Giải pháp cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải vùng than Quảng Ninh

Quản trị viên 01/07/2021 Khối dự án

Công nghiệp khai thác than tại Quảng Ninh do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) quản lý và thực hiện trong nhiều năm qua đã có đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Bên cạch các mặt tích cực, hoạt động khai thác than cũng gây ra những tác động đến môi trường. Quá trình khai thác mỏ làm thay đổi địa hình khu vực, hình thành các bãi thải, các hố mỏ đã tác động đến môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất làm phát sinh bụi, khí thải nước thải,chất thải rắn,…Bên cạnh đó, hoạt động khai thác cũng làm giảm độ che phủ của rừng, mất tính đa dạng của hệ sinh thái.

Tỉnh Quảng Ninh hiện nay đang phát triển theo hướng lấy du lịch, dịch vụ làm trọng tâm phát triển, kết hợp bảo vệ môi trường biển đảo. Việc khai thác khoáng sản đã thay đổi địa hình khu vực để lại những bãi thải làm giảm độ che phủ của rừng mất tính đa dạng của hệ sinh thái. Chính vì vậy mục tiêu của công tác cải tạo phủ xanh các bãi thải là nhằm đưa môi trường, hệ sinh thái khu vực khai thác than về trạng thái môi trường gần với ban đầu phục vụ các mục đích có lợi cho con người. Theo báo cáo đến tháng 9/2020, các đơn vị trong ngành than đã chi 4.800 tỷ đồng cho việc trồng cây cải tạo phục hồi môi trường 576 ha, đưa tổng số diện tích bãi thải khai trường đã cải tạo phục hồi môi trường lên 1.825 ha.

Hiện nay các bãi thải vùng than Quảng Ninh có nhiều điểm đặc biệt dẫn đến việc cải tạo, phục hồi môi trường các bãi thải có những vấn đề cần chú ý, cụ thể như sau:

- Việc đổ thải tại vùng than Quảng Ninh trong nhiều năm trước khi có quy định pháp luật về bảo vệ môi trường (1955 – 1995) không theo quy hoạch mặc dù quá trình phát triển ngành Than đều được thực hiện thông qua các quy hoạch được xây dựng và phê duyệt. Hiện nay, trong quá trình cải tạo môi trường các bãi thải đã khắc phục được dần những những tồn đọng do lịch sử hình thành bãi thải để lại.

- Rất nhiều bãi thải có tính chất “tạm”, nhỏ, lẻ đã được hình thành trong quá trình khai thác than, tồn tại ở bất kỳ vị trí nào có thể chứa được đất đá thải, do vậy hiện tượng sạt lở, tụt lở, trôi, trượt thường xảy ra, đặc biệt trong mùa mưa bão gây nên hiện bồi lấp sông suối, thậm chí gây ra sự cố môi trường để lại những hậu quả lớn phải khắc phục trong một thời gian dài; các bãi thải vùng mỏ gây ra những phản cảm về cảnh quan môi trường.

- Nhiều bãi thải lớn có tính chất liên mỏ (Đông Cao Sơn, Chính Bắc, Khe Sim – Lộ Trí – Mông Gioăng) có lịch sử hình thành từ lâu đời nhưng đến nay vẫn tiếp tục tiếp nhận đổ thải, do vậy công tác cải tạo, phục hồi môi trường đối với các bãi thải này chỉ có thể thực hiện được khi mỏ cuối cùng đổ thải vào các bãi thải này thực hiện dừng đổ thải. Điều này cũng dẫn đến những khó khăn trong việc xác nhận hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường đối với các mỏ đã dừng đổ thải trước đó khi tiến hành thủ tục đóng cửa mỏ.

- Do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, rất nhiều bãi thải, kể cả các bãi thải có lịch sử hình thành từ rất lâu đời, thậm chí từ thời Pháp thuộc, đến nay nằm lọt trong khu đô thị, giữa lòng thành phố và trở thành đối tượng bị chỉ trích vì những tác động đến môi trường, cảnh quan.

- Về khía cạnh môi trường, tất cả các bãi thải vùng than Quảng Ninh đều có chung nguồn gốc là bãi thải cao nên việc thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường rất khó khăn về mặt kỹ thuật, tốn kém về mặt tài chính và không thể hoàn chỉnh một cách trọn vẹn về mặt cảnh quan, thẩm mỹ.

- Do không xuất phát từ yếu tố cảnh quan môi trường nên có nhiều yếu tố liên quan đến kỹ thuật, công nghệ cải tạo, phục hồi môi trường bãi thải mỏ than sẽ vĩnh viễn không thể nào áp dụng được vì công nghiệp khai thác than ở Việt Nam đã không định hướng cải tạo, phục hồi môi trường các bãi thải.

Giải pháp cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải vùng than Quảng Ninh

  - Cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải giảm chiều cao tầng, góc dốc sườn tầng để hạn chế trôi lấp đất đá, gây nguy cơ mất an toàn cho các hoạt động liên quan.

- Việc cải tạo, phục hồi môi trường bãi thải được thực hiện ngay với từng phần bãi thải đã dừng việc đổ thải, không chờ hoàn thành đổ thải toàn bộ bãi thải.

- Ưu tiên cải tạo, phục hồi môi trường các bãi thải nhìn thấy được từ QL 18A trên toàn bộ địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nội dung này đã được TKV thực hiện.

- Khi thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường bãi thải, đặt nhiệm vụ xử lý an toàn bãi thải lên hàng đầu; sử dụng các loài thực vật bản địa để phủ xanh. Trường hợp sử dụng giống ngoại lai (trong nước hoặc nước ngoài) cần phải được thử nghiệm trước khi áp dụng đại trà.

- Việc cải tạo, phục hồi môi trường các bãi thải được thực hiện theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường mỏ sau khai thác được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo các dự mỏ. Theo đó, các bãi thải cần được thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường ngay trong quá trình khai thác nhằm nhanh chóng phục hồi bãi thải và giảm thời gian ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hạng mục này.

- Giải pháp cấp bách trong giai đoạn từ 2021-2025: Tập trung nguồn vốn để cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải đã kết thúc đổ thải như khu vực Giáp Khẩu của bãi thải Chính Bắc – Núi Béo, bãi thải Đông Cao Sơn, ... Tiếp tục trồng dặm, chăm sóc, bảo vệ các khu vực đã trồng cây để định hướng phát triển kinh tế rừng. Tiếp tục ưu tiên đổ thải kết thúc trước các khu vực bãi thải nhìn được từ Quốc lộ 18A: Khu vực Mông Dương bãi thải Đông Cao Sơn, khu vực phía Nam bãi thải Nam Khe Tam - Đông Khe Sim để cải tạo phục hồi môi trường, trồng cây phủ xanh nhằm giảm thiểu nguy cơ sạt lở, trôi lấp đất đá, cải tạo cảnh quan môi trường chung.

- Nghiên cứu chuyển đổi các diện tích đã cải tạo phục hồi môi trường sang trồng cây có ích và phát triển kinh tế thân thiện môi trường.

- Đối với việc lựa chọn giống cây trồng, ngành than sẽ chỉ đạo các đơn vị thành viên khi thực hiện trồng rừng cải tạo phục hồi môi trường sẽ kết hợp hài hòa giữa các loài cây trồng phát triển nhanh để sớm phủ xanh chống xói mòn kết hợp với các loài cây trồng bền vững theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh tại văn bản số 1894/UBND-NLN2 ngày 8/4/2016 về việc lựa chọn loài cây trồng rừng cải tạo môi trường trên địa bàn tỉnh. Việc cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải phải đảm bảo ổn định lâu dài, hệ thống thoát nước đồng bộ, cây trồng phát triển nhanh khép tán nhằm chống xói mòn, sạt lở. Ứng dụng các biện pháp khoa học công nghệ trong việc cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải, đặc biệt là các bãi thải nhìn từ quốc lộ 18A.

- Nghiên cứu lựa chọn giống cây và kỹ thuật lâm sinh (kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác) theo định hướng trong Đề án trồng cây phủ xanh phục hồi môi trường kết hợp lấy gỗ trụ mỏ và phát triển kinh tế rừng.

- Các giải pháp đổ thải và cải tạo, phục hồi môi trường bãi thải phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật theo các TCVN và QCVN hiện hành và phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các văn bản hướng dẫn khác của UBND tỉnh và các cơ quan quản lý./.

Hình 1. Bãi thải Chính Bắc – Núi Béo sau cải tạo

Hình 2. Bãi thải Đèo Nai sau cải tạo

Tác giả: Nguyễn Mạnh Tuấn