Xây dựng chuỗi cung ứng khai thác mỏ bền vững hơn

Quản trị viên 31/08/2023 Khối công nghệ thông tin

Biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách nhất trong thời đại của chúng ta và là một trong những thách thức lớn nhất đối với chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay. Đó là lý do tại sao các chính phủ và các công ty đa quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác mỏ, muốn hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, chúng ta phải xây dựng một chuỗi cung ứng phát triển bền vững hơn.

Than là trung tâm của các cuộc thảo luận về khí hậu và năng lượng vì đây là nguồn năng lượng lớn nhất trên toàn cầu để sản xuất điện, sản xuất sắt, thép và xi măng, đồng thời là nguồn phát thải CO lớn nhất.

Đối với ngành công nghiệp khai khoáng, vấn đề nằm ở giải pháp và ngược lại. Chúng ta không thể chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn cho đến khi chúng ta có tất cả các vật liệu (kim loại và khoáng sản) cần thiết cho sự hoạt động của các công nghệ xanh (ứng dụng công nghệ không gây ô nhiễm môi trường). Tuy nhiên, việc khai thác tài nguyên từ trái đất đòi hỏi sự tham gia của máy móc hạng nặng và quá trình vận tải - đây là những nguồn phát thải khí nhà kính đáng kể.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, sản lượng khoáng sản, chẳng hạn như than chì, lithium và coban, có thể tăng tới 500% vào năm 2050 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các công nghệ năng lượng sạch. Điều này có nghĩa là các mục tiêu khí hậu càng tham vọng thì càng cần nhiều khoáng sản cho quá trình chuyển đổi. Do đó, khi nhu cầu về khoáng sản gia tăng thì sự cần thiết đảm bảo rằng các hoạt động khai thác tuân thủ các biện pháp môi trường bền vững cũng tăng lên tương ứng.

Những thách thức bền vững của chuỗi cung ứng

Phát thải khí nhà kính và sự nóng lên toàn cầu là những mối đe dọa nghiêm trọng đối với tương lai xanh mà thế giới hiện đang hình dung và chung tay hướng tới. Các chuỗi cung ứng góp phần không nhỏ vào lượng khí thải CO₂, do đó, các doanh nghiệp phải nắm bắt các nguyên tắc bền vững và tuân thủ các quy định của chính phủ.

Lấy một công ty khai thác mỏ quy mô toàn cầu như Rio Tinto làm ví dụ. Tập đoàn này có khoảng 20.000 nhà cung cấp trải rộng trên nhiều ngành công nghiệp và quốc gia, với 230 tàu biển vận tải sản phẩm cho 2.000 khách hàng trên toàn thế giới.

Hệ sinh thái rộng lớn này cho thấy các công ty lớn, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực khai thác mỏ, nắm vai trò quan trọng trong hành trình thế giới hướng tới một tương lai carbon thấp. Nhận thức sâu sắc cường độ khoáng sản của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, ngành công nghiệp khai khoáng cần chung tay giải quyết biến đổi khí hậu và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững hơn và để làm được điều đó, cần giải quyết những thách thức cố hữu trong việc thiết lập tính bền vững của chuỗi cung ứng.

Một thành phần thiết yếu của việc đảm bảo chuỗi cung ứng xanh là tính minh bạch về hiệu suất của các nhà cung cấp. Giả sử một công ty toàn cầu có hàng ngàn nhà cung cấp cấp một, cấp hai và cấp ba. Trong trường hợp đó, có khả năng công ty đó không thể kiểm soát được phương thức hoạt động của các nhà cung cấp cấp thấp hơn do việc nắm bắt tính minh bạch ở mọi giai đoạn của mạng lưới chuỗi cung ứng là rất phức tạp. Mặt khác, đôi khi các nhà cung cấp cấp thấp hơn đến từ các nước kém phát triển, nơi các sáng kiến bền vững không được thực thi nghiêm túc.

Một mối quan tâm khác đối với một số công ty là chi phí đầu tư ban đầu cần thiết để phát triển các tiêu chuẩn và chiến lược bền vững mới nhằm tuân thủ các quy định pháp lý hoặc đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. Theo kết quả của một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Đơn vị Tình báo Kinh tế (Economic Intelligence Unit), 38% các công ty tin rằng chi phí ban đầu cao là rào cản lớn đối với việc thực hiện phát triển bền vững. Tuy nhiên, 34% các công ty tham gia cuộc khảo sát cho rằng một chuỗi cung ứng bền vững cuối cùng sẽ cắt giảm chi phí và cho phép họ sớm hòa vốn. Chi phí cho sự thiếu hiểu biết về tính bền vững của chuỗi cung ứng ước tính sẽ lên tới 120 tỷ USD vào năm 2026. Do đó, nắm bắt tính bền vững càng sớm càng tốt sẽ giúp các doanh nghiệp bảo tồn thị phần trong tương lai và duy trì năng lực cạnh tranh. 

Ba phương thức xây dựng chuỗi cung ứng bền vững

1. Quan tâm tới các nhà cung cấp cấp thấp hơn bởi đây là thành phần gây ra nhiều rủi ro nhất

Theo tạp chí uy tín về quản trị kinh doanh, Harvard Business Review, "các công ty có xu hướng tập trung vào các nhà cung cấp hàng đầu của họ, nhưng rủi ro thực sự lại nằm ở các cấp thấp hơn". Chẳng hạn, một nhà cung cấp cấp thấp hơn ở nước ngoài có môi trường làm việc trong điều kiện nguy hiểm hoặc có hành vi đổ chất thải độc hại xuống sông. Đây là lý do tại sao các công ty không được bỏ qua các nhà cung cấp cấp thấp hơn trong mạng lưới cung ứng của họ.

Ngày nay, các tập đoàn khai thác mỏ có ý thức hơn về tác động của họ đối với con người và môi trường. Ngày càng có nhiều công ty yêu cầu các nhà cung cấp cấp một của họ tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường, đồng thời cũng yêu cầu các nhà cung cấp đó đạt được sự tuân thủ tương ứng từ các nhà cung cấp của họ - từ đó hình thành một loạt các hoạt động bền vững trên toàn bộ mạng lưới cung ứng. Dù vậy, không dễ để thực hiện được điều này trong thực tế.

Nghiên cứu cho thấy các nhà cung cấp cấp thấp hơn thường thiếu hệ thống quản lý môi trường và quy trình xử lý các vấn đề xã hội cũng như ít được trang bị nhất để đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững. Ngoài ra, các nhà cung cấp này thường hoạt động ở các quốc gia không có quy định hoặc quy định không được thực thi và thường không nắm bắt được các yêu cầu bền vững của các tập đoàn lớn.

Do đó, các nhà cung cấp cấp thấp hơn mang nhiều yếu tố rủi ro nhất. Nếu các nhà cung cấp này có hiệu suất bền vững kém hoặc không ổn định thì danh tiếng của các công ty hợp tác với họ có thể bị tổn hại và chịu hậu quả sâu sắc. Để giảm thiểu những rủi ro như vậy, các công ty cần quan tâm xem xét tất cả các nhà cung cấp của họ trong các chương trình phát triển bền vững của mình.

2. Đánh giá, theo dõi và giám sát lượng khí thải

Theo báo cáo chuỗi cung ứng CDP năm 2022 (CDP là tên viết tắt của Dự án Tiết lộ carbon - một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế đã dành hàng thập kỷ để theo dõi các công ty, thành phố, tiểu bang và khu vực góp phần gây ra biến đổi khí hậu như thế nào và số tiền họ chi ra để sửa chữa hậu quả đó), 70% các công ty không đánh giá tác động của chuỗi giá trị của mình đối với sự đa dạng sinh học. Điều này có nghĩa là phần lớn các công ty không theo dõi lượng khí thải của chuỗi cung ứng, có nguy cơ vi phạm các quy định bền vững.

Theo Tiêu chuẩn Báo cáo Phát triển bền vững Châu Âu, tính minh bạch trong phát thải Phạm vi 3 (bao gồm tất cả các phát thải gián tiếp khác xảy ra trong chuỗi giá trị của một công ty, khó theo dõi và kiểm soát nhất nhưng thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong phát thải của một công ty) có thể bắt buộc phải thực hiện trong vài tháng tới ở khu vực EU. Tương tự ở Mỹ, việc báo cáo tài chính liên quan đến khí hậu sẽ sớm trở thành yêu cầu bắt buộc theo tiêu chuẩn cơ sở toàn cầu của Hội đồng Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB).

Nói cách khác, nếu một công ty không chuẩn bị sẵn sàng cho các quy định về tự nhiên đối với chuỗi cung ứng trong tương lai, công ty đó sẽ phải đối mặt với hàng loạt rủi ro và có thể bỏ lỡ các cơ hội nảy sinh từ quá trình giải quyết biến đổi khí hậu.

Xu hướng hiện nay là người tiêu dùng muốn mua sản phẩm có nguồn gốc bền vững, các công ty cũng muốn đưa ra các sản phẩm giúp họ đáp ứng các mục tiêu phát thải và bền vững. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư tìm kiếm các cơ hội dựa trên ESG (bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) để mang lại lợi nhuận bền vững, lâu dài, thúc đẩy hơn nữa nhu cầu đối với các nguyên liệu được sản xuất có trách nhiệm. Nhiều vật liệu được sử dụng trong các sản phẩm ngày nay có thể không phải là lựa chọn ưu tiên trong tương lai trừ khi chúng có thể chứng minh được hoạt động ESG bằng dữ liệu, số liệu rõ ràng. Trong bối cảnh kinh doanh chung, ESG không còn là lựa chọn mà trở thành yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp có thể đánh giá hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của mình bằng cách theo dõi sự phát thải khí nhà kính (GHG) sản sinh ra trong quá trình hoạt động, tiến hành giám sát và báo cáo về hiệu suất năng lượng và bền vững. Để chuẩn bị sẵn sàng cho việc kiểm kê lượng khí thải sẽ sớm là nhiệm vụ báo cáo bắt buộc, các công ty cần kiểm soát được lượng khí thải CO₂ của chuỗi cung ứng nhằm có giải pháp cắt giảm lượng khí thải đó.

3. Cộng tác và áp dụng công nghệ tiên tiến một cách nhanh chóng

Cộng tác cũng là một yếu tố quan trọng trong việc tạo ra các chuỗi cung ứng bền vững. Theo nhận định của Adebayo Adeleke, nhà tư vấn quản lý chuỗi cung ứng và người sáng lập Chuỗi cung ứng châu Phi, "tính bền vững đã biến sự cộng tác trở thành cuộc cạnh tranh mới. Hơn bao giờ hết, các công ty cần thiết lập quản lý quan hệ nhà cung cấp mạnh mẽ và đẩy mạnh hợp tác trong hệ sinh thái của mình nhằm chia sẻ kiến thức về những thách thức, quy định địa phương và phương pháp mới để đạt được các mục tiêu ESG".

Bằng cách hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp, các công ty khai thác mỏ có thể cùng nhau tạo ra các giải pháp hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn, trong khi mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Chẳng hạn như, các nhà cung cấp có thể phản hồi về quy trình sản xuất và chia sẻ hoạt động thực tiễn để giảm tiêu thụ năng lượng hoặc cải thiện hệ thống quản lý chất thải. Việc tạo ra một kênh truyền thông như vậy sẽ góp phần xây dựng niềm tin và có ý nghĩa sống còn đối với việc hình thành chuỗi cung ứng bền vững.

Một chiến lược hiệu quả khác để tạo ra một chuỗi cung ứng bền vững là nắm bắt công nghệ. Công nghệ cho phép các doanh nghiệp xác định sự thiếu hiệu quả và thực hiện các quy trình mới giúp cắt giảm chất thải và tác động đến môi trường trong khi vẫn duy trì các tiêu chuẩn chất lượng. Đây có thể là công nghệ điện khí hóa hoặc các giải pháp kỹ thuật số nhằm cải thiện tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc trên toàn mạng lưới cung ứng.

Không có lối tắt nào cho việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững vì tính bền vững không phải là đích đến mà là một hành trình. Vì vậy, các công ty phải trung thực trong việc đánh giá tác động con người, môi trường và lợi nhuận để tìm cách đạt được mục tiêu đề ra.

Để tạo ra một chuỗi cung ứng bền vững hơn, các công ty khai thác mỏ phải xây dựng niềm tin và thực hiện giao tiếp cởi mở trên toàn mạng lưới cung ứng, đánh giá vị trí của họ trong hành trình bền vững và nắm bắt công nghệ giảm khí thải carbon tiên tiến. Điều này sẽ giúp các công ty góp phần giảm thiểu rủi ro biến đổi khí hậu đồng thời tối ưu hóa lợi nhuận và nguồn nhân lực của công ty mình./.

Tác giả: Đỗ Thanh Hương (Theo Tạp chí Khai thác mỏ)