhiệm kỳ. Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn toàn Tập đoàn tính đến thời điểm ngày 31/12/2022 là 1,12 lần; tăng 0,28 lần so thời điểm ngày 31/12/2018 (0,84 lần). Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn của TKV tiếp tục duy trì ở mức an toàn là ≥ 1,0 lần.

TKV đã thiết lập hạn mức ngắn hạn với nhiều ngân hàng để chủ động trong việc thu xếp vốn. Hoạt động thu xếp vốn dài hạn cũng đã đảm bảo đủ cân đối nguồn vốn, đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển của TKV thông qua các hợp đồng tín dụng ký với các ngân hàng trong và ngoài nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi thăm thực địa tại một dự án của Tập đoàn

Công tác quản trị nợ vay luôn được TKV chú trọng và đã tận dụng tốt các cơ hội thị trường để huy động vốn. Chi phí sử dụng vốn của TKV luôn ở mức ưu đãi hơn so với mặt bằng chung trên thị trường, đặc biệt chi phí vay ngắn hạn của Công ty mẹ TKV luôn ở mức rất cạnh tranh, thường thấp hơn mặt bằng từ 1,5%-2,0%/năm. Trong những năm qua, TKV thường xuyên cân đối hiệu quả dòng tiền để trả trước nợ dài hạn đến hạn trả và giảm dư nợ tín dụng ngắn hạn. Đặc biệt, đến cuối năm 2022, Công ty mẹ TKV đã không còn số dư vay ngắn hạn tại các tổ chức tín dụng. Nợ vay giảm giúp tiết kiệm được chi phí sử dụng vốn vay, góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh chung của Tập đoàn.

Với những kết quả trên, có thể thấy, trong giai đoạn 2018-2022 và năm 2023, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh của TKV đã tăng trưởng và đạt kết quả cao, các hệ số tài chính của Tập đoàn trong giai đoạn này cũng được cải thiện qua từng năm và duy trì trong phạm vi an toàn cho phép; công tác quản lý nợ phát huy hiệu quả; tính thanh khoản của Tập đoàn luôn ở mức cao, khả năng tự chủ về tài chính tăng lên rõ rệt. Với vai trò là tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước về năng lượng, là công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ, trong 5 năm gần đây, TKV đã phát triển một cách bền vững, luôn đảm bảo vai trò cung ứng năng lượng cho các ngành sản xuất trọng điểm, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế và Dự báo

Tác giả: Hiếu Phương - Tạp chí Kinh tế và Dự báo