Ứng dụng Nấm rễ nội cộng sinh để đẩy nhanh tốc độ phủ xanh bãi thải than ở tỉnh Quảng Ninh

Quản trị viên 04/07/2023 Khối dự án

Để đẩy nhanh tốc phủ xanh bãi thải đất đá của các mỏ than tại tỉnh Quảng Ninh, trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2022, Công ty Cổ phần Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin (VITE) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng Nấm rễ nội cộng sinh để đẩy nhanh tốc độ phủ xanh bãi thải than ở tỉnh Quảng Ninh” theo Chương trình Khoa học và Công nghệ (KH&CN) bằng nguồn Quỹ KH&CN của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Hiện nay, các biện pháp trồng cây truyền thống (không sử dụng chế phẩm) thường không thể giải quyết triệt để nguồn nguy hại bởi các chất ô nhiễm vẫn còn lưu giữ trong đất, tốc độ phủ xanh bãi thải chậm. Trong khi đó, giải pháp công nghệ sinh học môi trường tổng hợp (bioremediation) bao gồm công nghệ vi sinh (Nấm rễ nội cộng sinh AM) và enzyme sinh học (Enchoice) tương tác hữu hiệu giữa thực vật, vi sinh vật và enzyme cho tăng cường các quá trình sinh học, phân hủy, phân giải và sinh trưởng đang được xem là biện pháp hiệu quả bền vững cho công tác xử lý, phục hồi môi trường sinh thái các bãi thải, giải quyết được các vấn đề mà biện pháp trồng cây truyền thống không làm được. Đặc biệt, thúc đẩy nhanh sự phát triển và tăng trưởng của cây trồng.

Đề tài được thử nghiệm 2 loại chế phẩm (nấm rễ nội cộng sinh AM và ENCHOICE GSS) cho 2 loại cây trồng (keo lai và keo lá tràm). Đối với công thức thử nghiệm bón chế phẩm nấm rễ nội cộng sinh AM: chế phẩm được bón ngay từ lúc trồng cây (cho 5 gram chế phẩm xuống đáy hố sau đó trồng cây). Đối với công thức phun chế phẩm ENCHOICE GSS: sau khi trồng cây 3 tháng, tiến hành phun chế phẩm ENCHOICE GSS lên bề mặt bãi thải.

Buổi báo cáo kết quả thực hiện đề tài Nghiên cứu ứng dụng Nấm rễ nội cộng sinh để đẩy nhanh tốc độ phủ xanh bãi thải than ở tỉnh Quảng Ninh.

Kết quả đạt được của đề tài:

 - Tỷ lệ sống: Công thức bón nhiễm chế phẩm nấm rễ nội cộng sinh AM có tỷ lệ sống đạt từ 88% ÷ 94%, trong khi đó các công thức đối chứng có tỷ lệ sống chỉ đạt từ 72 ÷ 75%.

 - Sinh trưởng: Chế phẩm AM có tác động ý nghĩa tới sinh trưởng về chiều cao vút ngọn, đường kính gốc và đường kính tán của cả 2 loài keo, trong đó cây keo lai có sinh trưởng đường gốc kính và chiều cao vút ngọn tốt hơn so với công thức đối chứng từ 9,5% ÷ 29% ở cả 2 mật độ 2.500 cây/ha và 5.000 cây/ha; cây keo lá tràm có sinh trưởng đường gốc kính và chiều cao vút ngọn tốt hơn so với công thức đối chứng từ 10% ÷ 28% ở cả 02 loại mật độ 2.500 cây/ha và 5.000 cây/ha.

Từ kết quả thử nghiệm đạt được của đề tài cho thấy: sinh trưởng đường kính, chiều cao, tỷ lệ sống vượt trội và khác biệt so với công thức đối chứng. Sau khi đề tài thử nghiệm thành công sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình cải tạo cảnh quan, phủ xanh bãi thải, giảm thiểu bụi ồn, giữ ổn định bãi thải, chống xói mòn, cải tạo thổ nhưỡng. Đẩy nhanh thời gian hấp thụ khí thải cacbon điôxít (CO2), giảm nhẹ phát thải nhà kính. Góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế các dự án cải tạo bãi thải và giảm chi phí môi trường thường xuyên dành cho công tác bảo vệ môi trường thông qua việc tiết kiệm các chi phí như phun sương dập bụi, giữ ổn định bãi thải, đồng thời là cơ hội để phát triển kinh tế rừng trên các bãi thải mỏ than.

Đề tài đã được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Tập đoàn đánh giá xuất sắc và được công nhận kết quả theo Quyết định số 933/QĐ-TKV ngày 14/6/2023./.

Tác giả: Giáp Văn Kiên