Các giải pháp chống biến đổi khí hậu

Quản trị viên 26/04/2023 Khối môi trường

Biến đổi khí hậu đang đặt ra một trong những rủi ro phổ biến nhất đối với hành tinh và sự thịnh vượng của chúng ta. Tác động của biến đổi khí hậu đã rõ ràng: nhiệt độ trung bình toàn cầu ấm hơn, mực nước biển dâng cao, các đợt nắng nóng kéo dài và xảy ra thường xuyên hơn, bão và lũ lụt nhiều hơn, cháy rừng và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác.

Tác động của biến đổi khí hậu đối với Trái đất. Nguồn: SEEC

Trong bối cảnh này, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc (IPCC) đã công bố báo cáo mới nhất về cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, nhấn mạnh nếu hành động ngay bây giờ, chúng ta vẫn có thể đảm bảo một tương lai đáng sống và bền vững cho tất cả mọi người.

IPCC là một tổ chức toàn cầu của LHQ, bao gồm 195 quốc gia thành viên, có nhiệm vụ đánh giá khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu. Báo cáo tổng hợp lần thứ 6 của IPCC, được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres mô tả như “một công cụ hướng dẫn cách tháo quả bom hẹn giờ của biến đổi khí hậu”, là bản tóm tắt của tất cả các báo cáo được công bố từ năm 2018 đến năm 2023 về sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, sự phát thải của nhiên liệu hóa thạch và tác động của biến đổi khí hậu đối với Trái đất.

Do IPCC không dự kiến công bố Báo cáo đánh giá lần thứ 7 trước năm 2027 nên Báo cáo tổng hợp lần thứ 6 này cung cấp nền tảng cho giai đoạn bảy năm quan trọng từ nay đến năm 2030.

Những phát hiện quan trọng của Báo cáo tổng hợp lần thứ 6 của IPCC

Báo cáo được viết bởi 39 nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia, gồm ba phần được sắp xếp theo khung thời gian: Hiện trạng và các xu hướng nhìn lại lịch sử cho đến ngày nay; Các kịch bản dự án về khí hậu và tương lai phát triển dài hạn đến năm 2100 và xa hơn; Ứng phó ngắn hạn trong bối cảnh biến đổi khí hậu xem xét các khung thời gian chính sách quốc tế hiện tại từ nay đến những năm 30 của thế kỷ XXI.

Báo cáo tổng hợp lần thứ 6 đưa ra một số phát hiện quan trọng như sau:

Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã ảnh hưởng đến nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan ở mọi khu vực trên toàn cầu - với sự mất mát và thiệt hại trên diện rộng đối với cả thiên nhiên và con người.

Sự phát thải khí nhà kính sẽ làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu trong thời gian tới và có khả năng nhiệt độ Trái đất sẽ tăng 1,5°C từ năm 2030 đến năm 2035.

Trong thế kỷ qua, nhiệt độ trung bình của đất liền và biển đã tăng khoảng 1,1°C trên toàn thế giới so với thời kỳ tiền công nghiệp, trong khi đó, các chính sách khí hậu hiện tại dự báo sẽ khiến cho nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 3,2°C vào năm 2100.

Đây là một điều đáng báo động, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự sống và phát triển trên Trái đất khi mà những rủi ro và tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu được dự báo sẽ leo thang cùng với sự gia tăng hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Để đạt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 1,5°C, lượng khí thải nhà kính cần phải giảm ít nhất 43% vào năm 2030 so với mức năm 2019 và ít nhất 60% vào năm 2035. Đây là thập kỷ quyết định để biến điều đó thành hiện thực.

Tổn thất và thiệt hại sẽ ảnh hưởng đáng kể đến những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là người dân ở châu Phi và các nước kém phát triển nhất, làm gia tăng tình trạng nghèo đói ở các khu vực này.

Ưu tiên công bằng, công bằng xã hội, sự hòa nhập và các quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng sẽ tạo điều kiện cho các hành động giảm thiểu biến đổi khí hậu đầy tham vọng và hỗ trợ cho sự phát triển thích ứng với khí hậu.

Các giải pháp tài chính khí hậu để chống biến đổi khí hậu hiện nay không đạt được mức cần thiết để kiềm chế sự nóng lên toàn cầu dưới 2°C hoặc đến 1,5°C trên tất cả các lĩnh vực và khu vực.

Dòng tài chính công và tư nhân cho nhiên liệu hóa thạch vẫn lớn hơn dòng tài chính cho sự thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Trong số nhiều biện pháp để đảm bảo các hệ thống năng lượng là nguồn phát thải CO₂ ròng bằng 0, chúng ta cần "giảm đáng kể việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch tổng thể, sử dụng tối thiểu nhiên liệu hóa thạch không áp dụng công nghệ giảm phát thải, đồng thời áp dụng công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon trong các hệ thống nhiên liệu hóa thạch còn lại; bảo tồn năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; đẩy mạnh việc tích hợp các công nghệ tiên tiến trên toàn bộ hệ thống năng lượng".

Biến đổi khí hậu khiến cháy rừng, hạn hán, bão và lũ lụt xảy ra ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Nguồn: CNN

Có quá muộn để kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái đất trong phạm vi 1,5°C không?

Cần xem mức tăng 1,5°C không phải là mục tiêu mà là mức trần. Vượt quá 1,5°C có nghĩa là chúng ta đang bước vào vùng nguy hiểm, vượt ra ngoài giới hạn hành tinh mà trong đó đời sống tự nhiên, động vật và con người đã phát triển mạnh mẽ trong hàng triệu năm qua.

Như báo cáo của IPCC cho thấy, vẫn chưa quá muộn để tránh việc vượt qua giới hạn 1,5°C, nhưng mối đe dọa lớn nhất đối với việc đạt được mục tiêu này chính là sự thờ ơ của con người.

Chi phí của việc không hành động lớn hơn nhiều so với chi phí hành động, các quan hệ tài chính sẽ tác động đến tất cả mọi người, từ các chính phủ đến các công ty và các gia đình.

Gần một nửa dân số thế giới đang sống trong vùng nguy hiểm của các tác động khí hậu, nơi cuộc sống và sinh kế của họ đang bị đe dọa bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày một thường xuyên và dữ dội hơn, chẳng hạn như lũ lụt và hạn hán, ảnh hưởng đến an ninh nước và lương thực cũng như việc mất các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng.

Trên thực tế, sự khác biệt giữa 1,5°C và 2°C không chỉ đơn thuần là nhiệt độ tăng 0,5°C mà điều đó có nghĩa là rủi ro khí hậu sẽ nghiêm trọng hơn ít nhất hai lần.

Chúng ta cần hành động ngay bây giờ để bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương bởi khí hậu, đồng thời chung tay hành động hướng tới một tương lai sạch hơn, lành mạnh hơn và thịnh vượng hơn.

Các giải pháp chống biến đổi khí hậu

Theo IPCC, cần lồng ghép giảm thiểu với thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Theo đó, cần giảm lượng khí thải ít nhất là 43% trong bảy năm tới. Để đạt được điều này, cần chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch không áp dụng công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) sang các nguồn năng lượng carbon rất thấp hoặc bằng không, chẳng hạn như năng lượng tái tạo hoặc nhiên liệu hóa thạch áp dụng CCS, các biện pháp kích cầu và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể và cộng đồng có thể bắt tay nhau để thực hiện quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng, thực phẩm, giao thông và sản xuất. Điều này có thể đạt được thông qua các chính sách minh bạch, táo bạo và phối hợp nhằm mở khóa sức mạnh biến đổi của thị trường tài chính, lĩnh vực công nghiệp và các nhà đổi mới.

Tổng thư ký LHQ António Guterres đã đề xuất một số hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu bao gồm:

Đảm bảo sản xuất điện phát thải ròng bằng 0 vào năm 2035 đối với tất cả các nền kinh tế phát triển và vào năm 2040 cho phần còn lại của thế giới.

Ngừng cấp phép hoặc tài trợ cho các dự án khai thác dầu khí mới.

Dừng bất kỳ sự mở rộng trữ lượng dầu khí hiện có. Chuyển trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch sang cho chuyển đổi năng lượng công bằng.

Thiết lập giai đoạn giảm sản lượng dầu khí hiện có trên toàn cầu phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 toàn cầu vào năm 2050.

Đẩy nhanh nỗ lực mang lại công bằng khí hậu cho các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa về giảm phát thải khí nhà kính trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia.

Có thể nói, chúng ta đã chứng kiến bước đột phá kỳ diệu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nơi năng lượng mặt trời và gió đang là nguồn năng lượng mới rẻ nhất ở nhiều quốc gia, chiếm 90% sản lượng điện từ năng lượng tái tạo. Xe điện được dự đoán sẽ có mức giá ngang bằng với động cơ đốt trong trong 2-3 năm tới.

Chúng ta cần những đột phá tương tự trong các lĩnh vực "khó giảm phát thải" bao gồm công nghiệp nặng và vận tải đường dài, hiện chiếm 30% lượng khí thải cacbon toàn cầu và dự báo sẽ chiếm phần lớn vào giữa thế kỷ này. Để đáp ứng yêu cầu cấp bách này, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã hợp tác chặt chẽ với Liên minh Những người dẫn đầu nhằm tận dụng sức mạnh của nhu cầu thị trường ban đầu, từ đó đẩy nhanh việc cung cấp các giải pháp chuyển đổi năng lượng gần như không phát thải. Kể từ khi được thành lập tại COP26 vào năm 2021, 12 chính phủ và 74 công ty hàng đầu và sáng tạo nhất thế giới đã tham gia liên minh công - tư toàn cầu này. Hướng đến mục tiêu khử carbon cho ngành công nghiệp nặng và vận tải đường dài; Liên minh Những người dẫn đầu đã và đang thực hiện các cam kết đầy tham vọng về ngành thép, hàng không, vận tải đường bộ và đường biển, hứa hẹn đưa các công nghệ sạch mới nổi ra thị trường vào năm 2030. 

Đối với hệ thống thực phẩm, chúng ta cũng cần có xúc tác để có những đột phá tương tự để thúc đẩy sự chuyển đổi. Sẽ không thể đạt được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5°C nếu không ngăn chặn và đảo ngược nạn phá rừng, chuyển đổi hệ thống sử dụng đất và thực phẩm đi đôi với việc bảo vệ hệ sinh thái đại dương.

Ngày nay, các hệ thống thực phẩm nông nghiệp chịu trách nhiệm cho khoảng 1/3 lượng khí thải và là nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học. Hệ thống thực phẩm và sử dụng đất đai hiện tại cần chuyển từ chỗ là nguồn phát thải carbon sang nguồn chứa carbon, từ chỗ là lĩnh vực đóng góp sang lĩnh vực bảo vệ sự đa dạng sinh học, đồng thời đáp ứng nhu cầu thực phẩm toàn cầu.

Ngoài giảm thiểu ngay lập tức các tác động của biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh còn có nhiều lợi ích khác. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, nó có thể tạo ra 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu vào năm 2030, đồng thời bảo đảm công việc cho 1,2 tỷ lao động trong các hoạt động trồng trọt, đánh bắt cá, lâm nghiệp và du lịch vốn phụ thuộc trực tiếp vào một môi trường lành mạnh và ổn định. Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, số lượng việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã tăng 700.000, đạt 12,7 triệu việc làm trong hai năm 2020, 2021.

Hành động vì khí hậu hiện nay là điều cần thiết để thúc đẩy phát triển bền vững. Nếu không hành động có thể khiến cho GDP toàn cầu giảm tới 18% trong 30 năm tới, theo dự báo của Viện nghiên cứu Swiss Re.

Quá trình chuyển đổi năng lượng phát thải ròng bằng 0 sẽ đòi hỏi số tiền 125 nghìn tỷ USD đầu tư cho khí hậu vào năm 2050. Riêng trong năm 2021, thế giới đã chi 755 tỷ USD cho các công nghệ năng lượng carbon thấp, tăng 27% so với năm trước đó.

Hướng tới COP28, sẽ được tổ chức vào tháng 11/2023 tại Dubai, Tổng thư ký LHQ António Guterres kêu gọi "tất cả các nhà lãnh đạo G20 cam kết đóng góp đầy tham vọng cho nền kinh tế mới trên toàn quốc bao gồm tất cả các khí thải nhà kính và đề ra các mục tiêu cắt giảm khí thải tuyệt đối cho năm 2035 và năm 2040. Quá trình chuyển đổi phải bao trùm toàn bộ nền kinh tế. Cam kết từng phần sẽ khiến cho mục tiêu cắt giảm bị thất bại".

Khả năng tồn tại của nhân loại sống trên hành tinh xanh phụ thuộc vào những hành động chúng ta thực hiện trong bảy năm tới. Không có thời gian để lãng phí nếu muốn đạt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,5°C.

Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta, bảo vệ Trái đất là trách nhiệm chung của tất cả mọi người. Vì vậy, chủ đề của Ngày Trái đất 22-4 năm nay là “Đầu tư vào hành tinh của chúng ta”, kêu gọi các chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân chung tay hành động để bảo vệ Trái đất, xây dựng một tương lai thịnh vượng và công bằng cho các thế hệ tương lai./.

Tác giả: Đỗ Thanh Hương (Theo Weforum)