Tái sử dụng các nhà máy điện đốt than ngừng hoạt động

Quản trị viên 12/08/2022 Khối môi trường

Một trong những giải pháp giảm thiểu sự biến đổi khí hậu của Trái đất là đóng cửa các nhà máy điện đốt than. Khi các nhà máy điện đốt than ngừng hoạt động, các công ty điện lực có nhiều phương án để tái sử dụng các cơ sở này. Chẳng hạn như, biến nhà máy cũ trở thành một địa điểm lịch sử, tái sử dụng làm không gian thương mại hoặc văn phòng, hay sử dụng công trình hiện có để xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời hoặc khí đốt mới…

Một nhà máy điện đốt than đã ngừng hoạt động ở thành phố Somerset, bang Massachusetts, Mỹ. Nguồn: REUTERS.

Nhiều quốc gia đang tiến hành kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện đốt than

Than đá từng được coi là nguồn lực trung tâm trong cuộc cách mạng điện của Mỹ ở thế kỷ 20, giờ đây, khi ngày càng có nhiều nhà máy nhiệt điện than ngừng hoạt động trên khắp nước Mỹ, một câu hỏi đương nhiên được đặt ra: Giờ có thể làm gì với những nhà máy cũ nát và hoang phế đó?

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất phải suy tính làm gì với những nơi từng là nhà máy điện đốt than. Là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất Nam Mỹ, Chile có công suất phát điện lắp đặt vào cuối năm 2020 đạt hơn 26 GW; trong đó, than chiếm 20,3%, tỷ trọng lớn nhất trong công suất điện hóa thạch của nước này, tiếp theo là khí tự nhiên (18,9%) và dầu mỏ (11,3%), thủy điện chiếm khoảng 26,7% công suất, còn lại là năng lượng mặt trời (12,1%), gió (8,8%), sinh khối (1,8%) và địa nhiệt (0,2%).

Với kế hoạch đóng cửa 11 trong số 30 nhà máy than vào năm 2024 và số còn lại vào năm 2040, Chile cần giải quyết hai thách thức: một là thay thế năng lượng hiện đang sản xuất bằng than; hai là tìm phương án tái sử dụng cho 30 nhà máy sẽ ngừng hoạt động. Hiện chính phủ Chile và các công ty liên quan đang xem xét chuyển đổi các cơ sở này sang sử dụng năng lượng sinh khối hoặc khí sinh học, trở thành các nhà máy khử muối, hoặc làm nơi sử dụng các công nghệ mới như pin Carnot (pin điện hóa).

Ở châu Âu, công ty điện lực lớn nhất khu vực - Enel, từng phụ thuộc chủ yếu vào than, cũng tuyên bố họ sẽ đóng cửa toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than của mình trong vòng sáu năm tới và tái sử dụng các cơ sở này. Trưởng ban Phát triển Thủy điện, Địa nhiệt và Danh mục đầu tư của Enel, Fabio Cautadella cho bết: "Hầu hết các nhà máy nhiệt điện than đang được chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhưng trong một số trường hợp, chúng được tái sử dụng với vai trò hoàn toàn mới."

Theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, 85% các nhà máy điện đóng cửa trong năm 2022 sẽ là các đơn vị sử dụng nhiên liệu than, được thúc đẩy bởi tính kinh tế của khí tự nhiên và năng lượng tái tạo, cũng như tính chính trị trong việc giải quyết biến đổi khí hậu.

Giá trị của các nhà máy điện than ngừng hoạt động

Một phần của câu trả lời là sự thật hiển nhiên: tái chế và phế liệu. Các nhà máy này có rất nhiều kim loại, chẳng hạn như trạm phân phối điện và các máy phát điện tuabin hơi, có thể được thu hồi để bán trên các thị trường sắt vụn.

Ngoài việc thu hồi kim loại, các nhà máy bị bỏ hoang này còn có giá trị hơn thế, đó là cơ sở đã được xây dựng sẵn. Các cơ sở này có thể được chuyển đổi thành các trang trại năng lượng mặt trời hoặc các nhà máy khí đốt, cho mục đích sử dụng mới như trồng cây, hoặc nếu có kiến trúc độc đáo thì các cơ sở cũ này có thể trở thành các tòa nhà thương mại và bán lẻ.

Một ví dụ điển hình là Nhà máy nhiệt điện than Pratt Street, ở thành phố Baltimore, tiểu bang Maryland, Mỹ, vốn nằm ở trung tâm khu du lịch và kinh doanh chính Inner Harbour của thành phố, đã đóng cửa vào năm 1973.

Nhà máy điện Pratt Street là một địa điểm lịch sử nằm ở trung tâm thành phố Baltimore, bang Maryland, Mỹ. Nhà máy đóng cửa vào năm 1973 và được chuyển đổi thành một không gian thương mại.

Sau khi bị bỏ trống trong nhiều năm, chính quyền thành phố và các doanh nghiệp địa phương đã nhận ra giá trị nghệ thuật kiến trúc của Nhà máy điện Pratt Street và hồi sinh tòa nhà tân cổ điển tuyệt đẹp vào đầu thế kỷ này, biến nó thành một trung tâm thương mại. Tòa nhà đã được liệt kê trong Sổ đăng ký Các địa điểm lịch sử quốc gia của Mỹ vào năm 1987.

Một ví dụ khác là Nhà máy điện số 1 ở McPherson, bang Kansas, Mỹ. Từ chỗ là một nhà máy đốt than được xây dựng vào năm 1934 theo phong cách trang trí nghệ thuật, sau chuyển đổi thành nhà máy điện chạy bằng dầu và đóng cửa vào năm 1947. Nhà máy điện này đã được chuyển đổi thành không gian văn phòng và trở thành trụ sở của Ủy ban Các công trình công cộng McPherson. Tòa nhà được đưa vào Sổ đăng ký quốc gia của Mỹ vào năm 2007.

Nhà máy điện số 1, McPherson, bang Kansas, Mỹ đã được tái sử dụng làm trụ sở của Ủy ban Các công trình công cộng McPherson. Trong ảnh là máy phát điện tuabin của Nhà máy điện số 1 được lưu giữ và trưng bày trong một khu bảo tàng của tòa nhà.

Rõ ràng chuyển đổi mục đích là một cơ hội kinh doanh. Một trong những công ty đi tiên phong trong việc hồi sinh các nhà máy than bị bỏ hoang là TRC của Mỹ. TRC mô tả chương trình RE POWER của mình (tạm dịch là Chương trình hồi sinh các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch) là “một phương pháp tích hợp quản lý việc chuyển đổi các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ giai đoạn đóng cửa an toàn sang ngừng hoạt động và thu hồi tài sản, tiếp theo là chuyển đổi mục đích của tài sản nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng và tối ưu hóa lợi tức đầu tư”.

Theo Viện Nghiên cứu Điện lực (EPRI) - một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận của Mỹ, đã đưa ra lời khuyên trong báo cáo “Phương pháp tiếp cận toàn diện nhằm chuyển đổi mục đích cho các nhà máy điện than ngừng hoạt động: Chuyển thụ động thành năng động”. Trong đó, trọng tâm ban đầu không chỉ là việc xử lý môi trường, mà phải mở rộng hơn nhằm xác định một cách nhanh chóng và toàn diện hơn các thách thức và tìm ra các giải pháp bền vững. Theo đó, các công ty tiện ích có thể thành lập một đơn vị đặc biệt có vai trò chuyển đổi mục đích toàn diện, bao gồm đại diện của tất cả các bộ phận nội bộ liên quan và có thể mời các cố vấn chủ chốt bên ngoài (quan chức phát triển kinh tế, chuyên gia tư vấn, v.v..). Nhiệm vụ của đơn vị đặc biệt là xác định và triển khai các địa điểm chuyển đổi mục đích tiềm năng theo định hướng thị trường./.

Tác giả: Đỗ Thanh Hương (Theo Power Magazine)