Năm 2022, sản xuất điện đốt than trên quy mô toàn cầu đã lập kỷ lục trong bối cảnh diễn ra cuộc khủng hoảng năng lượng tại nhiều nơi do giá khí đốt tự nhiên tăng cao. Thị trường than quốc tế trở nên khan hiếm đã đẩy giá than tăng lên các mức chưa từng có, đặc biệt vào tháng 3 và tháng 6-2022.
Các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thay thế dầu mỏ và khí đốt của Nga nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng từ nước này và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch tăng đáng kể ở EU và dự kiến sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tới do nhiều quốc gia đã mở lại các nhà máy điện đốt than bất chấp chương trình nghị sự “xanh” với cam kết từ bỏ than và dầu mỏ để sản xuất điện. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các nước EU dự kiến sẽ tăng sản lượng than đá lên 2,7 triệu tấn trong năm 2023.
Châu Âu tái phụ thuộc vào than
Điều này thể hiện rõ ở EU, nơi giá khí đốt tự nhiên tăng vọt do sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, trong khi đó, sản lượng điện gió và mặt trời không đủ để bù đắp cho sản lượng điện hạt nhân và thủy điện bị giảm sút. Chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng, một số nước EU, bao gồm Đức, Phần Lan, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ý, Đan Mạch, Hy Lạp, Cộng hòa Séc, Hungary và Áo, đã cho phép các nhà máy than đã đóng cửa hoặc bị bỏ hoang hoạt động trở lại hoặc nâng giới hạn sản xuất than.
Đức là quốc gia nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga cho 55% nguồn cung cấp khí đốt của mình, bằng việc tạo ra một “kho dự trữ thay thế khí đốt” bao gồm 11,6 GW điện than. Theo đó, Đức đã cho phép các nhà máy nhiệt điện than hoạt động trở lại ít nhất là đến tháng 4-2024, đồng thời hoãn việc ngừng hoạt động các nhà máy điện than theo kế hoạch vào cuối năm 2022 bất chấp cam kết của nước này nhằm loại bỏ điện than vào năm 2030.
Động thái này của Đức tạo nên sự gia tăng lớn trong tiêu thụ than của ngành điện EU. Theo IEA, mức tiêu thụ than để sản xuất điện trong năm 2022 của EU dự tính tăng tới 9%, đạt 377 tấn.
Tính riêng Phần Lan, tiêu thụ than tăng 10% trong năm 2022 so với năm 2021, khi nước này đẩy mạnh sử dụng than trong sản xuất điện và sưởi ấm. Điều này hoàn toàn trái ngược với các kế hoạch chuyển đổi sang năng lượng xanh của Chính quyền Helsinki, trong đó có tuyên bố sẽ cấm sử dụng than đá trong lĩnh vực năng lượng từ năm 2029. Sau quyết định giảm dần lượng điện nhập khẩu từ Nga, Phần Lan đã buộc phải hồi sinh một số nhà máy nhiệt điện than đã ngừng hoạt động trong năm 2022.
Cơ quan IEA cũng đưa ra dự báo kinh tế lạc quan cho điện than trong thời gian tới. “Các thị trường kỳ hạn hiện tại cho thấy chi phí cận biên của các nhà máy điện đốt than sẽ thấp hơn nhiều so với các nhà máy nhiệt điện khí trong vài năm tới. Điều này chỉ có khả năng thay đổi vào năm 2025 khi giá khí đốt kỳ hạn đủ thấp để nâng lợi thế cạnh tranh của các nhà máy nhiệt điện khí so với các nhà máy nhiệt điện than.”
Nhà máy nhiệt điện than Hunutlu ở thành phố Adana, Thổ Nhĩ Kỳ, sử dụng công nghệ siêu tới hạn với hai tổ máy 1,32 GW, đi vào hoạt động vào tháng 9-2022. Dự án trị giá 1,7 tỷ đô la này là liên doanh giữa Công ty Điện Thượng Hải của Trung Quốc, Công ty Kỹ thuật Dự án Quốc tế AVIC của Namibia và hai công ty Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: EMBA Power.
Sản xuất điện than hồi sinh ở Trung Quốc và Ấn Độ
Ba nhà sản xuất than lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đều đạt sản lượng than kỷ lục trong năm 2022.
Tháng 8-2022, sản lượng điện than của Trung Quốc đánh dấu mức tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, do sản lượng thủy điện giảm trong một đợt nắng nóng. Theo IEA, Trung Quốc có thể tăng gấp đôi sản lượng điện than bất chấp sự tăng trưởng chậm lại gần đây. Với việc chính quyền nước này đưa vào vận hành các nhà máy nhiệt điện than mới công suất lớn trong năm 2021, 2022, và có kế hoạch nâng tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than lên đạt 270 GW vào năm 2025, than chắc chắn sẽ giữ vai trò là “xương sống” cho lĩnh vực an ninh năng lượng của Trung Quốc trong thời gian tới.
Hiện Trung Quốc chiếm khoảng 55% công suất điện than toàn cầu đang được phát triển. Mặc dù vậy, ít có khả năng các nhà máy nhiệt điện than bổ sung sẽ hoạt động hết công suất, vì chúng chủ yếu nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và sẽ không trực tiếp làm tăng tiêu thụ than của ngành điện. Do đó, IEA chỉ dự báo mức tăng trưởng điện than của Trung Quốc ở mức vừa phải là 2,3%/năm (khoảng 5.731 TWh) vào năm 2025.
Mặt khác, Ấn Độ - quốc gia có 73% sản lượng điện phụ thuộc vào điện than, còn chứng kiến sự tăng trưởng điện than đáng kể hơn nhiều. Các nhà máy nhiệt điện than chiếm 50% trong tổng công suất điện lắp đặt 404 GW, ngoài ra, có 25 GW mới đang trong quá trình xây dựng. Mặc dù Ấn Độ đang nhắm mục tiêu đưa năng lượng tái tạo chiếm 50% trong hỗn hợp năng lượng của mình vào năm 2030 và yêu cầu 81 nhà máy điện than cắt giảm sản lượng điện tổng cộng là 58 TWh trong 4 năm tới, nhưng đến nay, chưa có nhà máy điện than nào trong số 172 nhà máy điện than đấu nối với lưới điện của nước này lên kế hoạch nghỉ hưu. Vì vậy, IEA kỳ vọng nhu cầu than của Ấn Độ sẽ tăng đều đặn, dự báo mức sử dụng khoảng 1.220 tấn vào năm 2025.
Ở Nhật Bản, nhu cầu than tăng khoảng 1,8% trong năm 2022 do giá khí đốt tăng mạnh. Trong thời gian tới, sản xuất điện than của Nhật Bản dự báo tiếp tục tăng trưởng ở mức độ vừa phải, với công suất nhiệt điện than sẽ tăng khoảng 0,7 GW trong tổng mức tăng công suất nhiệt điện 1,03 GW. Các mức giá kỳ hạn cho thấy than sẽ vẫn cạnh tranh với khí đốt giao ngay cho đến năm 2025.
Tương tự, Hàn Quốc đã gỡ bỏ các giới hạn sản xuất nhiệt điện than cũng như kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện than để thay thế cho sản xuất khí đốt đắt đỏ. Cùng với việc khởi động lò phản ứng hạt nhân 1,4 GW Shin Hanul 1, nước này cũng sẽ khởi động nhà máy điện Anin 2 GW chạy bằng than siêu tới hạn ở tỉnh Gangwon. Dự báo, đến năm 2025, sản lượng điện than của Hàn Quốc sẽ đạt mức tương đương với năm 2022.
Trong khi đó, sản xuất điện than ở Đông Nam Á dự kiến sẽ gia tăng, đặc biệt là ở Indonesia và Việt Nam. Năm ngoái, Indonesia đã khởi công hai nhà máy điện than mới với tổng công suất hơn 3 GW, Việt Nam cũng khánh thành nhà máy điện Nghi Sơn 2 1,2 GW. Dự báo, tầm quan trọng của nhiệt điện than trong khu vực sẽ tăng lên trong tương lai gần vì vẫn còn một số nhà máy nhiệt điện than đang được xây dựng ở Indonesia.
Ở Việt Nam, dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 do Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II (VAPCO) làm chủ đầu tư công suất 1,3 GW dự kiến sẽ bắt đầu phát điện vào 2025. Đây là dự án nhà máy nhiệt điện lớn nhất hiện nay ở khu vực miền Trung Việt Nam và là một trong 4 nhà máy của trung tâm nhiệt điện Vũng Áng, có tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD.
Phối cảnh Trung tâm Nhiệt điện Vũng Áng II, một trong những dự án trọng điểm được xây dựng liền kề với Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I, đang được xây dựng tại thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Nguồn: Vinaconex.
Theo thống kê của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), năm 2022, nhu cầu than đá của Việt Nam tăng mạnh khoảng 12% so với năm trước, sản lượng khai thác cũng như giá than đá trong năm 2022 đều đạt kỷ lục (7,8 triệu đồng/tấn). Nhưng theo các chuyên gia năng lượng, giá than đá trong nước cũng như nhập khẩu trong năm 2023 có khả năng còn thiết lập những kỷ lục mới do nhu cầu điện than trong nước vẫn đang tăng mạnh./.
Tác giả: Đỗ Thanh Hương