Top 10 mỏ lộ thiên lớn nhất thế giới

Quản trị viên 19/06/2023 Khối địa chất

Từ khai thác than đá đến kim cương, vàng đến quặng sắt, đây là những mỏ khai khoáng lộ thiên có quy mô khổng lồ và năng suất cao nhất thế giới. Ngắm nhìn những mỏ này từ trên cao, chúng ta không khỏi trầm trồ, thán phục trước những kỳ công ấn tượng và vô cùng ngoạn mục được tạo ra bởi bàn tay, khối óc, kỹ thuật và sự khéo léo của con người.

Nhiều vật liệu quan trọng mà chúng ta dựa vào trong cuộc sống hàng ngày đến từ các mỏ khai khoáng nằm rải rác trên toàn cầu. Các mỏ lớn nhất thế giới, được sở hữu và điều hành bởi các công ty lớn trong ngành, khai thác hàng tấn quặng từ trái đất mỗi ngày.

Hãy cùng khám phá 10 mỏ lớn nhất hành tinh, số lượng vật liệu đáng kinh ngạc được vận chuyển hàng năm ở các mỏ, đồng thời đánh giá quy mô tổng thể và tác động của chúng đối với toàn bộ ngành công nghiệp khai thác mỏ.

10. Mỏ Carajas, Para, Brazil

Mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới - mỏ Carajas, Para, Brazil. Nguồn: Brazilian Report

Nằm ở bang Para của Brazil, mỏ Carajas là mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới với trữ lượng ước tính gần 8 tỷ tấn, tương đương 66% hàm lượng quặng sắt của cả thế giới. Ngoài quặng sắt, mỏ Carajas còn chứa vàng, mangan, bauxite, đồng và niken.

Mỏ thuộc sở hữu của công ty khai thác mỏ toàn cầu Vale do Rio Doce, hoạt động bằng nguồn năng lượng chính là thủy điện sản xuất bởi Đập Tucurui.

9. Mỏ vàng Goldstrike, Nevada, Mỹ

Mỏ vàng Goldstrike, bang Nevada, Mỹ

Thuộc sở hữu của công ty khai thác mỏ khổng lồ Barrick Gold, mỏ Goldstrike là mỏ vàng lớn nhất khu vực Bắc Mỹ là là mỏ vàng lớn thứ ba thế giới.

Có trụ sở tại bang Nevada, miền Tây nước Mỹ, mỏ đã được chứng minh là một nguồn vàng vô cùng sinh lợi, với tổng sản lượng 42 triệu ounce kể từ năm 1968. Mỏ bao gồm một mỏ lộ thiên Betze-Post khá lớn và hai mỏ hầm lò là Meikle và Rodeo.

Mỏ Betze-Post có chiều dài ấn tượng 2,2km, chiều rộng 1,5km và có độ sâu trên 0,5km.

8. Mỏ Đồng Panama, Panama

Mỏ đồng Panama ở Donoso, tỉnh Colón, Panama. Nguồn: Luis Acosta/AFP/Getty Images

Cách thành phố Panama, thủ đô của nước Cộng hòa Panama khoảng 120km về phía tây, mỏ Đồng Panama là một mỏ đồng lộ thiên khổng lồ. Với trữ lượng tiềm năng khoảng 4 tỷ tấn, được chia thành bốn khu vực, đây là một trong những mỏ lớn nhất trên toàn thế giới.

Mỏ có khả năng sản xuất hơn 300.000 tấn đồng mỗi năm, cùng với các nguồn tài nguyên quý giá khác như vàng và bạc.

7. Mỏ Oyu Tolgoi, sa mạc Gobi, Mông Cổ

Mỏ Oyu Tolgoi ở phía nam sa mạc Gobi là một trong những mỏ đồng và vàng lớn nhất thế giới. Nguồn: Bloomberg

Nằm ở miền Nam Mông Cổ, trong sa mạc Gobi, mỏ Oyu Tolgoi có nghĩa là “đồi màu ngọc lam”. Mỏ Oyu Tolgoi đại diện cho cam kết tài chính quy mô lớn nhất trong lịch sử Mông Cổ, bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 2013.

Mỏ sản xuất tới 2,7 triệu tấn đồng, 1,7 ounce vàng và 1.900 tấn bạc, sử dụng các kỹ thuật khai thác dưới lòng đất và hầm lò để xử lý tới 85.000 tấn đá mỗi ngày, cho sản lượng 500.000 tấn đồng mỗi năm.

6. Mỏ kim cương Mirny, Siberia, Nga

Mỏ kim cương Mirny, Siberia, Nga. Nguồn: Cultural Heritage Online

Nằm ở Siberia, Nga, mỏ Mirny là mỏ lộ thiên và là một trong những hố nhân tạo lớn nhất trên trái đất - với đường kính 1.200m và đạt độ sâu tối đa 525m.

Các hoạt động khai thác lộ thiên tại mỏ sâu thứ 4 thế giới này đã ngừng vào năm 2001 và chuyển sang khai thác kim cương dưới lòng đất từ năm 2009.

Trong số tất cả các viên kim cương được tìm thấy ở mỏ Mirny, viên lớn nhất được phát hiện vào năm 1980, nặng 342 carat. Viên kim cương màu vàng chanh này được đặt tên là "Đại hội lần thứ 26 của Đảng Cộng sản Liên Xô" nhằm thể hiện lòng yêu nước. Với kích thước bằng quả trứng chim bồ câu, đây là viên kim cương lớn nhất từng được tìm thấy ở Nga và là một trong những viên kim cương chưa cắt lớn nhất thế giới hiện nay.

5. Mỏ Grasberg, Punack Jaya, Indonesia

Mỏ Grasberg, nằm ở Punack Jaya, Indonesia, là mỏ vàng lớn nhất thế giới và mỏ đồng lớn thứ hai thế giới. Nguồn: Oystein Lund Andersen

Nằm gần ngọn núi cao nhất của Indonesia, Punack Jaya, mỏ Grasberg tự hào là một trong những trữ lượng vàng và đồng lớn nhất trên hành tinh. Người ta ước tính rằng Grasberg vẫn còn 15,1 triệu tấn đồng, 884 tấn vàng và hơn 4.000 tấn bạc chưa được khai thác.

Grasberg bao gồm một mỏ lộ thiên lớn có kích thước 2km trên bề mặt và một mỏ ngầm. Với độ sâu 550m, Grasberg không chỉ được biết đến là mỏ vàng lớn nhất thế giới, mỏ đồng lớn thứ hai thế giới mà còn là một trong những mỏ lộ thiên sâu nhất thế giới.

4. Mỏ kim cương Jwaneng, Botswana

Mỏ kim cương Jwaneng, Botswana. Nguồn: The Gazette

Mỏ giàu kim cương nhất thế giới này nằm ở phía trung nam Botswana, là mỏ lộ thiên và có diện tích 53ha.

Mỏ Jwaneng thuộc sở hữu của Debswana, một công ty hợp doanh giữa công ty De Beers và chính phủ Botswana. Đây là mỏ mới thứ hai trong số bốn mỏ do công ty điều hành, bắt đầu hoạt động vào năm 1982.

Với 2.100 nhân viên, mỏ Jwaneng sản xuất gần 10 triệu tấn quặng mỗi năm và thu hồi trung bình 11 triệu carat mỗi năm.

3. Mỏ đồng Chuquicamata, Chile

Mỏ đồng lộ thiên Chuquicamata gần Calama, Chile. Nguồn: Cristobal Olivares/Bloomberg

Chuquicamata là mỏ đồng lộ thiên lớn nhất thế giới xét về khối lượng đào và là mỏ đồng lộ thiên sâu thứ hai trên thế giới. Mỏ nằm ở phía bắc Chile, bên ngoài Calama - một trung tâm đô thị nằm giữa sa mạc Atacama.

Nhiều bằng chứng về các công trình cổ xưa được tìm thấy trên khắp khu vực này cho thấy người ta đã tìm kiếm nguồn cung ứng đồng từ Chuquicamata trong nhiều thế kỷ.

Với chiều dài gần 7km và sâu 915m, mỏ Chuquicamata sản xuất nửa triệu tấn đồng mỗi năm, con số này dự báo sẽ tăng mạnh khi các cơ sở khai thác hiện có tăng công suất thêm 50%.

Theo Codelco, công ty quản lý khai thác Chuquicamata, trữ lượng đồng ước tính của mỏ đồng trăm tuổi này là khoảng 1,7 tỷ tấn.

Hiện tại, một mỏ ngầm mới đang được phát triển để tiếp cận thân quặng nằm bên dưới mỏ lộ thiên hiện tại. Trữ lượng quặng đồng của mỏ ngầm ước tính là 1.700 tấn, loại 0,7% đồng và hàm lượng molypden trung bình là 502ppm.

2. Mỏ than lộ thiên Garzweiler, Đức

Tagebau Garzweiler là một mỏ lộ thiên ở bang North Rhine-Westphalia của Đức. Mỏ khai thác than non và được vận hành bởi RWE. Nguồn: Wikimedia

Nằm ở thung lũng North-Rhine của Đức, mỏ than Garzweiler có kích thước đáng kinh ngạc 48km². 

Mỏ Garzweiler sử dụng máy xúc đào bánh lốp khổng lồ để cắt xuyên qua mặt đất, hoạt động ba ca mỗi ngày và khai thác tới 30 triệu tấn than non mỗi năm. Than được vận chuyển ra khỏi cơ sở qua một hệ thống băng tải, sau đó được vận chuyển bằng đường sắt công nghiệp đến các nhà máy nhiệt điện đốt than Neurath và Niederaussem.

1. Mỏ Bingham Canyon, Thành phố Salt Lake, Utah

Mỏ Bingham Canyon, thường được người dân địa phương gọi là Mỏ đồng Kennecott, từng là một ngọn núi cao gần 2560m. Nguồn: Tours of Utah

Nằm ở phía tây nam của thành phố Salt Lake, thuộc bang Utah, nước Mỹ, mỏ Bingham Canyon được biết đến là mỏ lộ thiên đẹp nhất, lớn nhất và sâu nhất thế giới được con người tạo ra với độ sâu hơn 1,2km và rộng 4km. Mỏ Bingham Canyon lớn đến mức các phi hành gia trên tàu con thoi của NASA có thể nhìn thấy bằng mắt thường khi bay ở độ cao 305 - 531km trên mực nước biển.

Đây cũng là mỏ sản xuất nhiều đồng nhất trong lịch sử, với sản lượng ước tính là 19 triệu tấn.

Mỗi năm, mỏ sản xuất 300.000 tấn đồng, 13,7 tấn vàng, 137 tấn bạc và gần 9.100 tấn molypden, tổng doanh thu đạt khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.

Hiện mỏ Bingham Canyon đang được đầu tư để mở rộng quy mô hơn nữa trong thập kỷ tới./.

Tác giả: Đỗ Thanh Hương (Theo Mining Digital)