Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2021: Đất ngập nước, Nước và Sự sống

Quản trị viên 22/02/2021 Khối môi trường

Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là những nơi cư trú của các loài chim nước (Công ước Ramsar) là cam kết chung của các quốc gia trên thế giới để bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế. Công ước được thông qua ngày 02/02/1971 tại thành phố Ramsar, tọa lạc tại phía nam bờ biển Caspian của Iran.

Hiện nay, Công ước có 170 quốc gia thành viên với 2.416 khu Ramsar (thuộc danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế). Việt Nam đã ký gia nhập Công ước Ramsar vào năm 1989 và là thành viên thứ 50, đồng thời là quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước Ramsar.

Tính đến nay, Việt Nam có 9 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới, bao gồm:

1. Vườn quốc gia Xuân Thủy - Vùng chim quan trọng tại Việt Nam (20/09/1988)

2. Khu hệ đất ngập nước Bàu Sấu - Môi trường sống của loài cá sấu xiêm (04/08/2005)

3. Vườn quốc gia Ba Bể - Viên ngọc xanh của núi rừng Đông Bắc (02/02/2011)

4. Vườn quốc gia Tràm Chim với biểu tượng sếu đầu đỏ (02/02/2012)

5. Vườn quốc gia Mũi Cà Mau - ba mặt giáp biển (12/12/2013)

6. Vườn quốc gia Côn Đảo (18/06/2013)

7. Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (22/05/2015)

8. Vườn quốc gia U Minh Thượng (30/04/2015)

9. Vân Long - Khu Bảo tồn có đàn Voọc lớn nhất Việt Nam 10/02/2017

Voọc quần đùi trắng tại khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn (Ninh Bình).

Ngày 02/02 hàng năm được chọn là ngày Đất ngập nước thế giới (World Wetlands Day). Ngày Đất ngập nước thế giới đã được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1997. “Không thể tách rời - Đất ngập nước, Nước và Sự sống” (Inseparable - Water, Wetlands and Life), ​đó là chủ đề của ngày Đất ngập nước Thế giới 02/02 năm nay nhằm nhấn mạnh sự đóng góp của các vùng đất ngập nước đối với số lượng và chất lượng nước sạch trên hành tinh của chúng ta.

Nước và đất ngập nước được kết nối trong một mối quan hệ không thể tách rời, có ý nghĩa sống còn đối với sự sống, sức khỏe của chúng ta và cả sức khỏe của hành tinh chúng ta. Với Việt Nam, theo số liệu thống kê, các vùng đất ngập nước đã cung cấp lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2017. Khoảng 20 triệu người dân Việt Nam có thu nhập chính hoặc thu nhập một phần từ tài nguyên thủy sản và đang khai thác, sử dụng trên 300 loài hải sản và trên 50 loài thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế.

Đất ngập nước Việt Nam có diện tích khoảng 12 triệu héc ta, đa dạng về kiểu loại và phân bố ở mọi vùng sinh thái của đất nước. Theo phân loại của Bộ TN&MT, Việt Nam có 26 kiểu loại đất ngập nước khác nhau, bao gồm đất ngập nước biển và ven biển, đất ngập nước nội địa và nhân tạo. Đa dạng sinh học của đất ngập nước cũng hết sức phong phú: ước tính có khoảng 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt và trên 11.000 loài sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển.

Đồng cỏ ngập nước và loài chim ở vườn quốc gia Tràm Chim

Những năm gần đây, giá trị của đất ngập nước được khai thác mạnh cho phát triển ngành du lịch như đảo Cát Bà, Côn Đảo, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cần Giờ, Ba Bể, Tràm Chim... là những điểm thu hút rất nhiều khách trong và ngoài nước.

Đất ngập nước còn có giá trị về văn hóa, xã hội, lịch sử. Chính đất ngập nước là cội nguồn của nền văn minh lúa nước gắn với đời sống văn hóa, tinh thần và nhiều phong tục của người dân Việt Nam. Đáng chú ý, đất ngập nước còn có giá trị về nghiên cứu khoa học và giáo dục để giúp con người hiểu biết đầy đủ hơn sự vận hành của các hệ thống tự nhiên, góp phần bảo vệ và cải tạo môi trường, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững.

Tuy nhiên, các vùng đất ngập nước đang ngày càng bị tác động mạnh mẽ bởi các hoạt động phát triển kinh tế của con người và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhiều vùng đất ngập nước đã bị biến mất và diện tích các vùng đất ngập nước bị thu hẹp do sức ép khai thác, sử dụng đất ngập nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên các vùng đất ngập nước gia tăng. Do đó, việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước là một trong những mục tiêu ưu tiên trong các chính sách của Việt Nam.

Để phát huy giá trị và bảo tồn các vùng đất ngập nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Theo đó, việc bảo tồn và sử dụng vùng đất ngập nước phải được thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái của vùng đất ngập nước; tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống trên, chung quanh vùng đất ngập nước; khuyến khích đầu tư cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên cả nước...

Những vùng đất ngập nước tạo ra nguồn tài nguyên thiên nhiên, đem lại giá trị rất lớn về kinh tế, khoa học, văn hóa… Do vậy, việc bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, dừng các hoạt động gây suy thoái các vùng đất ngập nước và thúc đẩy, phục hồi các vùng đất ngập nước, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học tại các vùng đất ngập nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ và của cả cộng đồng. Trong đó, cộng đồng có vai trò quan trọng trong bảo vệ các cùng đất này, do các vùng đất ngập nước gắn liền với cuộc sống của người dân dù trực tiếp hay gián tiếp như một phần không thể tách rời./.

Tác giả: Đinh Văn Long