Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 góp phần đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững

Quản trị viên 11/01/2022 Khối môi trường

Theo Báo cáo số 37/BC-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 05/4/2020 về tổng kết 5 năm thi hành Luật BVMT 2014 đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập sau một thời gian áp dụng như: các thủ tục hành chính còn chồng chéo, phân tách, thiếu liên thông, tích hợp dẫn đến việc chủ đầu tư lúng túng khi thực hiện nhiều thủ tục hành chính đôi khi chậm trễ trong việc hoàn thiện hồ sơ môi trường và bị xử phạt hoặc các vi phạm pháp luật về BVMT diễn biến phức tạp trong khi thanh tra, kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức, chế tài chưa đủ sức răn đe,….Nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trên ngày 17/11/2020 Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 (Luật BVMT 2020) và có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2022. Trong đó, Luật BVMT 2020 đã giải quyết được sự chồng chéo trong quản lý và bài toán “không đánh đổi môi trường để phát triển”, nhưng cũng không quá cứng nhắc dẫn đến kìm hãm phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Luật BVMT 2020 cũng đã được nhận định là: tương thích với hệ thống pháp luật và thông lệ quốc tế; thống nhất, đồng bộ với pháp luật liên quan, tạo hành lang pháp lý đồng bộ về bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Luật BVMT 2020 có những thay đổi về bố cục và nội dung, cụ thể như sau:

Về bố cục:

Luật BVMT 2020 gồm 16 Chương, 171 Điều (so với Luật BVMT 2014 gồm 20 Chương, 170 Điều).

1. Luật BVMT 2020 đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách BVMT khác.

2. Luật BVMT 2020 đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án, bao gồm: chiến lược BVMT quốc gia, quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và đăng ký môi trường.

3. Lần đầu tiên, Luật BVMT 2020 thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế-xã hội; cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

Về nội dung:

1. Mở rộng phạm vi điều chỉnh, ‘cộng đồng dân cư’ được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường, phát huy vai trò của ‘cộng đồng dân cư’ trong các hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, cắt giảm thủ tục hành chính.

3. Định chế nội dung và bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước.

4. Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải.

5. Thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương.

6. Chế định cụ thể về kiểm toán môi trường được quy định lần đầu nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp.

7. Cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước.

8. Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản phù hợp với pháp luật quốc tế, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.

9. Tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên./.

Tác giả: Phạm Chi Linh