Tương lai của than sẽ được định đoạt ở châu Á

Quản trị viên 05/05/2021 Khối công nghệ thông tin

Năm 2021, thế giới bước vào năm thứ hai của đại dịch COVID-19. Việc tăng tốc triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ở nhiều nền kinh tế lớn cùng với các phản ứng tài khóa đồng bộ và rộng khắp đang thúc đẩy triển vọng tăng trưởng kinh tế kéo theo sự phục hồi về nhu cầu năng lượng, trong đó có than.

Theo báo cáo Đánh giá Năng lượng Toàn cầu 2021 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng kinh tế toàn cầu có khả năng phục hồi 6% trong năm 2021, đẩy GDP toàn cầu tăng 2% so với năm 2019. Nhu cầu năng lượng toàn cầu dự báo tăng 4,6% trong năm 2021, tăng 0,5% so với năm 2019 và đảo ngược mức giảm 4% trong năm 2020. Trong đó, chiếm 70% mức tăng là các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Nhu cầu than toàn cầu dự báo tăng 4,5%, vượt mức năm 2019 và đạt mức đỉnh của năm 2014, với hơn 80% mức tăng trưởng tập trung ở khu vực châu Á. Riêng Trung Quốc được dự báo sẽ chiếm hơn 50% mức tăng trưởng toàn cầu. Nhu cầu than ở Mỹ và EU cũng đang phục hồi, tuy nhiên sẽ duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước khủng hoảng.

Tỷ lệ tiêu thụ than của các nước và khu vực trong năm 2020.

Tiêu thụ than toàn cầu theo từng khu vực giai đoạn 2000-2021.

Đây là tín hiệu đáng mừng sau khi tiêu thụ than toàn cầu giảm 4% vào năm 2020, mức giảm mạnh nhất kể từ Thế chiến thứ hai, với sự sụt giảm chủ yếu tập trung vào những tháng đầu năm. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu than toàn cầu là do thời tiết ôn hòa, giá khí đốt cạnh tranh và việc Trung Quốc, nước sử dụng than lớn nhất thế giới, buộc phải thực hiện các biện pháp phong tỏa và đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 khiến cho quốc gia này chịu ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, sự phục hồi nhu cầu than trong năm 2021 dự báo sẽ không bền lâu, đến năm 2025, sử dụng than toàn cầu dự báo sẽ giảm còn khoảng 7,4 tỷ tấn. Tỷ lệ của than trong cả hỗn hợp điện và hỗn hợp năng lượng tổng thể đang giảm đều nhưng sử dụng than sẽ không giảm nhanh trong tương lai. Theo Keisuke Sadamori, Giám đốc An ninh và Thị trường Năng lượng của IEA, “Năng lượng tái tạo đang trên đà vượt qua than để trở thành nguồn phát điện lớn nhất thế giới vào năm 2025. Vào thời điểm đó, khí đốt tự nhiên có thể sẽ thay thế than trở thành nguồn năng lượng sơ cấp lớn thứ hai sau dầu mỏ. Nhưng với kỳ vọng nhu cầu than sẽ tiếp tục duy trì ổn định hoặc tăng trưởng ở các nền kinh tế chủ chốt của châu Á thì không có dấu hiệu nào cho thấy than sẽ biến mất đi một cách nhanh chóng.”

Trong thập kỷ qua, than không còn được chào đón tại Mỹ và châu Âu nhưng nó lại “lên ngôi” ở châu Á. Tính riêng Trung Quốc và Ấn Độ đã chiếm 65% nhu cầu than toàn cầu, bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và khu vực Đông Nam Á thì tỷ lệ đó là 75%. Tiêu thụ than của Đông Nam Á hiện đã vượt qua EU và sẽ sớm vượt Mỹ. Chiếm một nửa lượng tiêu thụ than của thế giới, Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục giữ vai trò ảnh hưởng đặc biệt. Có thể nhận thấy rõ, xu hướng than toàn cầu hiện đang được thúc đẩy bởi khu vực châu Á.

Dự báo các xu hướng sẽ thay đổi theo từng khu vực trong 5 năm tới. Tại châu Âu và Bắc Mỹ, nhu cầu than tiếp tục giảm sau khi tăng tạm thời trong năm 2021. Một nửa trong số 324 nhà máy nhiệt điện than ở châu Âu đã đóng cửa hoặc tuyên bố giải thể trước năm 2030. Tuy nhiên, do chỉ chiếm 10% lượng than sử dụng toàn cầu nên sự sụt giảm thêm ở hai thị trường châu Âu và Mỹ sẽ có tác động hạn chế ở quy mô toàn cầu.

Tại Trung Quốc, nhu cầu than vẫn đang ở mức cao với lượng tiêu thụ đạt 4 tỷ tấn/năm. Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 mới được công bố hồi tháng 3-2021, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trình bày tóm tắt về kế hoạch kinh tế của đất nước đến năm 2025. Theo đó, Trung Quốc sẽ xúc tiến quá trình chuyển đổi sang mô hình phát triển xanh với việc tăng cường phát triển các nguồn năng lượng mới song song với việc thúc đẩy sử dụng than sạch và hiệu quả. Rõ ràng là Trung Quốc không có ý định dừng việc mở rộng sử dụng than bất chấp cam kết sẽ trung lập carbon trước năm 2060 mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 75 diễn ra vào tháng 9-2020.

Tại một số quốc gia ở Nam Á và Đông Nam Á, nhu cầu than dự báo sẽ tăng nhằm đáp ứng sản xuất công nghiệp mở rộng và công suất nhiệt điện than mới được xây dựng. Khu vực này, bao gồm Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và các nước ASEAN với dân số 2,4 tỷ người và mức tiêu thụ điện bình quân đầu người bằng ¼ mức trung bình toàn cầu, có triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và phụ thuộc nhiều vào than để sản xuất điện. ASEAN cũng được dự báo sẽ trở thành khu vực tiêu thụ than lớn thứ ba thế giới vào năm 2025, vượt qua Mỹ và EU.

Mặc dù vậy, ngành than hiện đang phải đối mặt với không ít thách thức trong bối cảnh lo ngại về sự phát thải khí CO2 ngày càng tăng và áp lực chống than diễn ra trên nhiều mặt. Một là, việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than ở các nước phát triển đang tăng nhanh. Điều này phản ánh nhu cầu điện giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sự suy thoái kinh tế và sự cạnh tranh của khí đốt tự nhiên giá rẻ. Hai là, các công nghệ các-bon thấp, như năng lượng gió và mặt trời, đang trên đà phát triển khi chi phí đầu tư tiếp tục giảm do nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ các ngân hàng và nhà đầu tư. Điều này phần nào làm lu mờ triển vọng phát triển nhiệt điện than. Ba là, quan niệm cho rằng than là nguồn sản xuất điện rẻ nhất đang bị lung lay bởi giá khí đốt thấp, dẫn tới sự thay đổi tư duy ngay cả ở một số quốc gia châu Á nơi than chiếm vị trí chủ đạo trong sản xuất điện. Chẳng hạn như, Hàn Quốc, Nhật Bản quyết định tiến hành các bước nhằm giảm sử dụng than trong những năm tới, Việt Nam, Bangladesh, Philippines giảm quy mô mở rộng than theo kế hoạch.

Như vậy, tương lai của than phụ thuộc phần lớn vào châu Á và chính phủ các nước ở châu lục lớn nhất và đông dân nhất thế giới này cần tiếp tục hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành than, thân thiện môi trường, vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia vừa thích ứng với biến đổi khí hậu. “Xanh” hóa ngành than là sự lựa chọn sống còn cho loại nhiên liệu từng được mệnh danh là “vàng đen” này./.

Tác giả: Đỗ Thanh Hương (Theo Power Magazine)