Một số bài học từ việc đóng cửa mỏ

Quản trị viên 06/04/2022 Khối môi trường

Trong thời gian tới, trên thế giới sẽ có thêm nhiều mỏ than phải đóng cửa khi các quốc gia chuyển đổi hệ thống năng lượng của mình nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và hướng tới tương lai năng lượng sạch hơn, đồng nghĩa với việc khoảng 80% trữ lượng than trên thế giới sẽ phải nằm dưới lòng đất. Điều này sẽ không chỉ được thúc đẩy bởi các chính sách khí hậu mà còn bởi các yếu tố khác như: chi phí năng lượng tái tạo đang giảm nhanh, những lo ngại về ô nhiễm không khí cũng như sự thay đổi nhu cầu than toàn cầu.

Sản lượng than theo đó sụt giảm mạnh đặt ra những câu hỏi quan trọng về tác động đối với người lao động, cộng đồng khai thác mỏ và các nước sản xuất than, làm dấy lên cuộc tranh luận về quá trình chuyển đổi năng lượng “công bằng”. Những tác động này phân bố không đồng đều trên toàn xã hội. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần chú trọng việc lập kế hoạch đóng cửa mỏ nhằm giảm thiểu những tác động này, cũng như nghiên cứu cách thức tạo ra các nền tảng kinh tế và xã hội thay thế phù hợp để duy trì các khu vực từng phụ thuộc vào than.

Dưới đây là năm bài học rút ra từ nghiên cứu của Stockholm Environment Institute (Viện Môi trường Stockholm của Thụy Điển) về việc chuyển đổi khai thác mỏ cho các xã hội công bằng.

1. Lập kế hoạch đóng cửa mỏ ít nhất là mười năm

Nhìn lại các ví dụ về việc đóng cửa mỏ (bao gồm cả các mỏ khác ngoài than đá), có thể thấy rằng các mỏ thường đóng cửa chỉ với thông báo ngắn gọn. Nguyên nhân có thể là trong công ty đã xảy ra một cuộc khủng hoảng đột ngột hoặc có sự thay đổi trong chính sách của công ty khiến ban lãnh đạo công ty không có thời gian để lên kế hoạch. Việc đóng cửa mỏ đột ngột đồng nghĩa với việc các yếu tố kinh tế, xã hội và cơ sở hạ tầng không được giải quyết toàn diện và triệt để.

Thậm chí, lập kế hoạch đóng cửa mỏ chỉ trong vài năm là không đủ. Một số trường hợp đóng cửa mỏ thành công hơn chỉ khi có tầm nhìn hoạch định trong ít nhất 10 năm hoặc dài hơn. Các mỏ Atikokan ở Canada và Matlosana ở Nam Phi là hai ví dụ điển hình, và “thành công” trong hai trường hợp này thể hiện ở chỗ theo thời gian, những nơi này đã phát triển được các nguồn việc làm và hoạt động kinh tế khác. Kết quả là tương đối ít người lao động phải rời khỏi địa phương do hậu quả của việc đóng cửa mỏ.

Mặc dù vậy, định nghĩa về “thành công” còn hạn hẹp. Một quá trình chuyển đổi được coi là thực sự thành công khi khu vực khai thác đạt được mục tiêu công bằng hơn về mặt kinh tế và xã hội sau khi mỏ đóng cửa.

Quang cảnh một mỏ than ở Australia cho thấy mức độ mà cảnh quan có thể bị tác động

bởi hoạt động khai thác mỏ. Nguồn: Flickr

2. Xem xét tất cả các nhóm xã hội bị ảnh hưởng

Việc đóng cửa mỏ có tác động kinh tế - xã hội đối với nhiều nhóm xã hội, một trong những nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là thợ mỏ và những người lao động khác bị mất việc làm. Do đó, các chính sách lao động, chẳng hạn như chế độ bồi thường và nghỉ hưu sớm, rất quan trọng trong việc quản lý việc đóng cửa mỏ.

Tuy nhiên, cần có nhiều chính sách hơn nữa để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực bởi lẽ không chỉ các thợ mỏ mà phần lớn cư dân địa phương xung quanh mỏ cũng phụ thuộc vào sự tồn tại của mỏ. Khi mỏ ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp nhỏ buộc phải đóng cửa theo và gần như toàn bộ hoạt động kinh tế của địa phương có thể rơi vào bế tắc. Nhiều người phải rời khỏi địa phương do cơ hội việc làm ít ỏi, trong khi đó, người già không thể rời quê hương và bị bỏ lại phía sau.

Điều này đặc biệt đúng ở các nước đang phát triển, nơi các mỏ có xu hướng nằm ở các khu vực biệt lập, nơi mà tất cả cơ sở hạ tầng được liên kết - trực tiếp hoặc gián tiếp - với hoạt động khai thác mỏ và các chuỗi cung ứng đều nằm trong phạm vi địa phương.

Một khía cạnh khác cần xem xét là giới tính. Trong lịch sử, nam giới thường làm việc trong các hầm mỏ còn nữ giới phụ thuộc vào thu nhập của họ. Khi đàn ông mất việc làm, phụ nữ phải đi tìm việc và nhiều người trong số họ phải trải qua gánh nặng công việc kép, vừa phải đi làm kiếm tiền vừa phải cáng đáng việc nhà. Hoặc là phụ nữ chỉ tìm được công việc lương thấp hoặc bán thời gian mà không có các quyền lợi như nghỉ phép, chăm sóc sức khỏe và phát triển sự nghiệp. Những hậu quả này có thể dẫn đến sự căng thẳng trong mối quan hệ gia đình và có khả năng gây đổ vỡ hôn nhân.

Tóm lại, việc đóng cửa mỏ gây ra những tác động xã hội to lớn mà phần lớn đã bị bỏ qua. Vì vậy, nhất thiết phải xem xét các tác động xã hội khi lập kế hoạch đóng cửa mỏ. Để xây dựng một xã hội bình đẳng và công bằng hơn, các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm tới tất cả các nhóm xã hội này.

3. Xem xét mọi yếu tố chịu tác động

Có thể thống kê số lượng việc làm bị mất nhưng các yếu tố khác, chẳng hạn như suy nghĩ, cảm xúc của người có việc hay mất việc, thì khó định lượng hơn nhưng rất cần được xem xét bởi các yếu tố này cũng có ý nghĩa quan trọng. Có việc làm hoặc mất việc đều có các chiều cảm xúc, ảnh hưởng đến mức độ tự tin của mọi người về tương lai của họ, sự tự tin đó - hoặc thiếu nó - có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi cá nhân.

Việc đóng cửa mỏ cũng có thể mang lại những hậu quả chính trị. Ở các nước có nhiều đảng phái, việc đóng cửa mỏ có thể khiến mọi người quyết định bỏ phiếu cho các đảng khác nhau, suy nghĩ khác đi về tổ chức công đoàn hoặc thay đổi thái độ đối với chính quyền địa phương, khu vực hoặc quốc gia. Thậm chí, có những trường hợp mà việc đóng cửa mỏ đã dẫn đến tình trạng bất ổn dân sự.

4. Thu hút sự tham gia của các bên liên quan và xây dựng một tầm nhìn chung

Vì việc đóng cửa mỏ ảnh hưởng đến nhiều nhóm người theo nhiều cách khác nhau nên các chủ thể khác nhau - bao gồm xã hội dân sự, chính quyền địa phương và các công ty – đều cần tham gia vào quá trình đóng cửa mỏ. Sự tham gia rộng rãi này là cần thiết để các chủ thể này chấp nhận hậu quả của việc đóng cửa mỏ.

Bài học này được rút ra từ trường hợp mỏ niken Ravensthorpe ở Australia. Trong giai đoạn phát triển mỏ Ravensthorpe, công ty BHP Billiton đã nỗ lực đáng kể trong việc kết nối với cộng đồng. Khi mỏ phải đóng cửa sau một năm hoạt động vào năm 2009 do chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, công ty đã không có sự thông báo đầy đủ cho cộng đồng địa phương khiến người dân vô cùng phẫn nộ. Việc đóng cửa mỏ đột ngột đã khiến hàng nghìn lao động mất việc làm và có tác động tàn phá đối với các cộng đồng địa phương, dẫn đến việc BHP Billiton thời điểm đó bị chỉ trích nặng nề. Nếu có sự tham gia của xã hội dân sự và chính quyền địa phương, có thể người dân trong khu vực đã ít thất vọng và vỡ mộng hơn.

Khi có nhiều bên liên quan và chủ thể, cần xây dựng một tầm nhìn chung về cộng đồng sau khai thác. Việc thống nhất về tầm nhìn có thể mất thời gian, khiến cho quá trình lập kế hoạch đóng cửa mỏ kéo dài. Chẳng hạn như trường hợp gần đây ở Nam Phi, một cơ quan chính phủ được giao nhiệm vụ thực hiện các cuộc đối thoại với các bên liên quan trên cả nước. Mặc dù quá trình này đã diễn ra hơn một năm nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về cách thức tiến hành.

5. Chịu trách nhiệm

Các chính phủ cần quan tâm đến việc lập kế hoạch và thực hiện các bước đóng cửa mỏ nhằm đạt mục tiêu là một xã hội công bằng, ổn định hơn. Các chính phủ chịu trách nhiệm quản lý, điều phối quá trình chuyển đổi này.

Định hướng lại nền kinh tế để mang lại lợi ích cho mọi người là một quá trình rất phức tạp. Nó đòi hỏi hàng loạt giải pháp để chuyển đổi một nền kinh tế từ cũ sang mới dựa trên các thế mạnh, kỹ năng và sự kết nối với các thị trường khác. Đồng thời, điều quan trọng là phải truyền đạt các giải pháp này một cách hiệu quả để chúng được chấp nhận.

Trong nhiều trường hợp trên thế giới, hoạt động khai thác mỏ diễn ra trong nhiều năm đã dẫn đến các nền kinh tế khu vực phụ thuộc vào các mỏ, đồng thời, tài chính công của địa phương (và đôi khi là quốc gia) cũng có thể phụ thuộc vào chúng. Các phương thức sinh kế như canh tác quy mô nhỏ có thể đã phải từ bỏ do ảnh hưởng của việc khai thác mỏ, cùng với đó là môi trường tự nhiên bị tác động tiêu cực.

Nhằm giải quyết các thách thức đa dạng và phức tạp của quá trình chuyển đổi năng lượng khỏi nhiên liệu than, tất cả các ban ngành của chính phủ bao gồm y tế, dịch vụ xã hội, môi trường, tài chính, kinh tế đều cần có trách nhiệm và trực tiếp tham gia giải quyết.

Trách nhiệm tạo ra tầm nhìn mới cho khu vực có mỏ phải đóng cửa, cũng như thực hiện các biện pháp đi kèm, chủ yếu thuộc về các cơ quan chức năng chứ không phải các chính phủ quốc gia. Việc chuyển đổi có diễn ra công bằng hay không còn phụ thuộc vào mức độ trang bị của các tổ chức địa phương về các mặt tài chính, thể chế và kiến thức.

Ở các nước đang phát triển, các tổ chức tài chính kinh tế lớn có vai trò tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng để mở đường cho quá trình chuyển đổi kinh tế khu vực. Các tổ chức này cần kết hợp các bài học rút ra từ lịch sử để cải thiện năng lực chuyển đổi thông qua xây dựng năng lực thực thi.

Cuối cùng, các công ty khai thác mỏ có trách nhiệm thực thi các quy định pháp luật tốt nhất trong quá trình đóng cửa mỏ bất kể bối cảnh mà họ đang hoạt động. Thông thường, cùng một công ty mẹ có cách thức hoạt động khác nhau ở các quốc gia khác nhau, với xu hướng thực thi các quy định nghiêm ngặt hơn ở các nước phát triển. Tuy nhiên, một công ty có trách nhiệm với nền kinh tế - xã hội địa phương sẽ áp dụng các quy trình tốt nhất cho mọi khu vực nơi có mỏ phải đóng cửa./.

Tác giả: Đỗ Thị Thanh Hương (Theo SEI)