Nhà máy năng lượng địa nhiệt- tương lai của các mỏ than cũ?

Quản trị viên 01/07/2021 Khối môi trường

Vương quốc Anh là quốc gia công nghiệp đầu tiên của thế giới với lịch sử khai thác than lâu đời. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này đang dần cạn kiệt và việc Chính phủ quyết định đi theo xu thế chung của thế giới là chuyển sang khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh và thân thiện với môi trường đã dẫn đến sự suy thoái của ngành công nghiệp than, tác động nặng nề đến nhiều cộng đồng ở Vương quốc Anh.

Trong bối cảnh này, một dự án do Hội đồng South Tyneside (Anh) hợp tác với Đại học Durham và Cơ quan Quản lý Than của Vương quốc Anh triển khai nhằm khai thác năng lượng địa nhiệt từ các mỏ than cũ của Khu mỏ Hebburn, nằm ở phía Đông Bắc nước Anh, đã nhanh chóng được Chính phủ cấp phép lập kế hoạch cho giai đoạn thử nghiệm ban đầu. Các mỏ than này được khai thác vào cuối thế kỷ 18 và đóng cửa vào năm 1932, hiện bị bỏ hoang và ngập nước. Mục tiêu của dự án là sẽ cung cấp nhiệt sưởi ấm cho các tòa nhà thuộc sở hữu của Hội đồng South Tyneside. Đây là nguồn năng lượng địa nhiệt hữu ích, nguồn năng lượng sạch quan trọng trong những năm tới.

Một khu mỏ bị bỏ hoang ở Staffordshire, Anh, đang bước đầu được thử nghiệm khai thác năng lượng địa nhiệt. Nguồn: Getty Images.

Theo Cơ quan Quản lý Than, khi các mỏ hầm lò bị bỏ hoang, hệ thống máy bơm có nhiệm vụ tiêu thoát nước thải mỏ ngừng hoạt động và các mỏ bị ngập nước. Các quá trình địa chất làm nước nóng lên và nhiệt độ nước luôn ổn định quanh năm. Trong dự án Khu mỏ than Hebburn, hai giếng sẽ được khoan để lấy nước từ các mỏ phục vụ các thử nghiệm tính khả thi của dự án. Theo kế hoạch, máy bơm nhiệt nước nóng sẽ được sử dụng nhằm tách nhiệt từ nước mỏ trước khi nó được nén đến nhiệt độ cao hơn. Được kỳ vọng sẽ góp phần cắt giảm 319 tấn khí thải cacbon mỗi năm, dự án này sẽ được hưởng lợi từ hơn 3,9 triệu bảng Anh (5,48 triệu USD) tài trợ thông qua Quỹ Phát triển khu vực châu Âu.

Trên thế giới, năng lượng địa nhiệt đã được khai thác và sử dụng từ đầu thế kỷ 20. Đến nay, việc nghiên cứu và phát triển công nghệ khai thác năng lượng địa nhiệt ngày càng lớn mạnh cả về quy mô và hiệu suất sử dụng. Công nghệ này không sử dụng bất cứ nhiên liệu hóa thạch nào nên có  tiềm năng to lớn trong việc giảm bớt sự nóng lên toàn cầu nếu được triển khai rộng rãi.

Đối với nhiều người sống trong các thị trấn khai mỏ và trên cả nước Anh, than vốn không chỉ là xương sống của nền kinh tế mà còn là một lối sống. Tuy vậy, ngành công nghiệp này đã ở bên bờ vực suy tàn. Nước Anh đã đặt ra lộ trình chấm dứt hoàn toàn ảnh hưởng của than vào năm 2025. Gần đây, các kế hoạch về mở một mỏ than mới ở Cumbria nằm ở phía Tây Bắc nước Anh đã gây ra rất nhiều tranh luận, đặc biệt là vì Anh sẽ là nước chủ nhà cho hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 vào cuối năm nay.

Dự án Khu mỏ Hebburn là một trong vài dự án ở Vương quốc Anh triển khai áp dụng công nghệ năng lượng mới cho các khu mỏ khai thác than cũ. Trước đó, vào tháng 3, đã có thông báo rằng một mỏ than nay là điểm chứa chất thải nằm ở phía Đông Bắc nước Anh sẽ được cải tạo bằng cách sử dụng một loạt công nghệ bền vững. Mỏ than này bắt đầu khai thác từ những năm 1920 và đã đóng cửa vào năm 1973, nay sẽ trở thành một trang trại năng lượng mặt trời 3 MW nhằm cung cấp điện cho các hoạt động trong khu vực. Trong thiết kế khu phát triển sẽ tích hợp các điểm sạc xe điện cùng với hệ thống pin lưu trữ./.

Tác giả: Đỗ Thị Thanh Hương(Theo CNBC)