Những thắng lợi của hoạt động bảo vệ môi trường

Quản trị viên 05/05/2022 Công nghệ thông tin

Thực trạng môi trường toàn cầu trong năm 2021 có thể khiến nhiều người cảm thấy thất vọng: hơn một triệu loài động – thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, nồng độ carbon dioxide trong khí quyển tiếp tục tăng, Trái đất hứng chịu một loạt các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra… Trong khi đó, thế giới tiếp tục vật lộn với đại dịch COVID-19 tưởng chừng như sẽ không bao giờ kết thúc.

Tuy nhiên, chúng ta có lý do để cảm thấy lạc quan về một số lĩnh vực mà môi trường đã đạt được trong năm 2021. Những dấu mốc thành công trong cuộc chiến bảo vệ môi trường cho hành tinh xanh của chúng ta thời gian qua, dù chưa được như mong đợi hoặc chưa được hoàn thiện đúng như cam kết, nhưng đủ cho chúng ta có niềm tin vào thắng lợi trên chặng đường dài đầy khó khăn này. Dưới đây là năm thành tựu về môi trường nổi bật:

1. Giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch

Sau bốn năm rút khỏi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, Mỹ - nhà phát thải carbon dioxide từ nhiên liệu hóa thạch lớn thứ hai thế giới, đã trở lại bàn đàm phán của COP26, được tổ chức tại Glasgow vào tháng 11-2021. Vào cuối hội nghị thượng đỉnh, Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố chung bất ngờ để cùng nhau thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

Mặc dù mức độ tham vọng ở Glasgow vấp phải nhiều chỉ trích, mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 ° C hiện được cho là có khả năng đạt được hơn so với trước. Đáng chú ý là các quốc gia đã đồng ý “cắt giảm” sử dụng than và hơn một trăm quốc gia đồng ý giảm 30% lượng khí thải mê-tan của mình vào năm 2030.

Rời khỏi Glasgow, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hủy bỏ dự án đường ống Keystone XL gây tranh cãi và đình chỉ các hợp đồng thuê khoan dầu tại Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Bắc Cực ở Alaska. Chính quyền Mỹ đặt mục tiêu tạo ra 30 gigawatt gió ngoài khơi vào năm 2030 và công bố dự định giảm 60% chi phí năng lượng mặt trời trong thập kỷ tới. Hai tuyên bố này là một phần của kế hoạch của Mỹ nhằm xây dựng lưới điện sạch quốc gia vào năm 2035. Ngoài ra, nhằm thực hiện tiến trình “khử cacbon cho nền kinh tế Mỹ” vào năm 2050, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh yêu cầu đến năm 2030, xe điện sẽ chiếm một nửa doanh số bán xe mới ở Mỹ. Hiện xe điện mới chiếm 2% thị trường xe Mỹ. Trong tương lai, điện hóa ngành vận tải - nguyên nhân gây ra khí thải nhà kính lớn nhất ở Mỹ, cũng là một phương án để chính quyền Biden ứng phó trực tiếp với biến đổi khí hậu.

Sử dụng năng lượng tái tạo toàn cầu dự tính tăng 8% trong năm 2021, mức tăng trưởng hàng năm nhanh nhất kể từ những năm 1970, tính riêng ở Mỹ, một báo cáo cho thấy sử dụng năng lượng tái tạo đã tăng gần gấp bốn lần trong thập kỷ qua.

Ở Hà Lan, một tòa án đã ra phán quyết buộc Tập đoàn Royal Dutch Shell, một trong 10 công ty dầu khí lớn nhất thế giới, phải giảm lượng khí thải carbon của mình xuống 45% vào năm 2030 so với mức của năm 2019, một kết quả mà một luật sư đã mô tả là một “bước ngoặt trong lịch sử”. Đây là phán quyết pháp lý đầu tiên trên thế giới, yêu cầu một tập đoàn xuyên quốc gia gây ô nhiễm phải giảm lượng khí thải phù hợp với các mục tiêu khí hậu toàn cầu.

Thủ đô của Mông Cổ cấm sử dụng than để khắc phục vấn đề ô nhiễm. Nguồn: NPR.

2. Giảm rác thải nhựa

Theo các nhà nghiên cứu, rác thải nhựa phải mất 100 năm, thậm chí đến 1.000 năm mới bị phân hủy trong môi trường tự nhiên. Trong quá trình đợi phân huỷ đó, rác thải nhựa gây ra biết bao tác hại khôn lường đối với sức khỏe con người và với môi trường, hệ sinh thái trên trái đất.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang đẩy mạnh giải quyết vấn đề rác thải nhựa, tiêu biểu là Mỹ - quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới. Năm 2021 chứng kiến sự ban hành của ​​một loạt các đạo luật ở Mỹ nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Bang Washington, Mỹ, đã ra một đạo luật cấm các sản phẩm polystyrene, chẳng hạn như chất làm mát dạng bọt và hạt xốp đóng gói; yêu cầu khách hàng tự đưa ra lựa chọn sử dụng đồ nhựa dùng một lần, ống hút, nắp đậy cốc và gia vị; quy định hàm lượng tối thiểu được tái chế sau khi tiêu dùng đối với một số chai và bình nhựa, bao gồm cả những sản phẩm chăm sóc cá nhân và vệ sinh gia đình.

California là tiểu bang đầu tiên của Mỹ thông qua các dự luật mang tính bước ngoặt nhằm cấm các nhà sản xuất sử dụng biểu tượng tái chế gồm “ba mũi tên đuổi theo nhau” hình tam giác hoặc từ có thể tái chế trên các sản phẩm không thực sự có thể tái chế; cấm xuất khẩu chất thải nhựa hỗn hợp sang các nước khác để được coi là “tái chế”; yêu cầu các sản phẩm được dán nhãn là có thể phân hủy để phân hủy trong điều kiện thực tế; cấm sử dụng các hóa chất PFA có đặc tính phân hủy cực kỳ chậm, có biệt danh là hóa chất vĩnh viễn, trong các sản phẩm dành cho trẻ em.

Những hành động như vậy đã tạo hiệu ứng trên toàn liên bang Mỹ với sự ra đời của Đạo luật Không ô nhiễm nhựa, là đề xuất của hai nhà lập pháp Mỹ nhằm cấm một số sản phẩm nhựa dùng một lần và tạm dừng cấp phép các nhà máy sản xuất nhựa mới.

Một số tiểu bang của Mỹ gửi rác thải nhựa của họ đến các quốc gia khác – Rác thải nhựa được gửi đến Malaysia để tái chế được thu gom tại một bãi rác lộ thiên. Nguồn: PlasticPollutionCoalition.

3. Bảo vệ rừng

Cho đến nay, hoạt động bảo tồn rừng nổi bật nhất là các cam kết tại Hội nghị Khí hậu Liên Hợp Quốc ở Glasgow (COP26) nhằm chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, trong đó có cam kết cung cấp 12 tỷ USD tài trợ để "giúp giải phóng tiềm năng của rừng và sử dụng đất bền vững".

Năm 2021 đã chứng kiến một số chiến thắng quan trọng trong hoạt động bảo tồn rừng. Tháng 10-2021, Chính phủ Congo đã tiến hành kiểm toán các hợp đồng chuyển nhượng đất rừng rộng lớn của nước này. Vài tuần sau đó, Chính phủ đã quyết định tiếp tục duy trì lệnh cấm 19 năm về việc cấp giấy phép khai thác mới ở Rừng lưu vực Congo (khu vực rừng nhiệt đới lớn thứ hai trên thế giới).

Ở Indonesia, Chính quyền tỉnh Tây Papua của nước này đã thu hồi giấy phép của 12 hợp đồng dầu cọ với diện tích khoảng 300.000 ha (diện tích gấp đôi thành phố Los Angeles, Mỹ), trong đó, rừng chiếm ba phần năm diện tích này.

Còn ở Ecuador, tòa án tối cao của nước này đã ra phán quyết rằng các kế hoạch khai thác đồng và vàng trong một khu rừng trên mây nhiệt đới được bảo tồn sẽ làm tổn hại đến sự đa dạng sinh học đồng thời vi phạm các quyền của tự nhiên, vốn được ghi trong Hiến pháp Ecuador. Theo đó, tất cả các hợp đồng nhượng quyền khai thác, các giấy phép về nước và môi trường trong khu rừng này phải bị hủy bỏ.

Một số chính quyền địa phương ở Indonesia đang rút giấy phép dầu cọ từ các công ty đang tìm cách xây dựng các đồn điền trong rừng. Nguồn: The Phnompenh Post.

4. Phục hồi môi trường sống

Đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng tính cấp bách của việc bảo vệ sinh thái. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường sống và làm chậm tốc độ tuyệt chủng của các loài, nhằm bảo vệ đa dạng sinh học.

Kể từ thay thế ông Trump vào vị trí chủ nhân Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã nỗ lực khôi phục các biện pháp bảo vệ môi trường sống. Nổi bật nhất là việc tái thiết lập sự bảo vệ đầy đủ cho hai khu di tích quốc gia của Mỹ là các đài tưởng niệm Bears Ears và Grand Staircase-Escalante ở phía nam Utah, những địa danh đã tồn tại qua hàng nghìn năm lịch sử, cũng như cho di tích quốc gia biển đầu tiên ở Đại Tây Dương bao gồm Hẻm núi Đông Bắc và Đài tưởng niệm Quốc gia Biển Seamounts ở ngoài khơi New England.

Mỹ đã khôi phục sự bảo vệ đối với hơn 1 triệu ha rừng già ở Tây Bắc Thái Bình Dương, nơi sinh sống quan trọng của loài cú lông đốm phương bắc; củng cố Hiệp ước Chim di cư; khôi phục các biện pháp bảo vệ hơn 4 triệu ha đất nằm trên hai tiểu bang Nevada và Idaho nhằm cấm khai thác mỏ tại môi trường sống quan trọng của loài gà gô ngải thảo lớn nhất Bắc Mỹ. Cú lông đốm phương bắc và gà gô ngải thảo lớn là hai loài đều đang bị suy giảm số lượng cá thể do mất môi trường sống và có nguy cơ tuyệt chủng.

Nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc thúc đẩy các quốc gia cam kết bảo vệ 30% diện tích đất đai của mình vào năm 2030, một mục tiêu mà hơn 100 quốc gia đã nhất trí cam kết vào tháng 9-2021, Mỹ đã công bố sáng kiến Nước Mỹ tươi đẹp, thiết lập mục tiêu bảo tồn quốc gia đầu tiên trong lịch sử: bảo tồn 30% đất liền và đại dương của Mỹ vào năm 2030. Panama cũng đã thực hiện các bước quan trọng để hướng tới mục tiêu tương tự bằng cách tăng diện tích của Khu bảo tồn biển Cordillera de Coiba lên gấp ba. Tiếp bước Panama, Bồ Đào Nha đã thành lập khu bảo tồn biển được bảo vệ hoàn toàn lớn nhất châu Âu.

Một tòa án ở Mỹ đã lật ngược quyết định của chính quyền Trump do có tác động tiêu cực đến môi trường sống của loài gà gô ngải thảo. Nguồn: Caster Star-Tribune.

5. Bảo vệ động vật hoang dã

Quần thể của một số loài mang tính biểu tượng nhất trên thế giới đang cho thấy có những cải thiện nhờ một loạt các biện pháp bảo tồn. Vào tháng 7-2021, Trung Quốc tuyên bố không còn coi gấu trúc khổng lồ - loài vật quốc bảo của Trung Quốc, biểu tượng của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới, là loài có nguy cơ tuyệt chủng, chuyển tình trạng của nó xuống mức dễ bị tổn thương trong Danh sách Đỏ các loài bị đe dọa của IUCN. Đồng thời, Trung Quốc công bố kế hoạch thiết lập một hệ thống các công viên nhằm bảo vệ các loài bản địa như gấu trúc khổng lồ, hổ Đông Bắc Trung Quốc, báo Siberia và vượn đen Hải Nam.

Số lượng cá thể cá voi lưng gù đang gia tăng ở nhiều nơi, bao gồm cả ngoài khơi Australia và trong các bãi kiếm ăn của chúng ở Nam Đại Tây Dương. Đây quả là tin vui bởi số lượng cá voi con ở quần thể Tây Bắc Đại Tây Dương đã sụt giảm trong 15 năm qua. Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, một số loài cá ngừ đại dương không còn bị xếp vào nguy cơ tuyệt chủng, đây là kết quả của nhiều thập kỷ nỗ lực nhằm hạn chế tác động của đánh bắt thương mại.

Ngày Môi trường Thế giới 5-6-2021 đã đánh dấu sự khởi đầu chính thức của Thập kỷ Liên hợp quốc về phục hồi hệ sinh thái (2021-2030), một nỗ lực toàn cầu nhằm hồi sinh thế giới tự nhiên trong một thập kỷ. “Một thập kỷ có vẻ là một khoảng thời gian dài, nhưng chúng ta thực sự đang phải chạy nước rút để cứu lấy hành tinh này”, Tim Christophersen, Điều phối viên Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) của Thập kỷ Liên hợp quốc cho biết. Loài người có đủ sức mạnh và tri thức để đảo ngược tác hại và khôi phục đất đai và đại dương nếu hành động ngay bây giờ. Đây là lý do tại sao Liên hợp quốc tuyên bố Thập kỷ khôi phục hệ sinh thái. Những dấu ấn đạt được trong năm 2021 là những hy vọng thắp sáng cho tương lai hướng tới mục tiêu chung của chúng ta: một hành tinh nơi mà con người sống hòa thuận với thiên nhiên.

Quần thể gấu trúc khổng lồ đã phục hồi đủ để Trung Quốc loại bỏ loài này khỏi danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Nguồn: Getty Images.

Việt Nam với mục tiêu hiện thực “Việt Nam xanh”

Tại COP26, Việt Nam đã cùng khoảng 140 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050; tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu… Có thể nói, Glasgow là một bước ngoặt lịch sử trong chính sách ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Để thực hiện các cam kết mạnh mẽ này, trước mắt, Việt Nam cần tập trung vào 8 nhiệm vụ trọng tâm sau: (i) chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch; (ii) giảm phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực; (iii) giảm phát thải khí metan, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải; (iv) khuyến khích nghiên cứu, phát triển và sử dụng ô tô điện; (v) quản lý và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có, đồng thời đẩy mạnh trồng rừng mới để hấp thụ, lưu giữ cacbon; (vi) nghiên cứu, sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng và phát triển đô thị phù hợp phát triển xanh, bền vững; (vii) đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông để toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp thống nhất nhận thức và đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện cam kết tại COP26; (viii) đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cánh đồng điện gió ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Nguồn: TTXVN

Chính phủ Việt Nam đã tích cực nâng công suất phát điện với cam kết khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo. Bộ Công Thương cũng đã công bố dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8), trong đó chỉ đề cập đến các nhà máy điện than đã và đang xây dựng; không có quy hoạch phát triển nhà máy điện than mới. Đây là một nỗ lực không hề nhỏ với một quốc gia sử dụng than đá làm nguồn năng lượng phát điện chủ yếu và cơ bản đã khai thác hết nguồn thủy điện, trong khi nhu cầu năng lượng vẫn đang tăng với tốc độ gần 10%/năm./.

Tác giả: Đỗ Thị Thanh Hương (Theo National Geographic và MOIT)