Tập trung phòng ngừa, hạn chế tác động xấu trong khai thác mỏ than Đèo Nai và Cọc Sáu

Quản trị viên 05/05/2021 Khối địa chất

Do điều kiện khai thác mỏ than Đèo Nai và mỏ than Cọc Sáu, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh ngày càng xuống sâu, bài toán nghiên cứu tính toán lượng nước chảy vào mỏ là rất cần thiết, cần tiến hành công tác quan trắc địa chất thủy văn công trình để dự tính lượng nước chảy vào mỏ, cung cấp bổ sung thông tin và kịp thời phòng ngừa, hạn chế tác động xấu trong quá trình khai thác mỏ.

Mẫu lỗ khoan NCDN42 - vị trí trước đây dự kiến là đới phá hủy đứt gãy AA

Đó là hướng nghiên cứu tiếp theo cho mỏ than Đèo Nai và mỏ than Cọc Sáu được Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường – Vinacomin (VITE), đơn vị tư vấn và lập báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng cho 2 mỏ than này đề xuất tại cuộc họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia mới đây tại Hà Nội.

Thăm dò mang lại những kết quả rõ nét

Theo ông Đỗ Tuấn Diệp – Kỹ sư địa chất của Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường – Vinacomin, mục tiêu thăm dò nâng cấp trữ lượng trong phạm vi các Giấy phép khai thác mỏ than Đèo Nai và mỏ than Cọc Sáu là nâng cấp các khối tài nguyên cấp 333 lên trữ lượng cấp 122 phục vụ công tác điều chỉnh dự án đầu tư khai thác, đồng thời, làm rõ cấu trúc địa chất mỏ, xác định chiều dày, đặc điểm phân bố các vỉa than, đánh giá chất lượng.

Công tác thăm dò đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, khối lượng thăm dò của Đề án được tổng hợp trong báo cáo là 29.615,3mk/97 lỗ khoan. Kết quả thi công các công trình thăm dò tổng hợp trong báo cáo đã cơ bản đảm bảo độ tin cậy về tài liệu kỹ thuật, đáp ứng được mục tiêu, có cơ sở tin cậy để tổng hợp báo cáo địa chất làm cơ sở cho việc nghiên cứu phát triển các Dự án đầu tư khai thác theo quy hoạch phát triển ngành than. Đồng thời, báo cáo đã hiệu chỉnh lại cấu trúc địa chất mỏ phù hợp thực tế, trên cơ sở các công trình thăm dò đã thi công và hiện trạng đã khai thác đến ngày 31/12/2019; phản ánh trung thực các yếu tố địa chất, kiến tạo, cấu tạo vỉa than.

Ông Đỗ Tuấn Diệp – Kỹ sư địa chất của Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường – Vinacomin khẳng định, công tác thăm dò đã đạt được những kết quả nhất định

Báo cáo đã đi sâu vào việc tổng hợp, chỉnh lý cấu trúc địa chất, xác định sự tồn tại và mức độ duy trì của các vỉa than, tổng hợp và đánh giá tổng quát về đặc điểm địa chất thủy văn – địa chất công trình (ĐCTV-ĐCCT), xác định trữ lượng và tài nguyên than mỏ Đèo Nai và mỏ Cọc Sáu đáp ứng yêu cầu thiết kế khai thác than của mỏ.

Đặc biệt, Công ty ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường – Vinacomin đã tổng hợp, liên hệ các tài liệu mỏ than Đèo Nai và Cọc Sáu với các khu mỏ lân cận như khu mỏ Lộ Trí để có sự thống nhất về cấu trúc và định danh tên các vỉa than.

Cần đầu tư thăm dò để khai thác hiệu quả hơn

Ông Đỗ Tuấn Diệp cho biết: Báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng trong phạm vi các Giấy phép khai thác mỏ than Đèo Nai và mỏ than Cọc Sáu đã nâng cấp trữ lượng và giải quyết một số vấn đề còn tồn tại trong công tác thăm dò giai đoạn trước. Đặc biệt, cấu trúc khu vực phía Bắc đứt gãy F.B nhờ tổng hợp hiện trạng khai thác và thăm dò kết hợp với việc áp dụng công nghệ siêu âm dọc thành lỗ khoan (LK) áp dụng tại Đề án này với khối lượng 23LK/6.319,8mk, đã làm sáng tỏ được cấu trúc, hướng cắm của đất đá và các vỉa than có xu hướng cắm về phía Đông Nam. Tài liệu báo cáo đảm bảo đáp ứng độ tin cậy để lập các dự án đầu tư khai thác theo Quy hoạch 403 và Quy hoạch 1265 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, việc thăm dò nâng cấp được chia làm nhiều giai đoạn, thời gian kéo dài từ năm 2011 đến năm 2019, vì vậy việc tổng hợp thi công lỗ khoan theo trình tự cũng như việc tổng hợp kết quả thi công chưa được thống nhất, liên tục để điều chỉnh chiều sâu một số lỗ khoan cho phù hợp với thực tế, dẫn đến một số lỗ khoan chưa thể khống chế được hết cả vỉa than đặc biết các lỗ khoan thi công giai đoạn trước năm 2017.

Khu vực lộ vỉa

Hơn nữa, khu vực Bắc đứt gãy F.B có diện tích nhỏ nhưng trải dài từ tuyến XX đến tuyến XXXV, cấu trúc vỉa than phức tạp nhiều nếp uốn, biến thiên chiều dày lớn. Vì vậy, việc bố trí công trình thăm dò tại đây để đảm bảo mạng lưới thăm dò theo quy định tương đối khó khăn. Trong tương lai, khu vực này vẫn cần đầu tư thăm dò phục vụ khai thác để đảm bảo công tác khai thác có hiệu quả hơn nữa.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Lượng – Phó Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho rằng, một phần tài nguyên cấp 333 trong phạm vi các giấy phép khai thác đã bị khai thác. Đối với tài nguyên cấp 333 còn lại là 11.494 nghìn tấn, phân bố ở rìa các vỉa than và phần dưới sâu, chủ đầu tư (TKV) cần có kế hoạch thăm dò nâng cấp.

Ngoài ra, trong quá trình khai thác sau này, cần lưu ý các ý kiện nhận xét của các phản biện và của Ủy viên Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia về mạng lưới thăm dò một số khối 122 và các đứt gãy dự kiến, cũng như công tác nghiên cứu ĐCTV-ĐCCT./.

Tác giả: Báo Tài nguyên & Môi trường